Nữ bệnh nhân bị vỡ túi ngực không triệu chứng sau 10 năm

(Dân trí) - Bệnh viện Đại học Y Dược Huế (TP Huế) cho biết vừa phẫu thuật tháo túi ngực cho một nữ bệnh nhân bị vỡ túi ngực không triệu chứng sau 10 năm không phát hiện.

Bệnh viện Đại học Y Dược Huế vừa tiếp nhận một bệnh nhân nữ (46 tuổi) đã đặt túi ngực được 10 năm không triệu chứng gì đặc biệt. Một tháng nay, bệnh nhân có xuất hiện căng tức kèm nóng vùng vú trái.

Sau khi khám tại bệnh viện thì nữ bệnh nhân tỉnh táo, toàn thân sốt nhẹ, vùng vú trái biến dạng so với bên phải, thể tích vú tăng, mất cân đối, ấn đau. Qua chẩn đoán lâm sàng được đưa ra là theo dõi vỡ túi ngực trái.

Bệnh nhân được làm các xét nghiệm cận lâm sàng cho thấy: Siêu âm phát hiện túi ngực trái biến dạng, có ổ dịch hồi âm giới hạn trong thành ngực trái, MRI: hình ảnh túi ngực trái vỡ, túi ngực gián đoạn, tách thành 3 khoang trong bao xơ, với hình ảnh silicone cả hai mặt nếp gấp, bao xơ khoang đặt túi dày hơn bên phải.

Nữ bệnh nhân bị vỡ túi ngực không triệu chứng sau 10 năm - 1

Các bác sĩ đã chỉ định bệnh nhân phải phẫu thuật lấy túi ngực 2 bên và thay túi mới; tuy nhiên do mong muốn bệnh nhân chỉ tháo túi nên được lên kế hoạch tháo túi, làm sạch và cắt bao xơ hai bên.

ThS. BS. Lê Hồng Phúc, Phó Trưởng khoa Chấn thương Chỉnh hình - Lồng ngực, phụ trách đơn vị Phẫu thuật Tạo hình Thẩm mỹ cùng ê kíp đã tiến hành phẫu thuật đối với cả 2 bên ngực của bệnh nhân.

Sau khi rạch da dưới nếp lằn vú trái, bóc tách các lớp lộ túi ngực. Thấy túi ngực vỡ, silicon chảy ra nhiều, có hiện tượng vách xơ ngăn dịch, silicon xâm nhập vào tổ chức xung quanh. BS Phúc cùng đồng nghiệp đã tiến hành nạo hút sạch gel silicone, lấy túi bị vỡ, đồng thời cắt bỏ bao xơ. Cuối cùng tiến hành súc rửa nhiều lần đến khi sạch, đặt dẫn lưu và đóng da.

Nữ bệnh nhân bị vỡ túi ngực không triệu chứng sau 10 năm - 2

Silicone chảy ra do túi ngực trái vỡ

Vùng vú 2 bên được băng ép chặt sau mổ. Ngày thứ 5 sau mổ thì thay băng và rút dẫn lưu. Sau mổ bệnh nhân tỉnh táo, không sốt, vết mổ khô sạch. Bệnh nhân được cho xuất viện ngày thứ 7 sau mổ với tình trạng hoàn toàn ổn định.

Nữ bệnh nhân bị vỡ túi ngực không triệu chứng sau 10 năm - 3

Túi ngực và bao xơ được lấy ra sau mổ

Được biết, đây là ca đầu tiên tại Huế phẫu thuật vỡ túi ngực không triệu chứng sau 10 năm có kết quả tốt.

Theo chia sẻ của Ths. BS. Lê Hồng Phúc, phụ trách đơn vị Phẫu thuật Tạo hình Thẩm mỹ, Bệnh viện Đại học Y Dược Huế, người trực tiếp thực hiện ca mổ, thì phẫu thuật đặt túi ngực là một phẫu thuật thường quy, an toàn và một trong các phẫu thuật thẩm mỹ phổ biến nhất hiện nay; quan trọng bệnh nhân phải chọn đúng địa chỉ nâng ngực an toàn uy tín và đặc biệt đã được Bộ Y tế chứng nhận là bệnh viện chuyên khoa phẫu thuật nâng ngực làm đẹp.

Bên cạnh đó, người đặt túi ngực phải quan tâm thăm khám định kỳ hàng năm hoặc đến ngay cơ sở y tế nếu có bất thường cho dù là nhỏ nhất. Sau đặt túi ngực nên đi tái khám đặc biêt sau 5 năm, nhất là túi nhám vì có thể có nguy cơ ung thư lympho tế bào khổng lồ sau khi đặt túi nhám 10-15 năm. 

Theo FDA ( Cục Quản Lý Thuốc Và Thực Phẩm Hoa Kỳ), chỉ có 30% các trường hợp vỡ túi ngực được phát hiện trên lâm sàng. Đối với loại túi ngực nước biển, dễ dàng chẩn đoán vỡ túi ngực hơn vì thay đổi về mặt kích thước rõ ràng. Còn túi ngực gel silicone, tiến triển lâm sàng thường thầm lặng, vỡ túi ngực thường chỉ phát hiện qua siêu âm vú và chụp MRI.

Vì vậy, bệnh nhân không được chẩn đoán kịp thời, nên dễ gây biến chứng. FDA khuyến cáo chụp MRI tuyến vú kiểm tra lần thứ nhất trong 3 năm đầu tiên sau đặt túi ngực, và sau đó mỗi 2 năm chụp MRI kiểm một lần, đặc biệt ở các bệnh nhân có biểu hiện căng tức vùng vú.

Đại Dương