Nữ sinh lớp 9 suýt bị tàn tật vĩnh viễn vì căn bệnh tưởng chừng đơn giản

(Dân trí) - Để tránh cho trẻ bị tàn tật suốt đời khi tuổi còn nhỏ, bác sĩ buộc phải thay khớp háng vì không còn lựa chọn nào tốt hơn. Nếu phát hiện sớm tình trạng viêm khớp háng, điều trị đúng, cô bé đã có thể khỏi bệnh, tránh được những cơn đau liên tục, dữ dội, thậm chí có thể khiến em tàn tật.

Các bác sĩ khoa Chấn thương Chỉnh hình, Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn vừa thực hiện ca phẫu thuật thay khớp háng cho bệnh nhân. Theo các bác sĩ, đây là một quyết định vô cùng khó khăn vì thay khớp háng cho trẻ em rất hãn hữu áp dụng.

Nữ sinh lớp 9 tên Đỗ Thị Kim C sinh năm 2003, ở Khoái Châu, Hưng Yên, vào viện trong tình trạng đau nhiều, dữ dội vùng háng phải, không thể hoạt động, đi lại được. Bệnh nhân được chỉ định làm các chẩn đoán hình ảnh cần thiết.

Nữ sinh lớp 9 suýt bị tàn tật vĩnh viễn vì căn bệnh tưởng chừng đơn giản - 1
Ổ cối, chỏm xương đùi bên phải đã biến dạng hoàn toàn

PGS.TS Trần Trung Dũng, Phó giám đốc Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn, Trưởng khoa Chấn thương Chỉnh hình cho biết bệnh nhân bị thoái hóa khớp háng phải thứ phát do viêm khớp háng cũ bỏ sót 4 năm nay. Cơn đau dữ dội mà trẻ phải chịu đựng tới mức không thể đi lại được là do ổ cối, chỏm xương đùi bên phải đã biến dạng hoàn toàn.

PGS.TS Dũng chia sẻ ông rất hiếm gặp ca bệnh nhiều thách thức như trường hợp trên. Bệnh nhân còn ở lứa tuổi thiếu niên, cuộc đời tương lai còn dài và là nữ giới song lại có nguy cơ cao bị tàn tật suốt cuộc đời.

“Đáng tiếc nhất là bệnh này hoàn toàn có thể phòng tránh được nếu được can thiệp sớm và đúng cách. Trong trường hợp trên bệnh nhân đến viện đã ở giai đoạn di chứng, khớp háng hỏng và trật khiến trẻ di chuyển khó khăn”, PGS.TS Dũng nói.

Chị Nga (45 tuổi) mẹ của bệnh nhân kể lại từ năm học lớp 6 con gái chị bắt đầu xuất hiện những cơn đau âm ỉ vùng háng, hơi khó vận động dù cháu không bị ngã hay va quệt vào đâu. Bố mất sớm, chị gái đi học xa, nhà neo người nên cô bé vẫn nén chịu đau.

Theo thời gian, cơn đau xuất hiện ngày một mạnh hơn, có lúc đau quá chị phải cho con uống thuốc giảm đau. Các môn học thể dục ở trường con gái chị gần như không thể hoàn thành.

Nữ sinh lớp 9 suýt bị tàn tật vĩnh viễn vì căn bệnh tưởng chừng đơn giản - 2
Chiều dài chênh lệch chi gần 2 cm khiến trẻ đi lại khó khăn.

Những cơn đau âm ỉ lúc thì kéo dài liên tục lúc thì xen kẽ những cơn đau cấp. Chị đưa con đi khám tại một bệnh viện ở Hà Nội. Chị không nhớ rõ bác sĩ điều trị hồi đó đã chẩn đoán con chị bị bệnh gì, chỉ nhớ là con được bó bột trong vòng 1 tháng. Song các triệu chứng của con không thuyên giảm.

Sau đó, chị được bác sĩ giới thiệu sang một cơ sở y tế khác với chẩn đoán có một khối bất thường ở vùng khung chậu bên phải và cần phải được phẫu thuật nạo vét, lấy bỏ các tổ chức này. Sau phẫu thuật cô bé tiếp tục điều trị nội trú 3 tháng rồi xuất viện.

