TPHCM:

Sở Y tế thờ ơ, thiếu trách nhiệm trong công tác phòng chống dịch MERS

(Dân trí) - Dịch MERS đặc biệt nguy hiểm đang hoành hành tại nhiều quốc gia trong khu vực và trên thế giới, đe dọa trực tiếp đến sự an nguy của Việt Nam. Trong lúc Bộ Y tế rốt ráo triển khai phòng chống thì Sở Y tế TPHCM tỏ ra “bình chân như vại”.

Ngày 4/6, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cùng đoàn đã tiến hành kiểm tra công tác phòng chống dịch MERS tại TPHCM. Tại cuộc làm việc với bệnh viện Chợ Rẫy và bệnh viện Bệnh Nhiệt Đới, Thứ trưởng Thanh Long nhấn mạnh, dịch MESR đang lây lan với tốc độ nhanh tại Hàn Quốc và nhiều quốc gia khác, TPHCM mỗi ngày tiếp nhận khoảng hơn 1.000 người nhập cảnh, quá cảnh từ vùng dịch, đây là địa phương có nguy cơ bị dịch MERS xâm nhập rất cao.

Sở Y tế thờ ơ, thiếu trách nhiệm trong công tác phòng chống dịch MERS
Tại buổi làm việc của Bộ Y tế với TPHCM về công tác phòng chống dịch MERS, Ban giám đốc Sở Y tế TP không có người tham dự

Thứ trưởng yêu cầu, ngoài việc triển khai các biện pháp phòng chống như tăng cường tấp huấn cho nhân viên y tế, chủ động chuẩn bị vật tư, nhân lực, thuốc men sẵn sàng ứng phó khi xuất hiện ca bệnh, ngành Y tế cần đẩy mạnh công tác truyền thông cho hành khách nhập cảnh hiểu chủ trương của Việt Nam trong việc phòng chống dịch MERS. Bên cạnh đó, ngành y tế cũng phải tăng cường tuyên truyền các biện pháp để người dân chủ động phòng bệnh và ứng phó với dịch MERS.

Tuy nhiên, trong buổi làm việc của Bộ Y tế về công tác phòng chống dịch MERS, không có sự tham dự của Ban giám đốc Sở Y tế TPHCM. Tại bệnh viện Chợ Rẫy chỉ có duy nhất BS Vương Anh Tài, Phó phòng Nghiệp vụ xuất hiện. Đến cuối buổi làm việc với bệnh viện Bệnh Nhiệt Đới, khi đoàn công tác của Bộ Y tế chuẩn bị ra về thì BS Nguyễn Trí Dũng, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng mới “hớt hải” chạy tới.

Dịch bệnh nguy hiểm cận kề, khiến Bộ Y tế như “ngồi trên đống lửa” nhưng Sở Y tế TPHCM tỏ ra bàng quan. Không chỉ là sự vắng mặt của những người “đứng mũi chịu sào” trong buổi làm việc với Bộ Y tế ngày 4/6, ngoài những báo cáo của 2 bệnh viện Chợ Rẫy và Nhiệt Đới, vị bác sĩ thuộc cấp của Sở Y tế TPHCM không có bất kỳ ý kiến gì về về sự chuẩn bị của Sở. Trước sự thờ ơ đến khó hiểu của Sở Y tế TPHCM, một lãnh đạo của Bộ Y tế khôi hài “có lẽ lãnh đạo Sở Y tế chưa nắm được lịch công tác của Bộ”.

Một phần trong số những công lệnh của các cơ quan báo chí xin cấp thẻ ra vào tác nghiệp tại sân bay

Một phần trong số những công lệnh của các cơ quan báo chí xin cấp thẻ ra vào tác nghiệp tại sân bay

Không chỉ dừng lại ở đó, sáng ngày 5/6 văn phòng Sở Y tế gửi email đến các cơ quan báo chí đóng trên địa bàn TPHCM thông báo về việc 8 giờ sáng ngày 6/6 Sở sẽ tiến hành kiểm tra công tác phòng chống dịch MERS tại sân bay Quốc tế Tân Sơn Nhất. Quy trình kiểm soát an ninh tại sân bay Tân Sơn Nhất được thực hiện rất nghiêm ngặt, muốn tác nghiệp tại đây, phóng viên phải được lực lượng an ninh cấp thẻ ra vào. Năm 2014, khi Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến kiểm tra phòng chống dịch Ebola tại Tân Sơn Nhất và tập huấn phòng chống Ebola, Bộ Y tế đã chủ động hỗ trợ các cơ quan báo chí bằng cách lên danh sách những phóng viên tham dự sự kiện và kết nối với Ban an ninh của sân bay để làm thẻ.

