Phát hiện mới về mối liên quan giữa ung thư bàng quang và hút thuốc lá

(Dân trí) - Đến nay, nguyên nhân gây ung thư bàng quang vẫn chưa được giới khoa học xác định rõ. Tuy nhiên hút thuốc được xem là yếu tố nguy cơ chính của căn bệnh này.

Các nhà nghiên cứu đến từ Đại học York đã tái tạo lại cách độc tố từ việc hút thuốc gây ra các kiểu tổn thương ADN đặc trưng trong cơ thể. Khám phá này có thể giúp chúng ta hiểu rõ hơn về nguyên nhân gây ung thư bàng quang và mối liên hệ với việc hút thuốc.

Đến nay, nguyên nhân gây ung thư bàng quang vẫn chưa được giới khoa học xác định rõ. Tuy nhiên hút thuốc được xem là yếu tố nguy cơ chính của căn bệnh này.

Phát hiện mới về mối liên quan giữa ung thư bàng quang và hút thuốc lá - 1

Để tìm lời giải cho bí ẩn nêu trên, các nhà nghiên cứu được dẫn đầu bởi tiến sĩ Simon Baker đã phát triển các mô bàng quang của con người, trong phòng thí nghiệm và cho chúng tiếp xúc với một loại độc tố phổ biến trong khói thuốc lá. Sau khi các mô bị tổn thương bởi độc tố này, nhóm nghiên cứu đã phân tích tổng cộng 3 tỷ nucleotide của mã di truyền (ADN), để tìm ra đột biến đặc trưng của ADN dưới tác động của độc tố trong khói thuốc.

Tiến sĩ Baker cho biết: "Dạng đột biến đặc trưng cũng giống như dấu vân tay mà chúng ta thu thập trong hiện trường vụ án. Cụ thể, khi nhìn vào ADN của những bệnh nhân ung thư, chúng ta có thể dựa vào đột biến đặc trưng để tìm ra thủ phạm. Việc ADN bị ảnh hưởng có thể do khói thuốc lá, do tiếp xúc với tia UV trong ánh nắng, hoặc cũng có thể do một tác nhân nào đó mà chúng ta còn chưa biết tới đã gây ra ung thư".

Chuyên gia này phân tích, nghiên cứu cho thấy độc tố khói thuốc lá đã gây ra dạng đột biến đặc trưng trên ADN của các mô bàng quang, được phát triển trong phòng thí nghiệm. Tuy nhiên, khi nhóm tác giả tiến hành phân tích ADN ở bệnh nhân ung thư bàng quang, dạng đột biến đặc trưng của độc tố khói thuốc chỉ đóng góp vào một tỉ lệ nhỏ các tổn thương.

Phát hiện mới về mối liên quan giữa ung thư bàng quang và hút thuốc lá - 2

"Từ kết quả này, chúng tôi có thể nhận định rằng, mặc dù hút thuốc là yếu tố nguy cơ chính gây ung thư bàng quang, nhưng những tổn thương mà độc tố khói thuốc gây ra trên ADN chưa hẳn đã là nguyên nhân chính khiến căn bệnh này hình thành. Cũng có thể độc tố trong khói thuốc đã xúc tác cho các các tổn thương ADN khác, mà chúng tôi cho rằng, khả năng cao chính là một họ enzyme mang tên "APOBEC" - Tiến sĩ Baker nhấn mạnh.

Trong cơ thể, các enzyme APOBEC đảm nhiệm vai trò tiêu diệt virus xâm nhập bằng cách biến đổi ADN của virus. Tuy nhiên, các nghiên cứu gần đây chỉ ra rằng, trong một số bệnh ung thư, APOBEC lại có thể nhầm lẫn ADN của chính chúng ta là mục tiêu cần phải tấn công.

Theo chia sẻ của nhóm tác giả, ở giai đoạn tiếp theo, nhóm sẽ tập trung vào nghiên cứu lý do vì sao các enzyme APOBEC tại bàng quang lại được kích hoạt và gây ra những tổn thương ADN không mong muốn này.

Ở nam giới tuổi trung niên và người già, ung thư bàng quang là bệnh hay gặp nhất sau ung thư tuyến tiền liệt. Bệnh hiếm gặp ở trẻ em và người trẻ tuổi, thường gặp ở nam cao gấp 3 lần ở nữ. Triệu chứng đái máu toàn bãi (từ đầu đến cuối bãi đi tiểu), có thể kèm theo máu cục, nhưng lại không đau buốt có thể là biểu hiện duy nhất của bệnh ở giai đoạn sớm. Khi khối u phát triển đến giai đoạn muộn, người bệnh có thể bị đái máu thường xuyên, đái khó do khối u to chèn ép, người gầy sút cân, nổi hạch bẹn 2 bên…

Minh Nhật

Theo MX