Lúc đó, chị Nga đã thấy mừng vì các cơn đau giảm đi, xuất hiện với tần suất ít hơn và các hoạt động của con gái dần dần trở lại bình thường mặc dù vẫn còn ít nhiều khó khăn. Vì có sự chênh lệch chiều dài chi gần 2 cm khiến cho tư thế đi lại của cô bé không được tự nhiên.

Vì chủ quan nên sau 4 năm phẫu thuật chị không cho con đi tái khám. Gần đây, các cơn đau của con lại xuất hiện với tần suất nhiều lên và liên tục, mức độ đau ngày càng dữ dội. Cô bé không thể đi lại được nên chị đã đưa con đến khám tại khoa Chấn thương chỉnh hình, Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn.

Nữ sinh lớp 9 suýt bị tàn tật vĩnh viễn vì căn bệnh tưởng chừng đơn giản - 3
Chênh lệch chiều dài chân của trẻ trước và sau ca mổ.

PGS.TS Dũng cho biết các bác sĩ đắn đo rất nhiều trước lựa chọn có nên thay khớp háng cho trẻ không. Nếu thay khớp háng nhân tạo em mới có hy vọng trở lại được với sinh hoạt, hoạt động hàng ngày. Nếu không phẫu thuật em sẽ buộc phải tháo khớp trở thành cô gái tàn tật vĩnh viễn ngay khi còn ở tuổi vị thành niên.

Ở trẻ em và trẻ dưới tuổi vị thành niên thay khớp háng rất ít khi được thực hiện. Lý do bởi các em còn đang trong độ tuổi phát triển của xương.

Hội chẩn với Đơn nguyên Phẫu thuật khớp háng cũng thuộc khoa Chấn thương Chỉnh hình, các bác sĩ thống nhất phẫu thuật thay khớp háng toàn phần với hy vọng trả lại các hoạt động và sinh hoạt bình thường cho cô bé.

Trẻ được thăm khám lâm sàng lại một lần nữa. Các bác sĩ dựa vào phim chụp cắt lớp vi tính, sử dụng công nghệ thông tin để dựng hình khung chậu ba chiều của bệnh nhân. Mọi chỉ số về kích thước, các góc độ của ổ cối và chỏm xương đùi, độ chênh lệch chiều dài giữa hai bên chân đều được đo tỉ mỉ và chính xác.

Kíp mổ gồm có PGS. TS Trần Trung Dũng, Ths.Bác sĩ nội trú Phạm Trung Hiếu, Trưởng Đơn nguyên Phẫu thuật khớp háng và khung chậu, BS Đào Nguyên Chính, Đơn nguyên Phẫu thuật khớp háng và khung chậu. Ca mổ thành công tốt đẹp sau khoảng một tiếng đồng hồ.

Sau mổ bệnh nhân được nằm theo dõi tại khoa, tập phục hồi chức năng 3 ngày. Hiện tại các cơn đau của em đã không còn, khớp háng có thể vận động hoàn toàn bình thường như bên lành, không còn chênh lệch chiều dài giữa 2 chân.

Cô bé đã có thể đi lại được một quãng đường xa mà không còn ngại ngùng vì có dáng đi khác thường như trước đây.

Khớp háng nhân tạo thường có tuổi thọ trung bình 20-30 năm. Vì thế, khi bệnh nhân đến tuổi trưởng thành thì phẫu thuật thì hai để thay thế một loại khớp nhân tạo khác.

PGS. TS Trần Trung Dũng khuyến cáo các bậc cha mẹ không nên chủ quan khi con mình bị đau dù là nhẹ. Kiểu cơn đau âm ỉ kéo dài hoặc bất kì dấu hiệu bất thường nào của cơ thể cũng có thể là dấu hiệu cảnh báo sớm cho một bệnh lý phức tạp và hoàn toàn ta có thể tránh khỏi nếu can thiệp kịp thời nhất là đối với trẻ em.

Nam Phương