Phòng và phát hiện ung thư dạ dày: Không khó!

(Dân trí) - Ung thư dạ dày là bệnh thường gặp ở Việt Nam, theo ghi nhận ung thư ở Hà Nội đứng hàng thứ hai trong các bệnh ung thư. Ung thư dạ dày gặp ở người lớn và mọi lứa tuổi nhưng hiếm khi gặp ở người dưới 50 tuổi, ở nam nhiều hơn ở nữ.

 

Triệu chứng mơ hồ


 

Triệu chứng mơ hồ

 

Ung thư dạ dày nếu được phát hiện sớm và điều trị kịp thời trước khi lây lan sang các bộ phận khác thì cơ hội điều trị thành công sẽ cao hơn.

 

Tuy nhiên, các triệu chứng của ung thư dạ dày thường là mơ hồ và không đặc hiệu. Hay gặp nhất là chứng khó tiêu, có thể kèm theo khó chịu, đau âm ỉ, chướng bụng, ợ hơi, buồn nôn, chán ăn. Những triệu chứng này dễ bị bỏ qua nhưng bạn phải đi khám nếu các triệu chứng này kéo dài hơn 2 tuần. Các biểu hiện khác có thể là: nôn, gầy sút, mệt mỏi, thiếu máu, đau bụng hoặc đi ngoài phân đen.

 

Do đó, theo PGS.TS Nguyễn Văn Hiếu, Bệnh viện K, để chẩn đoán đúng bệnh, bác sĩ cần phải khám kỹ càng; bệnh nhân được chụp phim Xquang dạ dày dùng thuốc cản quang, nội soi dạ dày bằng ống soi mềm, sinh thiết chẩn đoán và có thể được chụp ảnh dạ dày qua ống nội soi.

 

Nếu có chẩn đoán là ung thư dạ dày thì cần làm thêm một số xét nghiệm như chụp cắt lớp vi tính, siêu âm để đánh giá sự phát triển của ung thư đến các cơ quan khác.

 

Phòng bệnh hơn chữa bệnh

 

Ung thư dạ dày có mối liên quan chặt chẽ với khẩu phần ăn chứa nhiều chất hun khói, chất bảo quản thực phẩm và ít hàm lượng rau, hoa quả tươi.

 

Các nghiên cứu được tiến hành tại Mỹ và một số nước phương Tây cho thấy có mối liên quan nhân quả giữa chế độ ăn nhiều chất béo, ít rau với ung thư đại trực tràng.

 

Còn theo Ban điều hành dự án phòng chống ung thư thuộc chương trình mục tiêu Quốc gia Dự án phòng chống ung thư, trong khẩu phần ăn có nhiều thực phẩm có nguồn gốc thực vật đặc biệt là rau, hoa quả có màu xanh hoặc vàng giảm được nguy cơ mắc ung thư phổi, đại - trực tràng, thực quản và dạ dày.

 

Ngoài ra, cần tránh xa các yếu tố nguy cơ như hút thuốc lá, ăn uống thiếu chất dinh dưỡng; ăn nhiều chất hun khói, chất bảo quản thực phẩm; lười vận động hoặc béo phì; cần điều trị viêm loét dạ dày triệt để cũng như  ngăn ngừa tình trạng lây nhiễm khuẩn helicobacter pylori bằng cách chế biến thức ăn an toàn (VD: chỉ mua các loại sữa đã khử khuẩn và đóng chai lọ kín); nấu thức ăn chín kỹ; ăn thức ăn vừa nấu xong; bảo quản cẩn thận thức ăn đã nấu chín; nấu kỹ lại thức ăn chưa sử dụng hết; tránh để lâu thức ăn chín và sống; rửa tay nhiều lần (trước khi ăn, nấu ăn ...); dùng nước sạch.

 

Nhân Hà

Nhân Hà