Do thời gian thông báo của Sở Y tế về sự kiện quá gấp, phóng viên Dân trí và phóng viên nhiều báo đài khác đã chủ động liên hệ với Sở Y tế TPHCM đề nghị hỗ trợ việc đăng ký làm thẻ ra vào sân bay. Tuy nhiên, BS Vương Anh Tài đã từ chối đề nghị này vì lý do “chúng tôi bận rất nhiều việc” và yêu cầu phóng viên trực tiếp đăng ký với Cảng hàng không Tân Sơn Nhất và không hướng dẫn gì thêm.  

Với hy vọng sẽ được tham dự sự kiện, đưa thông tin kịp thời đến cộng đồng về công tác phòng chống MERS của ngành Y tế, chiều 5/6 hàng chục phóng viên đã mang công lệnh, giấy giới thiệu, thẻ nhà báo đến liên hệ với sân bay xin được cấp thẻ ra vào. Tuy nhiên, do không được thông báo trước và ông Đặng Tuấn Tú, Giám đốc Cảng vụ Hàng không Quốc tế, đang tham dự một cuộc họp nên hàng chục phóng viên đã phải chầu chực tại sân bay.

Một phần trong số những công lệnh của các cơ quan báo chí xin cấp thẻ ra vào tác nghiệp tại sân bay

Sau cả buổi chạy ngược chay xuôi nhưng đại diện của các cơ quan truyền thông phải ra về trong sự thất vọng và lo lắng

Bức xúc trước cách làm việc thiếu trách nhiệm của Sở Y tế, nhà báo Huyền Nga (báo Công An Nhân Dân) cho rằng: “Nếu không hỗ trợ thủ tục đăng ký thẻ cho chúng tôi, Sở Y tế cần thông báo lịch làm việc sớm hơn để chúng tôi chủ động liên hệ với sân bay. Chẳng những họ đã thông báo lịch kiểm tra dịch MERS rất trễ mà còn không có bất kỳ sự hỗ trợ nào. Từ trưa đến giờ chúng tôi đã phải chạy khắp nơi nhưng vẫn không thể đăng ký làm thẻ ra vào được vì quy trình làm thẻ ra vào cho báo chí tác nghiệp tại sân bay phải qua nhiều công đoạn từ xác nhận của Cảng vụ đến xác nhận của Đồn An ninh sân bay và xác nhận của Bộ phận tiếp dân rồi mới được cấp thẻ”.

Việc hàng chục phóng viên đến liên hệ làm thẻ cũng gây ra sự khó hiểu đối với Cảng vụ Hàng không Tân Sơn Nhất. Một vị đại diện của Cảng vụ cho hay: “Cách làm của Sở Y tế khiến chúng tôi thấy rối vô cùng, trước đây mỗi khi kiểm tra dịch bệnh ngành Y tế chỉ cần gửi 1 công văn duy nhất với danh sách thông tin cá nhân, đơn vị công tác của những phóng viên sẽ tham dự chúng tôi sẽ thực hiện thủ tục cấp thẻ. Nhưng không hiểu vì sao lần này các nhà báo lại tự đến làm thủ tục ra vào tác nghiệp tại sân bay, việc đăng ký lẻ tẻ và thời gian quá gấp nên chúng tôi khó đáp ứng được nhu cầu”.

Thông cảm trước sự chờ đợi của các phóng viên từ nhiều cơ quan truyền thông, chiều tối ngày 5/6 sau khi tan cuộc họp ông Đặng Tuấn Tú, Giám đốc Cảng Hàng không Quốc tế, đã vội vã trở lại văn phòng ký xác nhận trên công lệnh xin cấp thẻ ra vào cho từng người. Tuy nhiên, thời điểm trên đã hết giờ làm việc nên tất cả phóng viên chỉ còn biết cầm công lệnh trên tay ra về vì không kịp thời gian để xin tiếp sự xác nhận của 2 đơn vị An ninh sân bay và Phòng tiếp dân. Nhiều người đã thở dài ngao ngán và lo lắng sáng 6/6 phải làm thế nào để cung cấp thông tin phòng chống dịch MERS tại điểm nóng là cửa khẩu Tân Sơn Nhất đến cộng đồng.  

Vân Sơn