Nút mạch máu- Cắt “nguồn sống” nuôi khối u ác tính

(Dân trí) - Nút mạch điều trị ung thư gan là một kỹ thuật thường quy tại nhiều nơi, song với hệ thống chụp mạch số hóa xóa nền, việc can thiệp sẽ an toàn, hiệu quả hơn và giảm biến chứng.

Bệnh nhân đến khám tại Bệnh viện Đại học Y Hà Nội với chẩn đoán bị ung thư gan, khối u có kích thước 10 cm. Không thể điều trị triệt căn bằng phẫu thuật, các bác sĩ chỉ định nút mạch máu nuôi khối u.

ThS.BS Nguyễn Thái Bình, khoa Chẩn đoán hình ảnh, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội cho biết, nút mạch nghĩa là bơm hóa chất vào mạch máu nuôi khối u, bơm các chất làm tắc mạch máu nuôi u. Hóa chất được truyền khư trú, tập trung vào khối u, tránh liều toàn thân, nên ít tác dụng toàn thân.

Nút mạch máu- Cắt “nguồn sống” nuôi khối u ác tính - 1

Bác sĩ thực hiện ca nút mạch cho một bệnh nhân bị ung thư gan trên hệ thống chụp mạch mới.

“Kỹ thuật can thiệp này vừa làm cho u bị ‘ngộ độc’ vừa cắt nguồn dinh dưỡng nuôi khối u. Khối u sẽ teo lại, nhờ đó cải thiện chất lượng sống, kéo dài thời gian sống cho bệnh nhân”, bác sĩ Bình chia sẻ.

Phương pháp nút mạch ra đời từ lâu, hiện nhiều nơi thực hiện, kể cả tuyến tỉnh. Song với hệ thống máy chụp mạch số hóa xóa nền hiện đại việc can thiệp sẽ an toàn, hiệu quả hơn.

Theo bác sĩ Bình độ phân giải hình ảnh gấp 4 lần các máy thông thường giúp các bác sĩ khi nút mạch thấy rõ hình ảnh của các mạch máu. Đồng thời, hệ thống tích hợp cắt lớp vi tính dựng hình mạch máu 3D, 4D giúp các bác sĩ sau khi nút mạch, thậm chí đang nút mạch có thể chụp cắt lớp lại để biết một nhánh mạch máu nào đó có nuôi khối u không. Nếu không thì không nên nút, vì nó là mạch máu nuôi nhu mô gan lành. Hóa chất được bơm tập trung vào các mạch máu nuôi khối u.

Dựa vào chương trình cắt lớp vi tính ngay trên máy chụp mạch bác sĩ có thể lựa chọn chỗ cần nút chính xác nhất. Đồng thời giúp bác sĩ định vị chính xác đường đi của dụng cụ.

Tính năng này đặc biệt hữu ích trong các trường hợp nút mạch với các mạch máu cực kỳ nhỏ như u tuyến tiền liệt, mạch máu nhỏ như sợi tóc, chia thành nhiều nhánh nhỏ như chùm rễ cây. “Nếu như không xác định được nhánh mạch nào đi vào cấp máu cho u thì sẽ rất mất thời gian. Thậm chí nút nhầm vào chỗ nguy hiểm, ví dụ động mạch nuôi dương vật hoặc bàng quang thì có thể dẫn đến hoại tử rất nguy hiểm”, bác sĩ Bình nhấn mạnh.

Nút mạch máu- Cắt “nguồn sống” nuôi khối u ác tính - 2

Theo PGS. TS Nguyễn Lân Hiếu, Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, hệ thống chụp mạch mới có nhiều chức năng phục vụ các ca can thiệp tim mạch phức tạp. Ảnh: Nam Phương

Ngày 26/10, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội khai trương khu Chụp và can thiệp mạch với hệ thống máy DSA thế hệ mới nhất này.

PGS.TS Nguyễn Lân Hiếu, Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội cho biết đây là hệ thống chụp mạch số hóa xóa nền hiện đại, có rất nhiều chức năng phục vụ cho các trường hợp can thiệp tim mạch phức tạp. Bệnh viện đã can thiệp thành công cho hai trường hợp bị ung thư gan và một ca bị phình mạch não.

Hệ thống có độ phân giải hình ảnh HDR cao gấp 4 lần so với các máy thông thường, phần mềm chống di lệch hình ảnh khi bệnh nhân cử động. Đồng thời, tích hợp cắt lớp vi tính dựng hình mạch máu 3D, 4D và cắt lớp vi tính mô mềm, đồng bộ được với hình cắt vi lớp vi tính và cộng hưởng từ sẵn có của bệnh nhân. Hệ thống cũng giúp quản lý và giảm liều chiếu tia cho bệnh nhân.

Tại Việt Nam, ung thư gan khá phổ biến ở cả nam và nữ. Có nhiều phương pháp điều trị ung thư gan, trong đó phẫu thuật cắt phần gan mang khối u, ghép gan, phá hủy khối u tại chỗ bằng sóng cao tần… chỉ áp dụng khi bệnh được chẩn đoán ở giai đoạn sớm. Tuy nhiên ở nước ta phần lớn bệnh nhân phát hiện bệnh khi đã ở giai đoạn muộn.Thời gian sống trung bình không quá một năm. Chỉ có khoảng 2% bệnh nhân được phẫu thuật triệt căn khối u. 

Nam Phương