Phù nề thanh quản, khó thở sau một cốc nước đá

(Dân trí) - Trung tâm Dị ứng - Miễn dịch lâm sàng (BV Bạch Mai) vừa tiếp nhận trường hợp nữ sinh 19 tuổi xuất hiện khó thở sau khi uống nước đá lạnh. Bệnh nhân cũng có tiền sử sưng, ngứa tay khi tiếp xúc với đồ lạnh, kem… trong nhiều tháng nay.

Tiếp xúc với đá lạnh trong ít phút, tay bệnh nhân mẩn đỏ, ngứa.
Tiếp xúc với đá lạnh trong ít phút, tay bệnh nhân mẩn đỏ, ngứa.
 
BS Bùi Văn Khánh cho biết, bệnh nhân N.T.L (19 tuổi) đến bệnh viện khám vì lý do cứ uống nước đá lạnh là bệnh nhân xuất hiện khó thở. Ngoài ra, khi chạm tay vào các thực phẩm lạnh như thực phẩm đông lạnh, kem, đá thì đều sưng và ngứa. Vào mùa đông, khi đi lạnh cũng bị ngạt, sổ mũi.

Nghĩ đến nguy cơ bệnh nhân bị mề đay mạn tính do lạnh, các bác sĩ đã tiến hành các xét nghiệm máu cơ bản đánh giá tình trạng dị ứng và các bệnh phối hợp khác, ngoài ra bệnh nhân cũng được thực hiện test kích thích với đá lạnh, xét nghiệm kích thích với đá lạnh cho kết quả dương tính sau 15 phút.

Theo BS Khánh, mày đay do lạnh là phản ứng của da sau khi tiếp xúc với yếu tố lạnh, trên da sẽ xuất hiện ban đỏ, sẩn phù nổi gồ lên mặt da, kèm theo ngứa tại vị trí tiếp xúc với lạnh.

Với những người bệnh có phản ứng với đá lạnh như trường hợp bệnh nhân này, họ có thể bị sưng lưỡi, phù nền thanh quản gây khó thở nếu sử dụng nước đá lạnh. Nếu toàn bộ cơ thể tiếp xúc với thời tiết có nhiệt độ thấp thì phản ứng có thể rất nghiêm trọng, ngoài ban đỏ toàn thân kèm theo ngứa, bệnh nhân có thể xuất hiện các phản ứng toàn thân nguy hiểm khác như khó thở, suy hô hấp, sốc phản vệ và tử vong.

Đến nay chưa xác định rõ được nguyên nhân gây tình trạng này. Ttuy nhiên các nghiên cứu đều cho thấy những bệnh nhân bị chứng bệnh này đều mắc các chứng bệnh nhiễm trùng, nhiễm vi rút trong thời điểm khởi phát bệnh và có các tế bào trên da rất nhạy cảm với nhiệt độ, chúng dễ dàng bị phá vỡ và giải phóng ra các chất trung gian hoá học vào máu như histamine gây ban đỏ, ngứa và đôi khi là sốc phản vệ.

Tuy nhiên, cũng không quá đáng ngại với các trường hợp dị ứng lạnh nếu để ý một chút trong sinh hoạt hàng ngày. Bởi ngưỡng nhiệt độ phổ biến gây bệnh cho bệnh nhân là 40C, chỉ một số bệnh nhân có thể xuất hiện triệu chứng ở nhiệt độ cao hơn hoặc thấp hơn.

Vì thế, để hạn chế bệnh, bệnh nhân cần lưu ý tránh tiếp xúc với yếu tố lạnh trực tiếp, cần có các dụng cụ bảo hộ và giữ ấm; Tránh không để da tiếp xúc với sự thay đổi đột ngột của nhiệt độ môi trường; Tránh uống nước đá và thức ăn lạnh như kem có thể gây khó thở và chết do phù nền thanh quản.

“Điều nguy hiểm lớn nhất mà bạn phải đối mặt chính là phản ứng toàn thân gây khó thở, sốc phản vệ và chết nếu tiếp xúc với lạnh ở diện rộng trên da hoặc toàn thân do bởi dưới nước lạnh hoặc gió lạnh. Vì thế, khi xuất hiện các dấu hiệu nghi ngờ mắc mề đay do dị ứng lạnh người bệnh nên đi khám để xác định nguyên nhân. Mày đay mạn do lạnh có nguyên nhân cần điều trị theo nguyên nhân và bệnh nhân thường cho kết quả điều trị tốt”, BS Khánh cho biết.

Tú Anh