Sẽ đóng cửa bệnh viện “vô cảm” với hoạt động chống dịch Covid-19

(Dân trí) - Tất cả các bệnh viện công lập, tư nhân đều phải xem chống dịch Covid-19 là nghĩa vụ của mình, bệnh viện nào vô cảm với hoạt động này sẽ bị đóng cửa.

Đó là khẳng định của PGS.TS.BS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh (Bộ Y tế) tại buổi khảo sát hoạt động phòng chống dịch Covid-19 ở 2 bệnh viện thuộc khối tư nhân là Bệnh viện Gia An 115 và Bệnh viện FV.

Sẽ đóng cửa bệnh viện “vô cảm” với hoạt động chống dịch Covid-19 - 1
Đoàn kiểm tra ngành y tế giám sát hoạt động phòng chống dịch Covid-19 tại Bệnh viện Gia An 115

Dẫn bằng chứng từ việc Bệnh viện Hồng Ngọc ở Hà Nội đã phải tạm đóng cửa vì thiếu cảnh giác dẫn tới để lọt ca bệnh khiến dịch Covid-19 lây lan trong cộng đồng, PGS Lương Ngọc Khuê cho biết: “Từ lãnh đạo Chính phủ đến lãnh đạo Bộ Y tế, Sở Y tế Hà Nội đều rất không hài lòng về việc kiểm soát ca bệnh, lơ là trong hoạt động phòng chống nên người bệnh đi vào trong bệnh viện mà không hay biết”.

Trước mắt, Bộ Y tế đã quyết định tạm đóng cửa đối với cơ sở để lọt ca bệnh của Bệnh viện Hồng Ngọc. Sắp tới bệnh viện này sẽ bị xem xét trách nhiệm, sai ở đâu, sai đến đâu xử lý kiên quyết đến đó. Bộ Y tế sẽ có văn bản chỉ đạo cụ thể những hoạt động phòng chống dịch mà phía các bệnh viện cần đặc biệt lưu ý từ khâu tiếp nhận, phân loại bệnh, xác định ca bệnh, cách ly, thu dung, điều trị… Covid-19 đã trở thành dịch bệnh khẩn cấp toàn cầu, bệnh viện nào vô cảm, thờ ơ với hoạt động chống dịch sẽ bị đóng cửa.

Sẽ đóng cửa bệnh viện “vô cảm” với hoạt động chống dịch Covid-19 - 2
Các bệnh viện đang chủ động thực hiện các phương án kiểm soát, phát hiện sớm ca nghi nhiễm

Từ thực tế kiểm tra tại 2 bệnh viện Gia An 115 và Bệnh viện FV, PGS Lương Ngọc Khuê nhận định, cả 2 bệnh viện đã có những trang thiết bị hiện đại sẵn sàng phục vụ chăm sóc người bệnh nói chung. Với hoạt động phòng chống dịch, cả 2 bệnh viện đã chủ động triển khai các hoạt động phân loại sớm, nhận định ca bệnh nguy cơ và thực hiện các bước cách ly, lấy mẫu xét nghiệm phát hiện ca bệnh theo chỉ đạo của Sở Y tế.

Đến nay, cả 2 bệnh viện trên chưa được Sở Y tế xếp vào nhóm các bệnh viện được tiếp nhận, điều trị ca nhiễm Covid-19. Hiện, các bệnh viện mới chỉ tập trung vào các bước tầm soát, phát hiện sớm và phối hợp với bệnh viện chuyên khoa trên địa bàn thành phố trong hội chẩn chuyên môn, chuyển viện trong trường hợp cần thiết.

Các bệnh viện đều có phòng áp lực âm (không khí đi vào sau đó đi ra ngoài thông qua hệ thống tiệt trùng) đó là lợi thế nhất định trong việc tiếp nhận ca nghi nhiễm. Tuy nhiên, những bệnh nhân thuộc diện cấp cứu, PGS Lương Ngọc Khuê đề nghị các bệnh viện có giải pháp xử lý chủ động để vừa cứu được người bệnh, vừa ngăn chặn được nguy cơ lây nhiễm chéo ngay trong bệnh viện.

Sẽ đóng cửa bệnh viện “vô cảm” với hoạt động chống dịch Covid-19 - 3
PGS Lương Ngọc Khuê đề nghị Bệnh viện FV có giải pháp ngắn nhất trong việc tiếp nhận, cách ly ca nghi nhiễm

“Với tình huống bệnh nhân nghi nhiễm thuộc diện cần cách ly phải nhập viện cấp cứu vì đau ruột thừa, đau đẻ, bệnh nguy cấp cần can thiệp ngoại khoa… nếu không có phương án phù hợp sẽ đặc biệt nguy hiểm. Các tòa nhà của bệnh viện hiện đang sử dụng hệ thống máy lạnh trung tâm, đây là môi trường lý tưởng cho virus phát tán trong bệnh viện chỉ trong thời gian rất ngắn. Do đó, với những trường hợp nghi nhiễm nhưng cần can thiệp ngoại khoa khẩn cấp, phòng mổ của bệnh viện phải tắt toàn bộ hệ thống máy lạnh, việc làm mát chỉ được sử dụng quạt” – PGS Lương Ngọc Khuê đề nghị.

Bên cạnh đó, để người bệnh có thể chủ động các hoạt động phòng chống dịch, người đứng đầu Cục Quản lý Khám chữa bệnh đề nghị các bệnh viện phải tăng cường hoạt động tuyên truyền cho người bệnh, thân nhân; thực hiện triệt để việc tập huấn chuyên môn cho cán bộ, nhân viên y tế; nghiêm túc tuân thủ mọi hoạt động chỉ đạo của Bộ Y tế và Sở Y tế các tỉnh thành.

Sẽ đóng cửa bệnh viện “vô cảm” với hoạt động chống dịch Covid-19 - 4
Người đứng đầu Cục Quản lý Khám chữa bệnh khẳng định sẽ đóng cửa bệnh viện vô cảm, thơ ơ với hoạt động phòng chống dịch

Trao đổi với Cục trưởng Lương Ngọc Khuê, phía Bệnh viện Gia An 115 đề nghị Bộ Y tế cần sớm giải pháp hỗ trợ để giúp bệnh viện tiếp cận được các nguồn cung ứng khẩu trang chuyên dụng cho bác sĩ ngoại khoa và các vật tư y tế tiêu hao phục vụ hoạt động chống dịch. Phía Bệnh viện FV đã đóng góp 1 tỷ đồng vào nguồn kinh phí phục vụ hoạt động chống dịch của TPHCM và bày tỏ mong muốn sớm được Bộ Y tế xem xét cho phép bệnh viện vận hành hệ thống xét nghiệm chẩn đoán Covid-19.

Cục Quản lý Khám chữa bệnh và Sở Y tế TPHCM đã ghi nhận những đề xuất, đóng góp của các bệnh viện cho hoạt động chống dịch và cho biết sẽ có kiến nghị đến Bộ Y tế sớm có giải pháp tháo gỡ các khó khăn về vật tư y tế tiêu hao phục vụ chống dịch. Cũng trong ngày 13/3, ngành y tế đã tổ chức tập huấn công tác phòng chống dịch Covid-19 cho tất cả các cơ sở y tế tư nhân trên địa bàn TPHCM. 

Vân Sơn