Phó Chủ tịch tỉnh Bạc Liêu: Phải tự bươn chải chứ không thể bám hoài vào "bầu sữa mẹ"!

(Dân trí) - “Chúng ta thấy “bệnh” của mình mấy năm nay rồi, nhưng đưa ra thuốc trị lại không hiệu quả, thì nay thuốc nào không còn hiệu quả nữa thì đổi thuốc khác, chứ uống hoài thuốc này sẽ lờn thuốc mất”, Phó Chủ tịch tỉnh Bạc Liêu ví von trong việc tìm giải pháp xử lý thực trạng vượt quỹ bảo hiểm y tế của tỉnh Bạc Liêu.

“Thuốc nào không hiệu quả thì đổi thuốc khác”

Tại hội nghị tổng kết công tác khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế (KCB BHYT) của tỉnh Bạc Liêu vừa tổ chức mới đây, bà Lâm Thị Sang- Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu cho biết, trong năm 2018, Chính phủ giao quỹ BHYT cho tỉnh là 773 tỷ, nhưng tỉnh vượt 146 tỷ. Sở Y tế đã đưa ra một số nguyên nhân khách quan dẫn đến vượt quỹ, nếu cộng lại gần 88 tỷ, vậy còn lại gần 60 tỷ thì nguyên nhân do gì chưa giải trình được.

Trong năm 2019, chưa có con số chính thức từ Chính phủ nhưng tạm giao như Bảo hiểm xã hội (BHXH) đưa ra chỉ có 724 tỷ, thấp hơn năm 2018 thì sẽ làm như thế nào, đây là điều rất đáng lo ngại.

“Từ năm 2016, năm nào tỷ lệ vượt quỹ cũng tăng. Cái này nếu không giải trình được trong năm nay thì những năm sau cứ tiếp tục diễn ra như thế. Năm nào cũng hội nghị, cũng bàn việc quản lý quỹ BHYT như thế nào, nhưng thấy rằng đã đến lúc cần nhìn nhận lại là cách làm có lẽ chưa hiệu quả”, bà Sang đánh giá.

Phó Chủ tịch tỉnh Bạc Liêu: Phải tự bươn chải chứ không thể bám hoài vào bầu sữa mẹ! - 1

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu- bà Lâm Thị Sang có những chỉ đạo rất quyết liệt trong việc xử lý tình trạng vượt quỹ khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế của tỉnh Bạc Liêu.

Theo Phó Chủ tịch tỉnh Bạc Liêu, trong các nguyên nhân vượt quỹ BHYT mà BHXH đưa ra thì chủ yếu thuộc về ngành Y tế. Như vậy, nguyên nhân chính cần mổ xẻ là ngành Y tế cần nhìn nhận, nghiên cứu lại nhiều hơn và tìm ra giải pháp tích cực hơn.

“Chúng ta thấy “bệnh” của mình mấy năm nay rồi, nhưng đưa ra thuốc trị lại không hiệu quả, thì giờ thuốc nào không còn hiệu quả thì đổi thuốc khác, chứ uống hoài thuốc này sẽ lờn thuốc mất”, bà Sang ví von khi chưa có giải pháp hữu hiệu làm giảm vượt quỹ BHYT.

Phó Chủ tịch Lâm Thị Sang cũng cho rằng, việc tỉnh tổng kết công tác khám chữa bệnh BHYT năm 2018 khi đã kết thúc quý I/2019 thì có quá muộn. “Bởi vì chúng ta đã sử dụng BHYT một quý rồi. Một quý này nếu anh có hiện tượng vun tay quá trán, sài sang quá thì những quý còn lại liệu có thể thắng kịp, điều chỉnh phù hợp hay đứt thắng luôn”, bà Sang đặt vấn đề.

