Nuôi cấy 10 tỷ tế bào từ máu người bệnh để chữa ung thư, khối u di căn

(Dân trí) - GS.TS Tạ Thành Văn, Hiệu trưởng Trường Đại học Y Hà Nội cho biết, từ 10 - 30ml máu của người bệnh, các chuyên gia tiến hành nuôi cấy trong môi trường đặc biệt, sau 2 tuần có thể thu được vài tỷ tế bào, truyền lại cho bệnh nhân. Kết quả cho thấy triệu chứng lâm sàng cải thiện khá tốt.

Tại hội nghị chuyên đề “Ứng dụng một số kỹ thuật và công nghệ mới trong chẩn đoán và điều trị bệnh lý tai mũi họng do Đại học Y Hà Nội tổ chức ngày 14/9, các chuyên gia chia sẻ ứng dụng nhiều kỹ thuật mới trong chẩn đoán, điều trị.

Nuôi cấy 10 tỷ tế bào từ máu người bệnh để chữa ung thư, khối u di căn - 1

GS.TS Tạ Thành Văn, Hiệu trưởng Trường Đại học Y Hà Nội phát biểu tại hội nghị. Ảnh: N.D.

Liệu pháp miễn dịch trong điều trị sớm ung thư, công nghệ giải trình gene thế hệ mới phát hiện các đột biến gene gây khiếm thính bẩm sinh, công nghệ trí tuệ nhân tạo AI vào máy trợ thính… là những kỹ thuật hiện đại được ứng trong lĩnh vực tai mũi họng.

GS.TS Nguyễn Đình Phúc, Chủ tịch Hội Tai Mũi Họng Hà Nội và các tỉnh phía Bắc nhấn mạnh, nhiều kỹ thuật y khoa tiên tiến mang tầm cỡ hàng đầu trong nước đã được ứng dụng thành công và từng bước hội nhập khu vực và thế giới. Trong đó đáng chú ý là phẫu thuật nạo VA bằng công nghệ Plasma, phẫu thuật cấy điện cực ốc tai, ứng dụng kỹ thuật trong phẫu thuật dây thần kinh số 7, triển khai kỹ thuật điện cực thanh quản trong phẫu thuật tuyến giáp…

Đặc biệt, tại hội nghị, GS.TS Tạ Thành Văn, Hiệu trưởng Trường Đại học Y Hà Nội cũng chia sẻ những thành công bước đầu trong việc ứng dụng sinh học y học phân tử trong chuyên ngành tai mũi họng.

Nhóm nghiên cứu của trường đã dùng phương pháp tế bào trị liệu trong điều trị bệnh ung thư đầu mặt cổ, ung thư vòm họng… Các nhà khoa học thực hiện phân tách tế bào thông qua việc lấy 10 - 30 ml máu.

 “Sau 2 tuần nuối cấy và biệt hóa trong môi trường đặc biệt có thể thu được vài tỷ tế bào. Trong điều kiện tốt của bệnh nhân có thể thu được 5-10 tỷ tế bào, truyền lại cho bệnh nhân. Kết quả cho thấy triệu chứng lâm sàng cải thiện khá tốt. Song để đánh giá tác dụng về sự thay đổi kích thước khối u, khối u di căn, tổn thương thực thể… thì cần thời gian dài hơn”, GS Văn nhấn mạnh.

Theo các chuyên gia, chuyên ngành tai mũi họng đang phát triển mạnh mẽ với nhiều phương pháp điều trị mới và hiệu quả như phẫu thuật nội soi, cấy điện cực ốc tai, ứng dụng công nghệ sinh học phân tử, nội soi tai mũi họng ống mềm và nhuộm màu nâng cao trong chẩn đoán sớm các tổn thương ung thư...

Hội nghị có sự tham gia của các chuyên gia đầu ngành trong lĩnh vực tai mũi họng trong và ngoài nước. Đây cũng là dịp để các chuyên gia trao đổi kinh nghiệm và giới thiệu những công nghệ, kỹ thuật và ứng dụng mới trong chẩn đoán và điều trị bệnh.

Nhóm nghiên cứu của Trường Đại học Y Hà Nội cũng đã ứng dụng công nghệ giải trình gene thế hệ mới bằng phương pháp DNA microarray nhằm phát hiện các đột biến gene gây khiếm thính bẩm sinh. Ước tính mỗi năm tại Việt Nam có thêm 15.000 trẻ bị điếc bẩm sinh được sinh ra. Việc phát hiện sớm các đột biến gene gây bệnh là yếu tố quyết định việc chẩn đoán, giúp trẻ khiếm thính phát triển tư duy và ngôn ngữ bình thường.

Nuôi cấy 10 tỷ tế bào từ máu người bệnh để chữa ung thư, khối u di căn - 2

Bệnh lý tai mũi họng là nhóm bệnh phổ biến và thường gặp ở nước ta do yếu tố khí hậu, ô nhiễm môi trường, nấm mốc… Ảnh: Justdial.

GS.TS Nguyễn Đình Phúc cho biết, bệnh lý tai mũi họng là nhóm bệnh phổ biến và thường gặp ở nước ta do nhiều yếu tố ảnh hưởng như khí hậu nhiệt đới nóng ẩm, ô nhiễm môi trường không khí, các yếu tố nguy cơ nghề nghiệp... Bên cạnh đó, dân số tăng, nhà ở chật hẹp, ẩm thấp tạo điều kiện cho các loại vi khuẩn nấm mốc phát triển. Điều này dẫn tới bệnh lý tai mũi họng trong cộng đồng ngày một gia tăng và phức tạp hơn.

Số bệnh nhân đến khám tai mũi họng ngày càng đông. Ước tính, cứ 2 trẻ nhỏ thì có một cháu bị bệnh tai, mũi, họng.

 Nam Phương