Phát triển trí tuệ nhân tạo để sàng lọc ung thư phổi thông qua mẫu máu

(Dân trí) - Các nhà khoa học đã phát triển một chương trình trí tuệ nhân tạo có thể sàng lọc người mắc ung thư phổi, bằng cách phân tích đột biến ADN trong máu của bệnh nhân.

Chương trình trí tuệ nhân tạo (AI) được phát triển bởi Viện nghiên cứu Ung thư của Vương quốc Anh. Nó hoạt động bằng cách kiểm tra ADN trôi nổi tự do trong máu của người được xét nghiệm. Phần lớn các vật chất di truyền này xâm nhập vào máu khi các tế bào vô hại trong cơ thể bị phá vỡ và các thành phần bên trong chúng tràn ra ngoài. Tuy nhiên, hiện tượng này cũng được ghi nhận ở các khối u ung thư trong quá trình hình thành và lớn lên.

Phát triển trí tuệ nhân tạo để sàng lọc ung thư phổi thông qua mẫu máu - 1

Với phương pháp sàng lọc ung thư phổi thông qua chụp X-quang liều thấp lồng ngực hiện nay, một nghiên cứu ở Mỹ chỉ ra rằng, chỉ có 5% những người có nguy cơ mắc ung thư phổi cao được sàng lọc.

Do đó, phương pháp sàng lọc thông qua xét nghiệm máu này nếu thành công sẽ mở ra cơ hội khám sàng lọc cho nhiều người hơn, bởi máu của họ nhiều khi đã được lưu trữ sẵn, thông qua việc hiến máu hoặc khám định kỳ.

Theo công bố trên tạp chí khoa học Nature, AI sẽ nghiền vụn dữ liệu về ADN được ghi nhận trong máu của bệnh nhân ung thư phổi, để tìm hiểu những đột biến ung thư phổ biến có thể dùng để chẩn đoán căn bệnh này hiệu quả nhất. Sau đó, AI sẽ được huấn luyện cách phân biệt giữa người mắc ung thư phổi và người khỏe mạnh, dựa trên mẫu máu được gửi về từ các tình nguyện viên.

Phát triển trí tuệ nhân tạo để sàng lọc ung thư phổi thông qua mẫu máu - 2

Trong các thử nghiệm, tỷ lệ dương tính giả là 2%, có nghĩa AI đã xác định nhầm 2 trong số 100 người khỏe mạnh là mắc bệnh. Trong khi đó, AI xác định 55% các bệnh nhân ung thư phổi giai đoạn 2 và 70% bệnh nhân ung thư phổi giai đoạn 3 là có mắc bệnh.

"Một thách thức lớn đối với hệ thống này là phải phân biệt giữa đột biến gây ung thư và đột biến vô hại, trong các ADN trôi nổi. Ở thời điểm hiện tại, mặc dù tỉ lệ chẩn đoán đúng là chưa cao, nhưng nó đủ để sử dụng như một phương pháp cảnh báo những người có nguy cơ cao mắc ung thư, từ đó tiến hành xét nghiệm chuyên sâu hơn với các đối tượng này" - Đại diện nhóm tác giả cho biết.

Minh Nhật

Theo Medical Xpress

Dòng sự kiện: Ung thư phổi