Nỗi khổ của các ông chồng đi "tập bắn"

Lấy nhau vài năm, họ vẫn chưa có tin vui. Nhiều người bắt đầu đi kiểm tra chất lượng tinh binh, nhưng khi vào phòng “tập bắn”, nhuệ khí của các xạ thủ đều tiêu tan.

Hai giờ chiều một ngày đầu tháng Sáu, tại phòng khám Nam khoa thuộc một bệnh viện phụ sản của TP HCM, khoảng 5 - 7 người đàn ông đi qua đi lại trước khu vực kiểm tra tinh binh. Có người dựa lưng vào tường, mắt ngước nhìn trần nhà. Người thì cúi đầu, di di giầy xuống sàn nhà. Tất cả đều có vẻ lo lắng.

 

Một góc bên kia căn phòng, hai vợ chồng nọ đang rù rì: “Hay là về em ơi, bữa sau lên cũng được. Giờ đông quá, vô đó kỳ lắm”. “Kỳ gì mà kỳ, bữa sau là bữa nào? Khám sớm ngày nào tốt ngày đó chứ!”. Đó là phút đối thoại của chị Ngọc Hoa, 32 tuổi và chồng mình quê An Giang. Cưới nhau đã năm năm, trải qua bao lần khám ở bệnh viện địa phương, vợ chồng chị vẫn chưa có tin vui.

 

Hôm trước, chị Hoa đi khám tại bệnh viện Từ Dũ, kết quả bình thường. Thế là bác sĩ yêu cầu chồng chị đến kiểm tra. “Nhưng ổng ngại, tui nói năm lần bảy lượt ổng mới chịu đi”, chị Hoa vừa tâm sự vừa liếc ngang như sợ chồng trông thấy. Lúc đó, anh Bùi Hiền, chồng chị đang ngó đăm đăm vào hai cánh cửa mang chữ A, B đóng im lìm. Anh đang chờ bác sĩ gọi tên mình vào “tập bắn”.

 

Chưa đầy mười phút, cô y tá gọi anh Hiền vào, đưa cho cái lọ nhựa có nắp đỏ bằng hũ sữa chua. Cô chỉ tay về phía cánh cửa phòng A: “Anh đi vào đó nhé”.

 

Khi anh Hiền từ từ mở cánh cửa phòng A. Trong phòng treo một bức tranh nam nữ gợi tình, để kích “đạn” của người đi “bắn”. Phía dưới chân là chiếc ghế dài đã quá cũ. Sàn phòng có vẻ sạch nhưng tường đều đã ngả sang màu ố vàng.

 

Căn phòng chỉ vừa đủ cho một người “hành sự”, vì thế khá nhiều người chờ đợi bên ngoài. Cửa phòng anh Hiền vừa đóng thì một thanh niên cao to, vạm vỡ ở phòng B bước ra. Gương mặt anh ta không chút thần khí.

 

Đến bên cô y ta, anh rụt rè: “Nó không ra chị ơi”. Cô y tá nhìn anh ta tỏ ý thông cảm rồi đưa cho anh cái hũ nhỏ: “Anh về nhà lấy ra rồi mang nhanh đến đây, nhớ là chỉ trong vòng 30 phút thôi”.

 

Người đàn ông không "xuất" nổi đó tên là Minh Tâm, 32 tuổi ngụ ở quận 7, TP HCM là thầy giáo dạy thể dục. Anh kết hôn đã hai năm, nhưng đường con cái vẫn bặt vô âm tín.

 

“Theo lời động viên của vợ và cũng vì thương vợ, tôi quyết định đi kiểm tra. Đây là lần thứ hai, lần thứ nhất lấy không được, bác sĩ bảo về nhà lấy tôi ngại quá, chuồn luôn. Lần này cũng không được, chắc phải về nhà nhờ vợ”, nói xong, xem chừng đợi bác sĩ lâu quá, anh ra về luôn.

 

Cánh cửa phòng B lại một lần nữa mở ra, một đôi vợ chồng cùng bước vào. Mười phút sau hai người cùng trở ra, người vợ nhanh tay đưa cho y tá cái hũ nhựa đựng ít chất dịch trắng đục. Anh chồng ngại ngùng, bỏ đi thật nhanh với câu nói: “Anh ra kia uống cà phê, em đợi lấy kết quả rồi gọi cho anh”.

 

Đó là vợ chồng chị Mai Ngọc, nhà ở tận Bình Phước. Chị khuyên nhủ mãi, chồng chị mới chịu đi khám.

 

Hôm trước, anh đi một mình, nhưng không lấy được nên giờ chị phải đi theo hỗ trợ. “Mà cái phòng khám nó có mùi chi khó chịu lắm. Chắc do nhiều người vào “bắn” quá nên hộ lý chưa kịp dọn vệ sinh. Tui cố gắng mãi ổng mới ra được”, chị Ngọc chia sẻ mà hai gò má cứ chực ửng đỏ lên.

 

Cũng trong tình cảnh tương tự là vợ chồng anh Thắng, chị Hoa, sống tại Hà Nội. Sốt ruột vì đi đâu cũng “bị” hỏi thăm, anh quyết định lên mạng tìm địa chỉ.

