Sắm thực phẩm ngày Tết, cần lưu ý những ký hiệu này trên nhãn mác

(Dân trí) - Nhiều loại đồ ăn thức uống quen thuộc của ngày Tết lại có chứa những chất phụ gia, được đánh giá là không tốt cho sức khỏe. Làm thế nào để nhận diện chúng thông qua nhãn mác của sản phẩm?

Muối nitrate và nitrite (E249; E250; E251; E252)

Sắm thực phẩm ngày Tết, cần lưu ý những ký hiệu này trên nhãn mác - 1

Muối nitrate và nitrite thường được dùng làm chất bảo quản hoặc tạo màu trong các sản phẩm như phô mai, cá và đặc biệt là thịt chế biến sẵn. Trên thực tế, hai loại muối này là các phụ gia thực phẩm được cho phép sử dụng với liều lượng từ 50mg-350mg/kg tùy theo loại sản phẩm và dạng muối.

Nhiều tổ chức y tế và các chuyên gia đã lên tiếng cảnh báo về sự nguy hiểm của việc lạm dụng các sản phẩm có chứa muối nitrate và nitrite.

Đáng chú ý trong các sản phẩm có chứa nitrate và nitrite có các loại thịt chế biến sẵn như: xúc xích, salamis, thịt xông khói. Được biết, thịt chế biến sẵn được xếp vào nhóm 1 của các tác nhân gây ung thư cho con người, nghĩa là cùng nhóm với thuốc lá.Theo Tổ chức Y tế Thế giới, mỗi ngày ăn 50 g thịt chế biến sẵn như xúc xích, lạp xưởng, thịt xông khói... sẽ làm tăng nguy cơ mắc bệnh ung thư lên 18%

Xirô bắp cao phân tử (HFCS)

Sắm thực phẩm ngày Tết, cần lưu ý những ký hiệu này trên nhãn mác - 2

Xirô bắp cao phân tử là một sản phẩm tạo độ ngọt cho thực phẩm, được chiết xuất từ lõi cây bắp thông qua quá trình enzym hóa bằng hóa chất. Với giá thành rẻ và rất ngọt, HFCS thường xuất hiện trong các sản phẩm có vị ngọt như bánh kẹo, nước giải khát, mứt.

Một nghiên cứu được công bố vào tháng 2/2012 trên tạp chí Nature đã chỉ ra rằng, việc lạm dụng các sản phẩm chứa nhiều HFCS có thể dẫn đến các bệnh liên quan đến chuyển hóa, đồng thời gây tích mỡ và gây độc cho gan.

Cụ thể, theo phân tích của các chuyên gia, Fructose (chứa nhiều trong HFCS) có thể nhanh chóng ngấm thẳng vào gan gây hiện tượng tăng tiết triglyceride, từ đó dẫn đến nhiều bệnh lý liên quan đến béo phì và chuyển hóa như cao huyết áp, tiểu đường, bệnh tim mạch, tăng cân bất thường, gan nhiễm mỡ…

Chất tạo ngọt Aspartame (E951)

Sắm thực phẩm ngày Tết, cần lưu ý những ký hiệu này trên nhãn mác - 3

Aspartame có độ ngọt gấp 200 lần đường mía, trong khi lượng calo là không đáng kể nên nó được sử dụng làm chất tạo ngọt nhân tạo, thường được dùng như một sản phẩm thay thế đường trong các đồ ăn, thức uống dành cho bệnh nhân tiểu đường hoặc người ăn kiêng, được nhận diện với ký hiệu E951 trên nhãn mác sản phẩm. Điều đáng nói là chất tạo ngọt nhân tạo này không hề thân thiện với sức khỏe hơn các loại đường như nhiều người vẫn nghĩ. Nhiều chuyên gia gọi Aspartame là “Sự đau đớn ngọt ngào”, bởi nó có thể gây tăng cân cùng nhiều tác hại tới sức khỏe, thậm chí là ung thư.

Hóa chất làm trắng TiO2 (E171)

Sắm thực phẩm ngày Tết, cần lưu ý những ký hiệu này trên nhãn mác - 4

Titan dioxit (TiO2) là một phụ gia xuất hiện trong nhiều loại thực phẩm và thuốc, thường được biết đến với ký hiệu E171. TiO2 được dùng để thêm vào các sản phẩm như gạch men, gốm sứ, màu vẽ, mỹ phẩm… TiO2 đóng vai trò như một loại chất tạo màu trắng sáng cho các sản phẩm được thêm vào. Chính vì vậy, TiO2 là thứ phẩm màu lý tưởng cho sữa, kem, bánh và kẹo ngọt.

Nhiều nơi trên thế giới đã xem E171 là một mối nguy hiểm cho sức khỏe con người. Thậm chí, nước Pháp còn ra lệnh cấm sử dụng E171 trong thực phẩm, kể từ 1/1/2020, sau khi một vài báo cáo chỉ ra rằng, E171 có thể gây những tổn thương tiền ung thư trên chuột, cũng như làm tăng tốc độ phát triển của những thương tổn này. Cơ quan Quốc tế về Nghiên cứu Ung thư cũng đã xếp TiO2 vào những chất có thể gây ung thư cho con người.

Minh Nhật

Theo Nature, cancer, foodnavigator