Nội soi cắt u gan cho nữ bệnh nhân 39 tuổi mắc ung thư gan

(Dân trí) - Các bác sĩ Bệnh viện Ung Bướu Hà Nội vừa thực hiện thành công ca cắt gan nội soi đầu tiên cho một bệnh nhân nữ 39 tuổi được chẩn đoán ung thư gan.

Đây là một kỹ thuật khó, mới chỉ được triển khai tại một số ít các bệnh viện lớn. 

Bệnh nhân L.T.T.V, 39 tuổi, trú tại Đông Anh, Hà Nội phát hiện có khối u gan kích thước 4 x 5 cm vào năm 2017. Bệnh nhân đã được điều trị bằng phương pháp nút mạch hóa chất và đốt sóng cao tần.

Trong lần kiểm tra sức khỏe mới đây, kích thước khối u đã giảm, còn khoảng 2 cm nhưng vẫn tăng sinh mạch. Vì thế, bệnh nhân được chỉ định cắt u gan.

Bệnh nhân được các bác sĩ tiến hành phẫu thuật bằng phương pháp nội soi nhằm đảm bảo tính thẩm mỹ. 

Nội soi cắt u gan cho nữ bệnh nhân 39 tuổi mắc ung thư gan - 1
Bệnh nhân được phẫu thuật cắt khối u ở gan bằng phương pháp nội soi.

Ca mổ diễn ra trong khoảng hai giờ đồng hồ. Ekip phẫu thuật đã cắt gọn khối u gan ở hạ phân thùy IV, V. Bệnh nhân không phải truyền máu trong và sau phẫu thuật.

Sức khỏe của bệnh nhân hồi phục nhanh chóng. Một ngày sau mổ, bệnh nhân đã có thể tự ngồi dậy, đi lại, ăn uống và được xuất viện sau 7 ngày. 

BSCKII. Lê Văn Thành, Trưởng Khoa Ngoại Tổng hợp cho biết, phẫu thuật nội soi ung thư gan là một kỹ thuật khó chỉ được thực hiện ở các trung tâm phẫu thuật lớn, đòi hỏi phẫu thuật viên phải là người có nhiều kinh nghiệm, cũng như sự hỗ trợ của các trang thiết bị chuyên sâu. Đặc biệt, phẫu thuật nội soi đem lại nhiều lợi ích cho người bệnh. Các vết mổ trên thành bụng nhỏ nên ít đau sau mổ, thời gian hồi phục sớm, tính thẩm mỹ cao. Tuy nhiên, để được điều trị hiệu quả, người bệnh cần được phát hiện bệnh ở giai đoạn sớm qua tầm soát ung thư gan.

Bác sĩ Thành cũng khuyến cáo, những người bệnh đã được phát hiện ung thư gan cần phải tuân thủ chế độ theo dõi để phát hiện kịp thời nếu ung thư tái phát, từ đó có kế hoạch điều trị bổ sung tối ưu.

Sau thành công của ca cắt gan nội soi đầu tiên, Bệnh viện Ung Bướu Hà Nội sẽ đưa kỹ thuật này vào thực hiện thường quy giúp bệnh nhân có thêm lựa chọn điều trị, đồng thời phát triển lĩnh vực ngoại khoa ung thư tại bệnh viện. 

Tại Việt Nam, tỉ lệ mắc ung thư gan tăng rất nhanh trong vòng 20 năm qua. Năm 2000, số ca mắc mới ung thư gan tại nước ta chỉ có 5.700 ca, sau đó tăng lên 9.400 ca năm 2010. Đến năm 2018, số ca mắc mới đã tăng lên trên 25.000 ca, xếp vị trí thứ 4/185 quốc gia, vùng lãnh thổ, trong đó riêng nam giới chiếm hơn 19.500 ca.

Sau nhiều năm đứng ở vị trí thứ 2, hiện ung thư gan đã vượt qua ung thư phổi, vươn lên vị trí số 1 về tỉ lệ mắc mới.

Hiện nay, đa số bệnh nhân ung thư gan đến khám khi đã muộn, thời gian sống trung bình không quá một năm. 60% đến viện khi đã ở giai đoạn trung gian và tiến triển, tỷ lệ được phát hiện sớm rất thấp.

Hầu hết những người mắc ung thư gan đều bị bệnh gan mạn tính (tổn thương gan lâu dài gọi là xơ gan), gây sẹo xơ ở gan và làm tăng nguy cơ ung thư gan. Điều kiện gây xơ gan là viêm gan B, viêm gan C, nghiện rượu, nhiễm độc tố aflatoxin do nấm mốc…

Vì thế, bác sĩ khuyến cáo khi phát hiện mắc viêm gan B, C, xơ gan cần đến viện điều trị không nên tự điều trị tại nhà bằng phương pháp dân gian sẽ vô tình làm bệnh nặng hơn và không còn khả năng điều trị.

Nam Phương