Phát hiện mới: Tế bào ung thư tấn công cơ thể bằng "mũi khoan tẩm hóa chất"

(Dân trí) - Một nhóm nghiên cứu quốc tế đã lần đầu tiên đo được lực tác động từ các tế bào ung thư lên mô khỏe mạnh trong quá trình xâm lấn, làm sáng tỏ thêm một vũ khí mới của loại tế bào "bất hảo" này

Trong quá trình phát triển, nhiều loại ung thư sẽ hình thành invadopodia, một mấu lồi nhỏ trên bề mặt tế bào ung thư. Invadopodia sẽ giúp tế bào ung thư xâm lấn các mô khỏe mạnh xung quanh, bằng cách giải phóng ra enzyme tiêu hóa các mô này.

Mặc dù có nhiều giả thiết cho rằng, mấu lồi này sẽ tạo ra lực cơ học có liên quan đến khả năng xâm lấn của tế bào ung thư, nhưng vẫn chưa có công trình khoa học nào chứng minh sự tồn tại của lực này.

Phát hiện mới: Tế bào ung thư tấn công cơ thể bằng mũi khoan tẩm hóa chất - 1

Các invadopodia (màu vàng) nhô ra bên ngoài tế bào ung thư.

Nhóm tác giả, đứng đầu là GS Malte Gather, Đại học Andrews đã sử dụng các tế bào ung thư đầu và cổ, cùng “bản sao” nhân tạo của các mô khỏe mạnh để tính toán lực này, thông qua một kỹ thuật hình ảnh dùng để đo lực giao thoa, vừa được phát triển. Được biết kỹ thuật này đạt đến độ phân giải pN (10-12N). Cùng với đó, nhóm tác giả cũng đánh giá mối tương quan giữa lực của invadopodia có thể tạo ra và khả năng phân hủy chất nền ngoại bào, vốn là 1 thành phần chính của mô khỏe mạnh.

Dựa trên các kết quả thu được, GS Malte Gather kết luận: “Từ lâu chúng ta đã biết các tế bào ung thư có các mấu nhỏ trên bề mặt có thể tiết ra hóa chất để phân hủy các mô xung quanh. Công trình nghiên cứu của chúng tôi đã chứng minh được rằng, các invadopodia này hoạt động giống như một chiếc khoan cơ học, được bổ trợ thêm hóa chất để xâm lấn vào các tế bào khỏe mạnh”.

Phát hiện mới: Tế bào ung thư tấn công cơ thể bằng mũi khoan tẩm hóa chất - 2

Hình ảnh 3 chiều về lực tác động của các invadopodia. Mỗi chóp nhọn nhô ra chính là lực được tạo bởi 1 invadopodia. Chóp càng cao chứng tỏ lực càng lớn.

Được biết, dựa vào công nghệ hình ảnh đo lực tiên tiến, nhóm tác giả đã ghi nhận mỗi mấu lồi invadopodia sẽ tác động 1 lực nằm trong khoảng 2-10 pN lên bề mặt mà nó tiếp xúc.

Theo nhóm tác giả, cách tiếp cận thông qua công nghệ hình ảnh đo lực vừa được phát triển kết hợp cùng kiến thức sinh học tế bào, đã mở ra hướng đi mới trong việc làm sáng tỏ cơ chế của quá trình ung thư xâm lấn, từ đó phát triển các phương án mới để ngăn ngừa quá trình này.

Minh Nhật

Theo Phys