Quảng Trị:

Phát huy trách nhiệm của người sản xuất, kinh doanh thực phẩm

(Dân trí) - Nhằm đảm bảo sức khỏe cho nhân dân, lực lượng chức năng tại Quảng Trị đã tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát về an toàn thực phẩm, kiên quết xử lý những cơ sở vi phạm, sản xuất thực phẩm không an toàn, gây nguy hại cho cộng đồng.

Đảm bảo ATTP cho người tiêu dùng

An toàn thực phẩm là lĩnh vực liên quan trực tiếp đến sức khỏe con người. Sản xuất, tiêu thụ thực phẩm không an toàn, không đảm bảo chất lượng sẽ gây nguy hiểm tiềm tàng, ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân.

Theo Chi cục an toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh Quảng Trị, trong năm 2018 đơn vị đã nỗ lực trong công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát về an toàn thực phẩm. Tăng cường, phối hợp tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, nhằm hướng dẫn người dân lựa chọn và sử dụng thực phẩm đảm bảo an toàn và chất lượng, góp phần bảo vệ sức khỏe, quyền lợi của người tiêu dùng.

Lực lượng chức năng kiểm tra thực phẩm tại các chợ đầu mối.
Lực lượng chức năng kiểm tra thực phẩm tại các chợ đầu mối.

Nhằm đảm bảo an toàn cho người tiêu dùng, Chi cục an toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh Quảng Trị đã phối hợp với các Trung tâm Y tế, Phòng Y tế triển khai các điểm test nhanh tại chợ Đông Hà và các chợ đầu mối trên địa bàn tỉnh, đồng thời lồng ghép tuyên truyền để phát huy vai trò của người tiêu dùng trong việc giám sát chất lượng thực phẩm, cung cấp thông tin về thực phẩm không đảm bảo an toàn thực phẩm, góp phần thực hiện, ngăn chặn, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật, ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân.

Ngành an toàn thực phẩm tỉnh Quảng Trị đã tổ chức lễ phát động “Tháng hành động vì an toàn thực phẩm” tại các địa phương; triển khai các chiến dịch truyền thông tuyên truyền bảo đảm an toàn thực phẩm; tổ chức các đoàn thanh, kiểm tra cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm…

Tổ chức những đợt cao điểm, phát động chiến dịch truyền thông tuân thủ quy định pháp luật về an toàn thực phẩm trong sản xuất, kinh doanh thực phẩm. Hướng dẫn tuyên truyền người kinh doanh, người tiêu dùng cách chọn mua, chế biến, bảo quản và tiêu dùng thực phẩm an toàn. Qua đó, chủ động phòng ngừa ô nhiễm thực phẩm, hạn chế tối đa ngộ độc thực phẩm, đặc biệt là các vụ ngộ độc thực phẩm tập thể.

Bác sĩ Hồ Sỹ Biên – Chi cục trưởng Chi cục an toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh Quảng Trị cho biết, hầu hết các cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn đã nhận thức và tuân thủ các quy định về an toàn thực phẩm. Riêng đối với lượng hàng hóa từ các nơi khác, ngành đã tích cực kiểm tra, nếu phát hiện hàng không có hồ sơ công bố và phiếu kiểm kiệm chất lượng thì tạm dừng và có phương án xử lý.

Kiểm tra bánh kẹo hàng hóa dịp tết Trung thu.
Kiểm tra bánh kẹo hàng hóa dịp tết Trung thu.

Chi cục trưởng Chi cục an toàn vệ sinh thực phẩm cho hay, công tác thanh tra, kiểm tra về an toàn thực phẩm trước đây thực hiện việc tiền kiểm là chính, chủ yếu là các cơ sở sản xuất kinh doanh đăng ký công bố, kiểm tra chất lượng sản phẩm. Nhưng khi sản xuất, một số cơ sở không thực hiện theo công bố. Từ 2/2018, Chính phủ ra Nghị định mới, thay đổi phương thức quản lý từ tiền kiểm sang hậu kiểm, vừa tạo điều kiện cho doanh nghiệp, giảm bớt thủ tục hành chính. Nâng cao vai trò cơ quan quản lý về chất lượng thực phẩm.

Phương pháp kiểm tra này tạo thuận lợi hơn, trước đây khi xử lý sản phẩm vi phạm phải thành lập đoàn kiểm tra, thông báo mới tiếp cận doanh nghiệp. Tuy nhiên, với phương pháp hậu kiểm thì chỉ cần phát hiện sản phẩm không đảm bảo chất lượng, truy xuất nguồn gốc và xử lý.

Ngăn chặn nguy cơ từ gốc

Thời gian qua, ngành An toàn thực phẩm đã thanh tra, kiểm tra gần 5.500 lượt các cơ sở sản xuất, kinh doanh; phát hiện và xử lý 171 cơ sở vi phạm. Ngoài ra, đoàn kiểm tra đã đóng cửa 7 cơ sở vi phạm, đình chỉ lưu hành 5 loại sản phẩm của 10 cơ sở, yêu cầu 27 cơ sở khắc phục nhãn mác theo yêu cầu.

Trước thực trạng các cơ sở sản xuất, kinh doanh vi phạm về an toàn thực phẩm, ngành an toàn thực phẩm tỉnh Quảng Trị đã tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra bảo đảm an toàn thực phẩm tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm. Đặc biệt tại cơ sở kinh doanh nhỏ lẻ, các làng nghề; nêu cao vai trò giám sát của tổ chức xã hội và người tiêu dùng đối với việc thực thi pháp luật về an toàn thực phẩm của cá nhân, cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm; đồng thời giảm thiểu ngộ độc do tiêu dùng thực phẩm không an toàn.

Điểm kiểm tra hàng hóa, thực phẩm tại chợ Đông Hà.
Điểm kiểm tra hàng hóa, thực phẩm tại chợ Đông Hà.

Công khai các cơ sở, cá nhân bị phạt vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm nhằm cảnh cáo, răn đe, ngăn chặn các hành vi sản xuất, kinh doanh thực phẩm trái pháp luật.

Bác sĩ Hồ Sỹ Biên cho biết, để ngăn chặn việc vi phạm về an toàn thực phẩm cần sự vào cuộc của nhiều ngành. Trước hết là khuyến cáo các cơ sở sản xuất, kinh doanh tuân thủ các quy định về an toàn thực phẩm. Tuyên truyền nâng cao nhận thức, ý thức cho người dân và toàn xã hội về việc lựa chọn thực phẩm an toàn. Cung cấp thông tin về các sản phẩm không đảm bảo chất lượng.

“Việc đảm bảo an toàn thực phẩm không chỉ nằm ở khâu xử lý hành chính, mà phải ngăn chặn từ gốc sản phẩm. Chú trọng khâu sản xuất các thực phẩm an toàn, nâng cao ý thức của người dân về vấn đề an toàn thực phẩm. Bởi vấn đề an toàn thực phẩm nó ảnh hưởng đến sức khỏe, tương lai”, ông Biên nói.

Đăng Đức