Quảng Nam: Chậm trễ trong việc công bố thông tin bệnh bạch hầu?

(Dân trí) - Mặc dù có một số trường hợp nghi mắc bệnh bạch hầu, trong đó 1 trẻ em ở huyện miền núi Tây Giang tử vong nhưng cơ quan chức năng đã “âm thầm” xử lý, không công bố và đến nay vẫn chưa có kết quả xét nghiệm có phải là bệnh bạch hầu hay không.

Theo báo cáo của Trung tâm y tế dự phòng Quảng Nam, ngày 23/4/2017, Trung tâm Y tế huyện Tây Giang tiếp nhận một trường hợp bệnh với các dấu hiệu sốt, đau họng, khó nuốt, ăn uống hạn chế, có giả mạc họng và sưng hạch vùng cổ.

Học sinh ở huyện Tây Giang được tiêm phòng dịch bạch hầu giữa tháng 1 vừa qua
Học sinh ở huyện Tây Giang được tiêm phòng dịch bạch hầu giữa tháng 1 vừa qua

Ngày 24/4/2017, tiếp tục tiếp nhận thêm một trường hợp với triệu chứng tương tự. Trung tâm Y tế huyện Tây Giang nhanh chóng báo cáo cho Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh. Đoàn điều tra của Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh sau đó có mặt tại huyện Tây Giang, phối hợp với Trung tâm Y tế huyện thực hiện điều tra hồi cứu và xác minh ca bệnh này.

Theo đó, trường hợp đầu tiên là bệnh nhân Zơrâm Mai Nhất Ba (SN 2010, ở tại thôn Zrượt, xã Ch’ơm, Tây Giang. Bệnh khởi phát 3 ngày với dấu hiệu sốt nhẹ, ho, nuốt đau. Qua thăm khám phát hiện nổi hạch vùng cổ, có giả mạc hầu, họng nghi do bạch hầu, được lấy mẫu xét nghiệm và chuyển lên Bệnh viện Đa khoa khu vực miền núi phía Bắc Quảng Nam, sau đó bệnh nhân tiếp tục được chuyển đến Bệnh viện Phụ sản - Nhi Đà Nẵng.

Ngày 30/4/2017, tình trạng bệnh nặng hơn và tử vong vào lúc 6h sáng cùng ngày với chẩn đoán theo dõi bạch hầu họng, biến chứng viêm cơ tim nhiễm trùng, nhiễm độc nặng; tiền sử tiêm chủng, trẻ đã được tiêm 3 mũi vắc xin Quinvaxem và 1 mũi DPT4 khi 18 tháng tuổi.

Trường THPT Tây Giang xuất hiện ổ dịch bạch hầu giữa tháng 1/2017
Trường THPT Tây Giang xuất hiện ổ dịch bạch hầu giữa tháng 1/2017

Trường hợp thứ hai là bệnh nhân Poloong Thị Đao (SN 2002, ở tại thôn Aroi, xã Gari, hiện đang học nội trú tại trường THCS Lý Tự Trọng, xã Axan, huyện Tây Giang). Bệnh nhân sốt, ho, đau họng 2 ngày tại trường, sau đó về nhà tại xã Gari 2 ngày; ngày 24/4/2017 bệnh nhân tới Trung tâm Y tế huyện khám và phát hiện giả mạc vùng hầu, họng nghi do bạch hầu, Trung tâm Y tế huyện đã phối hợp với Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh lấy mẫu, gửi viện Pasteur Nha Trang để xét nghiệm. Bệnh nhân được cách ly và điều trị kháng sinh Erythromycin tại Trung tâm Y tế huyện Tây Giang, tình trạng hiện nay đã ổn định; tiền sử tiêm chủng không rõ.

