Đắk Lắk:

Phụ huynh phập phồng lo lắng khi trẻ bị sốt xuất huyết

(Dân trí) - Thời gian này Đắk Lắk đang bước vào mùa mưa nên bệnh sốt xuất huyết (SXH) bùng phát và lây lan dữ dội, trẻ liên tục nhập viện với các triệu chứng tăng nặng đã khiến không ít phụ huynh phập phồng lo lắng.

Chiều ngày 24/6, ghi nhận của PV Dân trí tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Đắk Lắk, rất nhiều phụ huynh với tâm trạng bồn chồn lo lắng, đứng ngồi không yên trong lúc đang chăm con bị SXH nằm điều trị tại Khoa nhi của bệnh viện này. Anh Trần Quốc Diễn (42 tuổi, phường Tân Lợi, TP Buôn Ma Thuột) có con là Trần Quang Minh (6 tuổi) bị SXH - cho biết, trước khi nhập viện, cháu Minh có biểu hiện oải, mệt, hôn mê, vã mồ hôi ở gáy, cháu ăn hay uống đều bị ói ra ngoài. 

“Sáng ngày 24/6, vợ chồng tôi đưa cháu vào bệnh viện Đa khoa thành phố Buôn Ma Thuột điều trị, nhưng cháu có triệu chứng tăng nặng nên sau 6 tiếng đồng hồ thì được chuyển lên bệnh viện tỉnh. Trước đây cháu cũng có đổ bệnh, nhưng chưa lúc nào bệnh nặng như hiện nay”, anh Diễn lo lắng nói.

Phụ huynh phập phồng lo lắng khi trẻ bị sốt xuất huyết
Chị Nguyễn Thị Hồng Phượng (34 tuổi, phường Thắng Lợi, TP Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk) rất lo lắng khi chăm con là Võ Phương Huyền Vy (9 tuổi) bị SXH hơn 1 tuần nay.

Anh Diễn cho biết thêm, ở khu vực gia đình anh sống, trong thời gian gần đây đã có 1 ca SXH, cháu Minh bất ngờ bị SXH là sau khi đi chơi xung quanh xóm trở về. “Đầu năm nay cháu Minh cũng bị SXH một lần nhưng sau đó nhanh chóng khỏi bệnh. Ở khu vực quanh nhà tôi, vài tuần trước cũng có một trường hợp bị SXH”, anh Diễn nói thêm.

Trong khi đó, chị Nguyễn Thị Hồng Phượng (34 tuổi, phường Thắng Lợi, TP Buôn Ma Thuột) có con là Võ Phương Huyền Vy (9 tuổi) bị SXH nằm điều trị tại Khoa nhi - bệnh viện Đa khoa tỉnh Đắk Lắk đã 5 ngày nay, âu lo cho biết: “Sau khi cháu có biểu hiện sốt cao, đau đầu, chóng mặt… tôi có đưa cháu đi khám ở bác sỹ tư nhân, sau đó mua thuốc về nhà uống 2 ngày nhưng không thuyên giảm. Lo quá, đưa cháu đến bệnh viện TP Buôn Ma Thuột thì được biết cháu bị SXH. Điều trị tại bệnh viện thành phố được 3 ngày, các bác sỹ làm thủ tục chuyển cháu lên bệnh viện tỉnh vì cháu có triệu chứng nặng. Từ hôm cấp cứu ở bệnh viện tỉnh cho đến nay đã được 5 ngày nhưng bệnh vẫn chưa thuyên giảm, cháu liên tục bị sốc…”.

Chị Phượng cho biết thêm, ở gia đình chị, ngoài cháu Vy, còn có bà ngoại và một người cháu họ của chị cũng bị SXH. “Cháu Vy bị SXH nằm li bì cả tuần nay, tôi cũng rất lo, lo sau này cháu bị biến chứng”, chị Phượng buồn rầu. Một số phụ huynh khác có con bị SXH cũng cho biết, trước khi đi ngủ họ vẫn thường mắc màn cho trẻ, kể cả ngủ ban ngày, thế nhưng vẫn không tránh khỏi SXH. Một số khác còn cho biết, khi một người trong gia đình bị SXH, người dân sinh sống ở lân cận tỏ ra khá hoang mang, lo lắng.

Nốt xuất huyết trên tay của em Trần Quang Minh (6 tuổi).
Nốt xuất huyết trên tay của em Trần Quang Minh (6 tuổi).
Nốt xuất huyết trên tay của em Trần Quang Minh (6 tuổi).

Trao đổi với PV Dân trí, bác sỹ Hoàng Ngọc Anh Tuấn - Trưởng khoa nhi - Bệnh viện Đa khoa tỉnh Đắk Lắk cho biết, hiện Đắk Lắk đang bước vào mùa mưa nên bệnh SXH đang là đỉnh điểm, lây lan dữ dội. Trong những ngày qua, khoa này liên tục tiếp nhận và điều trị nhiều ca SXH, trong đó có SXH Dengue nặng, bị sốc. Bác sỹ Tuấn cũng cho biết, số ca SXH mà khoa này tiếp nhận trong 6 tháng đầu năm 2013 là tăng gấp 5 lần so với 6 tháng đầu năm 2012. 

Để phòng tránh SXH, bác sỹ Tuấn cũng đưa ra khuyến cáo, các phụ huynh khi thấy con trẻ có biểu hiện sốt cao đột ngột, liên tục từ 2 đến 7 ngày, có biểu hiện chấm, nốt, mảng xuất huyết ở dưới da, kèm dấu hiệu trẻ lừ đừ, mệt mỏi, chán ăn thì nên đưa trẻ đến cơ sở y tế gần nhất để được thăm khám, điều trị.

Bên cạnh đó, cần tăng cường các biện pháp diệt bọ gậy trong mùa mưa, như phát quang bụi rậm, vệ sinh môi trường xung quanh nhà, khai thông cống rãnh để tránh nước tù đọng, dọn dẹp các chai lọ có chứa nước. Người dân cần tiến hành phun thuốc diệt muỗi thường xuyên, khi ngủ cần phải mắc màn, kể cả ngủ ban ngày.

Viết Hảo