 

Vào mạng, anh thấy vô số trung tâm tư vấn và xét nghiệm nam học. “Trung tâm tư nhân chắc dịch vụ sẽ tốt, máy móc hiện đại, quan trọng là ít người ra vào. Đến bệnh viện công, nhỡ gặp người quen thì ngượng lắm”, nghĩ vậy, anh tìm đến một trung tâm khá nổi tiếng ở quận Cầu Giấy, Hà Nội.

 

Đó là tòa nhà bốn tầng, ngay cửa có tấm biển ghi tên các đề tài nghiên cứu, tên sách chuyên ngành mà tác giả là những bác sĩ, giáo sư tên tuổi.

 

Đúng là dịch vụ tư nên việc tiếp đón, hỏi han cũng ân cần, chu đáo hơn hẳn. Sau khi siêu âm, khám nội, xét nghiệm hormone y tá đưa cho anh một lọ để lấy tinh dịch.

 

Theo tay chỉ của người hướng dẫn, anh tìm đến căn phòng rộng chừng 15m2. Một cặp vợ chồng bước ra, mặt mũi có vẻ căng thẳng. Anh Thắng tiếp quản căn phòng trong tâm trạng bồn chồn. Nhìn vào tấm drap nhầu nhĩ, ố bẩn, anh rùng mình, bao nhiêu dũng khí đàn ông bỗng bay đi hết.

 

Trong phòng không có bất cứ thứ gì như sách báo, phim ảnh để kích hoạt cho “xạ thủ”. Hì hục hơn tiếng đồng hồ trong tình trạng không đối tác, anh đành bất lực điện thoại cho vợ: “Em đến ngay đây, thuê một phòng nghỉ ở bên cạnh trung tâm đi”.

 

Ngày hôm sau, anh Thắng nhận được kết quả xét nghiệm, nhưng để chắc ăn, anh lại tìm đến một phòng xét nghiệm của một trường đại học ở Hà Nội. Rút kinh nghiệm, lần này anh rủ vợ đi cùng.

 

Sau khi nộp phí 50.000 đồng xét nghiệm tinh dịch, người ta chỉ vợ chồng anh đến một phòng nhỏ ở cuối hàng lang.

 

Thế nhưng vừa đóng cửa, chị Hoa đã bịt mũi, kêu ầm lên. Căn phòng không khác gì một nhà vệ sinh, thậm chí còn tệ hơn vì chẳng có bồn rửa tay, bồn cầu hay sọt rác. Một mùi khai nồng nặc bốc lên, giấy vệ sinh của những người đến trước vứt bừa bãi. Đồ đạc duy nhất trong phòng là chiếc ghế nhựa và cây mắc áo.

 

Tôi gặp anh Lê Nam, 36 tuổi nhà ở Thủ Đức, tại phòng khám Nam khoa Bệnh viện Bình Dân, TP HCM. “Sau sáu lần đi lấy tinh dịch rồi mang đến phòng khám trên đường Vĩnh Viễn, mỗi lần mất 200.000 nghìn tiền phí, các bác sĩ ở đó khăng khăng khẳng định tôi bị yếu tinh. Bản thân đã khổ, lại thẹn với gia đình và vợ, tôi như muốn chui xuống đất”, anh Nam tâm sự trong lúc đợi bác sĩ gọi vào.

 

Nghe lời khuyên của nhiều người, anh đến kiểm tra tại Bệnh viện Bình Dân. Kết quả “đạn” của anh vẫn khá tốt.

 

Có sự khác biệt là do lần trước anh mang sản phẩm chạy từ Thủ Đức lên quận 10 với chặng đường khá xa, cách bảo quản không tốt nên một số tinh trùng đã chết trên đường đi. Việc bảo quản tinh trùng cho bệnh nhân không dễ. Nếu để trong nhiệt độ môi trường quá cao hoặc quá thấp tính di động của tinh trùng sẽ mất đi, dẫn đến sai lệch kết quả khi chẩn đoán.

 

Cũng trong một buổi chiều có mặt tại khoa Hiếm muộn của bệnh viện Từ Dũ, thấy nhiều cặp vợ chồng rụt rè bước đến quầy tiếp bệnh. Họ gửi những hũ nhựa chứa tinh binh rồi ra về, chờ đợi kết quả trong lo lắng. Liệu những hũ nhựa ấy có đủ an toàn cho chu kỳ sống của tinh binh?

 

Phòng khám bẩn, nhỏ, chứa nhiều bệnh nhân không chỉ gây ức chế cho những ai muốn khám mà còn sinh bệnh cho họ. Sự dơ bẩn có thể đẩy họ đến các bệnh như giang mai, nhiễm trùng đường tiết niệu... và làm mất hy vọng sinh con.

 

Theo tiêu chuẩn của tổ chức Y học thế giới (WHO), trước khi kiểm tra tinh dịch, người trong cuộc cần kiêng quan hệ 3-5 ngày. Thời gian lấy tinh dịch trước lúc xét nghiệm 60 phút. Chỉ có thể xét nghiệm và cho kết quả chuẩn xác khi tinh dịch trên 2ml.

 

Những cặp vợ chồng hiếm muộn nên tìm cho mình một bác sĩ tin tưởng để tư vấn. Bạn không nên chọn các phòng khám vô danh, không được cấp giấy chứng nhận của sở Y tế hay Bộ Y tế. Đi khám ở những nơi này, bạn vừa mất tiền vừa ảnh hưởng tới sức khỏe.

 

Theo Tiếp thị gia đình