"Không phải lúc nào khóc cũng được cho bú"

Trước tình hình vượt quỹ KCB BHYT, Phó Chủ tịch tỉnh Bạc Liêu- bà Lâm Thị Sang đề nghị các đơn vị liên quan cần phải triển khai quyết liệt các giải pháp sử dụng quỹ BHYT tránh để vượt trần. Trong quá trình thực hiện, cố gắng đảm bảo hiệu quả KCB để người dân tin vào BHYT, mua BHYT, cảm thấy được khám, chăm sóc, bảo vệ sức khỏe một cách tốt nhất.

Theo bà Lâm Thị Sang, một điều quan trọng là việc thực hiện chuyên môn phải đúng theo quy định. Nếu làm tốt chất lượng KCB ban đầu ở các Trạm Y tế xã, Trung tâm Y tế huyện thì người dân đỡ tốn thời gian, giảm khoản tiền, không có hiện tượng vượt tuyến, quá tải đối với tuyến trên.

“Khi về thăm Bệnh viện Giá Rai, Hòa Bình, tôi thấy chất lượng tốt, tạo uy tín với người dân thì việc giảm quá tải tuyến trên có thể khắc phục tốt. Hiện tượng ngoại tuyến cũng giảm dần đi, đây cũng là cách giảm dần việc vượt quỹ BHYT”, bà Sang nói.

Theo Phó Chủ tịch Lâm Thị Sang, khi các đơn vị đưa ra các giải pháp, nguyên nhân về vượt quỹ BHYT thì hình như chưa thấy nguyên nhân về con người ở đây. Vì thế, cần phải quan tâm đội ngũ, ý thức trách nhiệm, tinh thần, cái tâm của những người tham gia vào các hoạt động như thế nào, để làm sao thực hiện phù hợp, không có tiêu cực xảy ra.

Phó Chủ tịch tỉnh Bạc Liêu: Phải tự bươn chải chứ không thể bám hoài vào bầu sữa mẹ! - 2

Người dân đến khám chữa bệnh tại một cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu.

Trong công tác đấu thầu thuốc, thời gian qua tỉnh Bạc Liêu giao cho các địa phương tự đấu thầu thuốc theo đúng theo quy định. Nhưng mỗi đơn vị tự đấu thầu dẫn đến giá thuốc, cơ cấu thuốc khác nhau,… cũng đã làm tăng quỹ KCB BHYT lên. Do đó, từ năm 2020, tỉnh giao ngành Y tế bắt đầu đấu thầu thuốc tập trung cả tỉnh, để làm sao quản lý, phân phối sử dụng thuốc tốt nhất.

Phó Chủ tịch tỉnh Bạc Liêu cho biết, sắp tới tỉnh sẽ có kế hoạch thực hiện tự chủ cho một số cơ sở y tế. Khi đã tự chủ thì chắc chắn việc khám và điều trị bệnh theo BHYT sẽ gặp rất nhiều khó khăn. “Dĩ nhiên có những cái vượt thì cái nào được chấp nhận, cái nào không chấp nhận do chúng ta thiếu kiểm soát hoặc chưa mạnh tay với bản thân các bác sĩ đang trực tiếp khám, ra những y lệnh cho bệnh nhân, nên cần tính toán thế nào đó cho phù hợp”, bà Sang nói.

Phó Chủ tịch Lâm Thị Sang cho rằng, bà rất băn khoăn, đắn đo khi Tỉnh ủy có ý kiến nếu để vượt quỹ BHYT thì UBND tỉnh phải chịu trách nhiệm.

“Cuối năm 2018, chúng ta gửi tờ trình đi BHXH, Bộ Y tế,… tại sao chúng ta vượt 146 tỷ như thế vì lý do gì và xin được cấp thêm bù vào khoản này cho đủ. Không biết đến thời điểm này, các đơn vị đó đã có ý kiến nào đối với Bạc Liêu cũng như những tỉnh khác.

Nhưng chúng ta phải luôn ở trong tâm thế là không phải lúc nào khóc cũng được cho bú đâu. Cho nên chúng ta phải làm sao tự sống được, bươn chải được, chứ không thể bám vào bầu sữa mẹ hoài được”, bà Sang ví von.

Huỳnh Hải