“Quỷ” bướu sợi thần kinh ám thân xác người bệnh

(Dân trí) - Những khối bướu làm biến dạng cơ thể khiến người bệnh trở thành “dị nhân”. Ngoài ảnh hưởng tiêu cực tới thẩm mỹ, vận động, công việc nhiều người bệnh còn sốc nặng về tâm lý cả năm không bước chân ra khỏi nhà.

Những thân bệnh khốn khổ

Hơn 20 năm trước, khi vừa ra trường trở thành giáo viên cấp 2 dạy môn Vật lý, cơ thể thầy Phương Tráng M. (SN: 1974, ngụ tại Nha Trang) bắt đầu xuất hiện những khối u nhỏ. Theo thời gian, khối u phát triển ngày càng lớn, thầy đã tới nhiều bệnh viện kiểm tra nhưng bác sĩ đều lắc đầu vì cho rằng khối trên cơ thể không phẫu thuật được.

“Quỷ” bướu sợi thần kinh ám thân xác người bệnh - 1
“Quỷ” bướu sợi thần kinh ám thân xác người bệnh - 2

Chân trái mang khối bướu sợi thần kinh của thầy Tráng M. trước và sau cuộc mổ

Sau thời gian dài sống chung với khối u quái ác, thầy Tráng M. rơi vào tình trạng dị dạng cơ thể với một bên đùi trái phì đại. “Nó khiến tôi gặp nhiều khó khăn trong vận động, mỗi lần đứng lớp giảng cho học trò là một thách thức lớn đối với sức chịu đựng của cơ thể. Nhưng với lòng yêu nghề, thầy vẫn chuyên tâm vào từng phút lên lớp để mang tới kiến thức cho học trò. Tuy nhiên, thời gian gần đây, thầy Tráng M. rơi vào đau đớn, khớp gối trái bị bướu chèn ép gây tổn thương nặng.

Không đầu hàng số phận, thầy đã lên internet tìm hiểu rồi quyết định vào Bệnh viện Chợ Rẫy nhờ bác sĩ giải thoát khỏi khối bướu. Bằng phương pháp tắc mạch máu nuôi bướu dưới hệ thống chụp mạch máu xóa nền TS.BS Ngô Đức Hiệp cùng cộng sự đã thực hiện thành công cuộc phẫu thuật loại bỏ khối bướu sợi thần kinh khổng lồ giúp thầy giáo Tráng M. thoát khỏi cảnh “mặc quần ống lớn ống bé” hơn 20 năm qua.

Một trường hợp khốn khổ khác là nữ bệnh nhân Trần Thị H. (SN: 1962, ngụ tại huyện Bình Chánh, TPHCM). Chị nhập viện trong tình trạng một khối bướu lớn gây biến dạng hoàn toàn vùng đầu mặt, trên cơ thể có nhiều u nhỏ. Khối u vùng đầu mặt “chảy” xuống che hoàn toàn mắt trái, mắt phải cũng dần bị che phủ ảnh hưởng đến thị lực. Mang thân hình dị dạng xấu đến “ma chê quỷ hờn” nên suốt 10 năm qua chị không bước chân ra khỏi nhà.

“Quỷ” bướu sợi thần kinh ám thân xác người bệnh - 3

Những thân bệnh khốn khổ bị bướu sợi thần kinh hủy hoại 

Sau các kết quả kiểm tra, bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân bị u sợi thần kinh nên chỉ định thực hiện phẫu thuật. Sau khi thực hiện phương pháp tắc mạch máu nuôi khối u, các bác sĩ đã thực hiện 2 cuộc mổ cắt u ở trán phải, vạt da đầu để ghép che phủ vị trí khuyết da sau bóc khối u; phẫu thuật cắt u vùng má và cổ trái. Dù đã tắc mạch nhưng khối bướu lớn vẫn khiến bệnh nhân mất nhiều máu, các bác sĩ đã nỗ lực thực hiện nhiều giải pháp cầm máu, truyền máu bổ sung phẫu thuật thành công cho người bệnh.

Can thiệp sớm sẽ giảm được hệ lụy

Ngoài 2 ca bệnh trên, tại Chợ Rẫy thời gian qua đã “giải cứu” thành công nhiều bệnh nhân bị bướu sợi thần kinh. Ngày 11/12, TS.BS Ngô Đức Hiệp, Trưởng khoa Bỏng và Phẫu thuật Tạo hình cho hay: Bướu sợi thần kinh là một rối loạn di truyền phá vỡ sự tăng trưởng của tế bào trong hệ thống thần kinh, gây ra các khối u hình thành trên mô thần kinh.

Những khối u có thể xuất hiện ở bất cứ điểm nào trong hệ thần kinh kể cả ở não, tủy sống, dây thần kinh lớn nhỏ. Hiện nay, các nhà khoa học đã phát hiện được ít nhất 8 type của bệnh u xơ thần kinh trong đó có 2 type chính: u sợi thần kinh ngoại vi và u xơ thần kinh trung tâm.

Nếu không được can thiệp, kích thước của chúng sẽ phì đại trở thành khối bướu lớn kèm theo đó là những tổn thương thần kinh. Mặc dù tỷ lệ ung thư ở mức thấp nhưng nhóm bệnh nhân bị bướu sợi thần kinh vẫn đối mặt nguy cơ ung thư hóa khá bất ngờ. Bệnh nhân bị bướu sợi thần kinh sau phẫu thuật đều được gửi mẫu bệnh phẩm phân tích phát hiện ung thư, chủ động phối hợp hóa trị, xạ trị để tăng chất lượng sống cho người bệnh.  

“Quỷ” bướu sợi thần kinh ám thân xác người bệnh - 4

Có những ca bệnh nặng, bệnh nhân mất hoàn toàn nhân dạng

Hiện chưa có phương pháp nào điều trị đặc hiệu đối với bệnh lý bướu sợi thần kinh. Người bệnh sẽ được theo dõi mức độ phát triển của bướu và can thiệp khi kích thước các khối bướu thần kinh lớn nhanh và gây triệu chứng; ung thư hóa, ù tai chóng mặt; ảnh hưởng đến thị lực, động kinh, biến dạng xương…

Tại Việt Nam, trước đây các trường hợp bị bướu sợi thần kinh đều phải nhờ sự hỗ trợ chuyên môn và can thiệp phẫu thuật của GS.BS McKinnon người Mỹ. Sau nhiều lần hợp tác và được chuyển giao kỹ thuật, đến nay các bác sĩ Bệnh viện Chợ Rẫy với sự phối hợp của nhiều chuyên khoa chẩn đoán hình ảnh, Phẫu thuật Tạo hình, Phẫu thuật Mạch máu… đã từng bước làm chủ phương pháp phẫu thuật bướu sợi thần kinh.

TS.BS Ngô Đức Hiệp cho biết, trước đây khi chưa có hệ thống chụp mạch máu xóa nền (DSA) việc phẫu thuật rất khó khăn do không thể gây tắc mạch, bệnh nhân mất nhiều máu, các cuộc mổ đối mặt với nguy cơ thất bại. Nhiều chuyên gia trong nước đã “thử sức” với bệnh nhân mang bướu sợi thần kinh nhưng đành phải đóng vết mổ vì không thể cầm máu. Với hệ thống DSA, mạch máu nuôi khối bướu được gây tắc chủ động và sự phối hợp liên chuyên khoa trong phẫu thuật, rủi ro trong cuộc mổ của người bệnh đã được kiểm soát.

Vân Sơn