"Sát thủ thầm lặng" tấn công người trẻ, thiếu nhi đã mắc bệnh

(Dân trí) - Căn bệnh vốn thường gặp ở lứa tuổi sau 40 ngày càng tấn công nhiều người trẻ, với độ tuổi mắc bệnh trước 35 khá phổ biến. Đặc biệt, có những bệnh nhân trẻ em cũng được chẩn đoán đái tháo đường tuýp 2. Hầu hết bệnh nhi đái tháo đường ở lứa tuổi này đều có tình trạng thừa cân, “nghiện” đồ ăn nhanh…

Tại buổi sinh hoạt thường kỳ của CLB bệnh nhân đái tháo đường vừa diễn ra tại Bệnh viện Bạch Mai, TS.BS Nguyễn Quang Bảy, Trưởng Khoa Nội tiết- Đái tháo đường cho biết, căn bệnh này ngày càng gặp nhiều ở người trẻ.

Theo TS Bảy, trước đây, nhắc đến đái tháo đường tuýp 2 những người sau tuổi 40 là nhóm đối tượng nguy cơ cao, thì nay người trẻ trước tuổi 35 gặp khá phổ biến, đặc biệt căn bệnh này ngày càng ghi nhận nhiều ở trẻ em.

Sát thủ thầm lặng tấn công người trẻ, thiếu nhi đã mắc bệnh - 1

Một bệnh nhân bị biến chứng loét bàn chân vì đái tháo đường.

Mới đây, khoa Nhi (BV Bạch Mai) tiếp nhận bệnh nhân 13 tuổi đến khám và điều trị áp xe gan do điều trị tuyến dưới không thuyên giảm, trong khi xét nghiệm đường huyết cao vọt.

Tại BV Bạch Mai, bệnh nhi được chẩn đoán đái tháo đường tuýp 2. Qua khai thác tiền sử gia đình cho thấy bà, mẹ và nhiều người thân khác trong gia đình bệnh nhi cũng bị đái tháo đường.

“Cháu bé không được phát hiện đái đường cho đến khi nhập viện điều trị áp xe gan thì mới được chẩn đoán  bệnh. Vì khi bị đái tháo đường sức đề kháng của cơ thể giản sút, tăng nguy cơ bị nhiễm trùng, mà bệnh nhi này là một trường hợp”, TS Bảy cho hay.

Hay như trường hợp bệnh nhân 16 tuổi, học lớp 10 tại Hà Nội, dù cao 1m83 nhưng em cũng nặng tới 88kg, nhập viện điều trị vì đường huyết quá cao.

Bệnh nhân này đã được phát hiện và đã điều trị đái tháo đường trước đó, khi ra viện, cháu đi học được gia đình nấu cơm mang theo. Tuy nhiên ở trường, sau những giờ chơi bóng rổ với bạn bè, đói quá không chịu được cậu lại ăn thêm nên cân nặng ngày càng tăng, đường huyết khó kiểm soát.

Tương tự, tại Bệnh viện Nội tiết Trung ương, việc bác sĩ chẩn đoán bệnh nhi đái tháo đường không còn là chuyện lạ. Các em trong lứa tuổi học sinh, được phát hiện đường huyết cao khi tình cờ khám một bệnh lý khác. Bệnh viện Nội tiết Trung ương từng tiếp nhận điều trị cho những trẻ 11, 12 tuổi mắc tiểu đường tuýp 2 vì thừa cân, béo phì.

Theo TS Bảy, ngày nay, tình trạng béo phì, kết hợp với một số yếu tố di truyền hoặc ngoại cảnh như stress, thức ăn có nhiều chất oxi hóa, chất bảo quản, chất độc sẽ dẫn tới đái tháo đường tuýp 2 với biểu hiện điển hình là tăng đường huyết kèm theo nhiều biến chứng khác về tim mạch, gan và thận.

Béo phì liên quan mật thiết với đái tháo đường. Trong khi đó, hiện nay, lối sống thay đổi, vận động ít đi (trước đây ta đi bộ, đi xe đạp là những phương tiện phải vận động, giờ đi xe máy, đi ô tô làm vận động của con người cũng giảm đi), ngồi xem ti vi nhiều, ăn thức ăn nhiều chất béo… là tác nhân gây gia tăng bệnh đái tháo đường.

Như với trẻ em thành phố, thói quen ăn các đồ ăn nhanh giàu chất mỡ lại lười vận động là một trong những nguy cơ đe dọa đái tháo đường. Ví dụ trẻ ăn 100g phô mai, số lượng tưởng là ít nhưng để tiêu thụ được hết số năng lượng từ thực phẩm này, trẻ phải đi bộ nhanh 20km. Hay như với bim bim, một gói trẻ ăn vèo cái là hết, nhưng năng lượng, chất béo lại hơn cả một bát cơm đầy. Một ngày trẻ nạp vài gói bim bim, năng lượng tích tụ, vận động ít sẽ sinh béo phì và đây là nguy cơ gây bệnh tiểu đường.

Bệnh nhi bị đái tháo đường tuýp 2 sẽ phải điều trị bệnh tiểu đường suốt đời, kết hợp thuốc viên và thuốc tiêm, bên cạnh đó phải kiểm soát cân nặng bằng cách thay đổi thói quen sinh hoạt, thay vì thích ăn đồ vặt,  đồ ăn nhanh, uống nước ngọt có ga, ít vận động như trước đó, bệnh nhân cần tập thể dục đều đặn, ăn uống theo chế độ.

Với những người trẻ tuổi mắc bệnh đái tháo đường, nguy cơ lớn hơn rất nhiều với lứa tuổi trung niên, khi mà các biến chứng của tiểu đường sẽ đến sớm khi họ tuổi đời còn quá trẻ.

Phát hiện đái tháo đường rất đơn giản chỉ bằng xét nghiệm đường huyết. Vì thế, mọi người cần đi khám sức khỏe định kỳ để phát hiện nguy cơ này.

Chủ đề ngày Thế giới phòng chống đái tháo đường năm nay là Đái tháo đường và gia đình, nhấn mạnh đến vai trò cua gia đình trong ngăn chặn đái tháo đường. 90% đái tháo đường tuýp 2 có thể ngăn ngừa được bằng thay đổi lối sống, kiểm soát cân nặng, chế độ ăn uống, tập luyện thể lực, vì thế cần duy trì cân nặng hợp lý bằng chế độ ăn khoa học, duy trì hoạt động thể lực đều đặn ít nhất 30 phút/ngày. 

TS Nguyễn Quang Bảy cũng lưu ý, đối với những trẻ em trong độ tuổi 14,15 tuổi đang thừa cân béo phì, có kèm theo tình trạng gai đen vùng da gáy hoặc có thể ở nách thì cần theo dõi đái tháo đường.

“Những đám da đen sần sần là dấu hiệu cảnh báo về đề kháng insulin. Đề kháng insulin là khi insulin bị giảm tác dụng trong điều chỉnh đường huyết. Vì giảm tác dụng nên cơ thể phải bù trừ tăng tiết insulin để bù đắp cho hoạt động, lấy số lượng thay cho chất lượng. Và do nồng độ insulin quá cao thì có ảnh hưởng đến sắc tố da", TS Bảy cho biết.

Hồng Hải