Phòng chống thụ động, bệnh không lây nhiễm hoành hành

(Dân trí) - “Không có cơ quan đầu mối chịu trách nhiệm quản lý nên khi tôi hỏi có bao nhiêu bệnh nhân ung thư, tim mạch, huyết áp, tiểu đường… không địa phương nào trả lời được.” Bộ trưởng Y tế nhấn mạnh tại Hội nghị tổng kết chương trình mục tiêu quốc gia.

Trong khi các bệnh truyền nhiễm đã bước đầu được kiểm soát, có xu hướng giảm thì bệnh không lây nhiễm lại đang gia tăng nhanh. Thực tế công tác quản lý, giảm sát và phòng chống những căn bệnh “giết người thầm lặng” tại Việt Nam hiện nay đang bị bỏ ngỏ.

Thống kê sơ bộ của Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế) chỉ ra, trên cả nước hiện có khoảng 13 triệu người mắc bệnh tăng huyết áp, gần 3 triệu người mắc bệnh đái tháo đường, trên 2 triệu người mắc bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính và hen phế quản. Nguy hiểm hơn, mỗi năm Việt Nam có thêm 125.000 người mới mắc ung thư.


Ngành y tế đã chậm phản ứng trước sự thay đổi của loại hình bệnh lây nhiễm sang bệnh không lây

Ngành y tế đã chậm phản ứng trước sự thay đổi của loại hình bệnh lây nhiễm sang bệnh không lây

Tỷ lệ tử vong do các bệnh không lây nhiễm gây ra đang ở mức rất cao. Trung bình cứ 10 người chết thì nguyên nhân do các bệnh không lây nhiễm chiếm tới 7 người. Ngành y tế thừa nhận, hiện nay các bệnh không lây nhiễm vẫn chưa có một đầu mối đứng ra chịu trách nhiệm phòng chống yếu tố nguy cơ, tầm soát phát hiện sớm và quản lý bệnh tại cộng đồng. Từ thực tế trên, nguy cơ bệnh tiếp tục gia tăng nhanh trong thời gian tới là vấn nạn đã được dự báo.

PGS.TS Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế) cho rằng, bệnh không lây nhiễm hoành hành như hiện nay một phần nguyên nhân là do các chính sách phòng chống dịch bệnh chưa đầy đủ nên thông tin giáo dục đến cộng đồng thiếu tính hiệu quả. Bên cạnh đó, đầu tư nhà nước trong lĩnh vực dự phòng hạn chế khiến nhân lực y tế trong lĩnh vực phòng chống bệnh nói chung và không lây nhiễm nói riêng đang thiếu cả về số lượng lẫn chất lượng.

Trong thời gian dài, lĩnh vực y tế dự phòng đã tập trung phòng chống bệnh truyền nhiễm mà chưa quan tâm đúng mức đến bệnh không lây nhiễm đã tạo cơ hội cho bệnh này gia tăng. Đến nay, hệ thống giám sát các bệnh không lây nhiễm còn phân tán, manh mún khiến việc thu thập thông tin chưa được chuẩn hóa, thiếu cập nhật nên không kiểm soát được bệnh.

Ung thư đang là bệnh không lây nhiễm để lại gánh nặng rất lớn cho toàn xã hội
Ung thư đang là bệnh không lây nhiễm để lại gánh nặng rất lớn cho toàn xã hội

Thẳng thắn nhìn nhận từ thực tế, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến chỉ ra, việc phòng chống và kiểm soát bệnh không lây nhiễm là vấn đề còn hạn chế, chưa hoàn thành được nhiệm vụ trong các chương trình mục tiêu quốc gia về y tế giai đoạn 2011 - 2015. Các địa phương đến nay chưa có một đầu mối chịu trách nhiệm về bệnh không lây nhiễm nên không đề ra được giải pháp căn cơ để khống chế, kiểm soát và hỗ trợ cộng đồng phòng chống bệnh, tạo điều kiện cho huyết áp, tim mạch, tiểu đường, ung thư… gia tăng.

Phân tích của Bộ trưởng Kim Tiến chỉ ra, các bệnh không lây nhiễm đang trở thành vấn nạn của cộng đồng. Hiện mức chi của Bảo hiểm Y tế cho việc chăm sóc, điều trị bệnh không lây nhiễm đã chiếm tỷ lệ rất lớn trong chi phí y tế. Việc điều trị cho người mắc các bệnh không lây nhiễm không chỉ khó khăn và kéo dài mà hậu quả do bệnh gây ra còn khiến họ suy giảm hoặc mất khả năng lao động, trở thành gánh nặng cho gia đình, kìm hãm sự phát triển kinh tế, xã hội.

Xác định mục tiêu phòng chống, đẩy lùi bệnh không lây nhiễm là nhiệm vụ quan trọng của ngành y tế trong thời gian tới, Bộ trưởng Kim Tiến yêu cầu các vụ - cục liên quan phải gấp rút lên kế hoạch triển khai giải pháp thực hiện. Theo đó, trên cơ sở tham khảo mô hình từ các quốc gia khác, Bộ Y tế sẽ xây dựng hệ thống quản lý bệnh không lây nhiễm thành một đầu mối trên cả nước. Hệ thống sẽ từng bước kiểm soát, tiến tới đẩy lùi bệnh không lây nhiễm bằng các giải pháp phòng chống trên cơ sở kết hợp vai trò của ngành y tế và ý thức phòng bệnh, bảo vệ sức khỏe của cộng đồng.

Vân Sơn