Ở bệnh viện, các bác sĩ đón giao thừa như thế nào?

(Dân trí) - Khi những màn pháo hoa đang đua nhau thắp sáng bầu trời chào nằm mới trong niềm vui của cả cộng đồng thì trong phòng bệnh, các bác sĩ vẫn âm thầm với công việc của mình. Cuộc chiến bên lằn ranh sinh tử không có chỗ cho sự thờ ơ.

Ở bệnh viện, các bác sĩ đón giao thừa như thế nào? - 1
Khi cộng đồng hân hoan đón giao thừa thì các bác sĩ thầm lặng với công việc cứu người
Khi cộng đồng hân hoan đón giao thừa thì các bác sĩ thầm lặng với công việc cứu người

Không gian khoa Sơ sinh Bệnh viện Hùng Vương, TPHCM như chùng xuống khi nữ điều dưỡng thông báo cháu bé chào đời với cân nặng chỉ có 700g đã không thể qua khỏi. Đến thăm, chúc Tết cán bộ công nhân viên nhưng tin buồn khiến ThS.BS Phan Thị Hằng như khựng lại, phút giao thừa như khuyết mất một góc của niềm vui. Ngoài những lời chúc, bà gửi thêm những lời cảm ơn và động viên các y bác sĩ cố gắng hết lòng vì bệnh nhân.

Không đầy 2 phút gặp gỡ, chúc tết, nhận lì xì từ lãnh đạo bệnh viện, các bác sĩ vội vã về vị trí để tiếp tục công việc. Đây là khoa có nhiều trẻ sinh non, nhẹ cân, mắc các bệnh lý bẩm sinh, sức khỏe kém… cần phải theo dõi rất sát nên gần như không ai dám lơ là.

“Nếu chỉ sơ suất hoặc mất tập trung chúng tôi có thể phải trả giá bằng cả sinh mạng của các bé. Dù không được đón giao thừa cùng gia đình, không được ngắm những màn pháo hoa nhưng ở đây chúng tôi sum vầy trong trong tình thương, trách nhiệm với bệnh nhân, niềm vui sẽ vẹn toàn hơn khi nụ cười nở trên môi các thiên thần bé nhỏ” - nữ hộ sinh Lê Thị Kim Tuyền chia sẻ.

Ở bệnh viện, các bác sĩ đón giao thừa như thế nào? - 3
Bên cạnh niềm vui đón năm mới là niềm vui của các y bác sĩ khi bệnh nhân khỏe mạnh
Bên cạnh niềm vui đón năm mới là niềm vui của các y bác sĩ khi bệnh nhân khỏe mạnh

Tại phòng sinh mổ, đúng thời khắc giao thừa, các bác sĩ đã thực hiện thành công cuộc phẫu thuật bắt con cho một sản phụ 42 tuổi. Bé trai chào đời khỏe mạnh bình thường, các chỉ số sinh hiệu của người mẹ cũng ổn định. Cuộc vượt cạn được “mẹ tròn con vuông” trong niềm vui của gia đình và cả ê kíp phẫu thuật. Tuy nhiên, không dừng lại ở ca mổ này, trong đêm có thể các bác sĩ còn phải thực hiện tiếp nhiều cuộc mổ khác và hỗ trợ sinh sản cho người bệnh bởi ít nhất 30 sản phụ đang chuyển dạ, chờ sinh cần đến bàn tay chăm sóc của họ.

Ở bệnh viện, các bác sĩ đón giao thừa như thế nào? - 5
Mẹ tròn con vuông khi vượt cạn là niềm vui chung của cả bệnh viện và gia đình trong đêm giao thừa
"Mẹ tròn con vuông" khi vượt cạn là niềm vui chung của cả bệnh viện và gia đình trong đêm giao thừa

“Mỗi ca sinh khi cả mẹ và bé đều khỏe mạnh, đó chính là niềm vui lớn nhất đối với những người làm nghề như chúng tôi. Nhiều năm qua, tôi cùng các y bác sĩ đã trực đêm giao thừa rồi trực cả những ngày Tết, dù có chút chạnh lòng khi không được ở bên cạnh người thân, gia đình sum vầy bên mâm cỗ ngày cuối năm nhưng làm sao có thể đem niềm vui cá nhân để so sánh với sự an nguy của người bệnh?” ThS.BS Phan Thị Hằng, Phó giám đốc Bệnh viện Hùng Vương chia sẻ.

Những phút thảnh thơi nhẹ nhàng của các y bác sĩ lúc nửa đêm
Những phút thảnh thơi nhẹ nhàng của các y bác sĩ lúc nửa đêm

Cũng theo bà Hằng, để đảm bảo công tác chăm sóc thường xuyên, liên tục đáp ứng nhu cầu của người bệnh trong dịp Tết, bệnh viện đã cắt cử đội ngũ y bác sĩ đảm bảo đủ số lượng phục vụ bệnh nhân 24/24. Để động viên tinh thần của các bác sĩ khi làm việc trong ngày cuối năm, chiều 30 Tết bệnh viện đã tổ chức buổi tiệc tất niên nhỏ để các y bác sĩ sum vầy. Tuy nhiên, vì công việc nên cũng chỉ một phần anh chị em có thể tham dự số còn lại vẫn phải túc trực phục vụ bệnh nhân. Nhiều người chỉ kịp ghé tới dùng vài miếng ăn, chụp vài kiểu hình lưu niệm rồi lại bắt tay vào công việc. Nghề y là vậy nếu không có lòng yêu nghề, yêu thương người bệnh thì khó trụ được với nghề.

Vân Sơn