Trường hợp thứ 3 là bệnh nhân Poloong Thối (SN 2010, ở tại thôn Aroi, xã Gari). Ngày 25/4/2017, qua khám sàng lọc tại thôn phát hiện viêm Amydal mủ và có giả mạc vùng thành sau họng nghi do bạch hầu, bệnh nhân được chuyển đến Trung tâm Y tế huyện Tây Giang, được cách ly, theo dõi và điều trị, hiện nay trẻ đã ổn định; tiền sử tiêm chủng không rõ.

Đến ngày 3/5, huyện Tây Giang mới tổ chức cuộc họp khẩn để xử lý tình trạng dịch bệnh này và Trung tâm Y tế huyện Tây Giang mới có báo cáo gửi cấp trên.

Ngày 10/5, trao đổi với PV Dân trí có việc giấu dịch không? Ông Nguyễn Văn Văn, Phó Giám đốc Sở Y tế Quảng Nam, nói: “Ở đây phải khẳng định không phải là dịch mà là các ca bệnh nghi bạch hầu và phải được báo cáo trong vòng 24h theo Thông tư 54/2015 của Bộ Y tế qua phần mềm và anh em đã thực hiện nghiêm việc này”.

Theo ông Văn, để báo là dịch/ổ dịch phải có xét nghiệm khẳng định ca bệnh (+) và số mắc phải tăng vượt so với số mắc 3 tháng liền kề... Vì chưa có đủ các yếu tố trên và thường thì từ khi lấy mẫu gửi đi đến khi có kết quả phải mất đến 10 ngày.

“Trong tình huống này, ca bệnh gửi đi xét nghiệm gần với nghỉ lễ; hơn nữa, rút kinh nghiệm lần trước để tránh tình trạng hoang mang trong học sinh và cũng gần ngày thi học kỳ 2 nên anh em vẫn “âm thầm” xử lý như khi có dịch xảy ra đó là việc phải làm, còn khi khẳng định được thì lại gần với ngày hết hạn theo dõi (với bệnh bạch hầu là 14 ngày) nên anh em thông tin bị muộn”, ông Văn nói.

Vì sao bạch hầu luôn có nguy cơ xảy ra ở miền núi?

Ông Văn cũng giải thích thêm: Có thể giải thích vì sao bệnh bạch hầu luôn có nguy cơ xảy ra ở Tây Giang nói riêng và miền núi nói chung. Theo đó, vi khuẩn bạch hầu luôn có mặt trong cộng đồng kể cả ở đồng bằng nhưng vì sao chỉ xảy ra ở miền núi? Là do những năm trước công tác tiêm chủng ở khu vực này thường đạt tỷ lệ thấp, mà nếu đạt cao thì chất lượng các mũi tiêm cũng không đảm bảo như khoảng 5-10 năm trở lại đây... Điều này dẫn đến miễn dịch với bạch hầu ở cộng đồng dân khu vực này thấp (ở đồng bằng thì miễn dịch cộng đồng cao hơn nhiều nên khó xảy ra bệnh).

Cũng theo bác sĩ Văn, ở đây có 2 em nhỏ 7 tuổi bị bệnh mặc dầu đã được tiêm chủng đầy đủ, có thể do các em được tiêm nhưng chất lượng tiêm không ổn hoặc bệnh rơi vào một tỷ lệ 5% không được bảo vệ dù đã tiêm. Ở đây, nhà sản xuất ghi rõ, vaccine này có hiệu lực bảo vệ cho 95% người được tiêm. Hơn nữa, dầu đã tiêm thì miễn dịch sẽ giảm theo thời gian (sau 10 năm, sẽ còn khoảng 40%); do vậy, WHO khuyến cáo nên tiêm nhắc lại vaccine này sau mỗi 10 năm.

Theo báo cáo của Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh, đến nay đã tiêm 93% số người từ 5-40 tuổi tại huyện Tây Giang (mũi 1), mũi 2 sẽ nhắc lại sau 1 tháng; sắp đến sẽ tiêm cho các em học sinh từ 5-18 tuổi tại các huyện miền núi còn lại.

Công Bính