Ninh Bình tạm thời khống chế được dịch tả lợn châu Phi

(Dân trí) - Sau hơn 10 ngày xuất hiện dịch tả lợn châu Phi trên địa bàn, đến nay tỉnh Ninh Bình đã tạm thời khống chế được dịch bệnh, không xuất hiện thêm ổ dịch mới.

Ngày 19/3, Thứ trưởng Bộ Công thương Đặng Hoàng An cùng đoàn công tác của Bộ Công thương đã về làm việc với tỉnh Ninh Bình, triển khai, phối hợp thực hiện các biện pháp phòng, chống và ngăn chặn dịch tả lợn châu Phi trên địa bàn tỉnh Ninh Bình.

thứ trưởng bộ công thương.JPG

Thứ trưởng Bộ Công thương Đặng Hoàng An (bìa phải) kiểm tra công tác phòng chống dịch tả lợn châu Phi tại Ninh Bình.

Theo báo cáo của tỉnh Ninh Bình, ngày 8/3 tại xã Ninh Khang, huyện Hoa Lư xuất hiện dịch tả lợn châu Phi trên đàn lợn gần 60 con tại trại nuôi của một hộ dân. UBND tỉnh Ninh Bình nhanh chóng chỉ đạo các ngành chức năng, UBND huyện Hoa Lư triển khai quyết liệt các biện pháp khoanh vùng, khống chế, nhanh chóng dập dịch, tiêu hủy toàn bộ đàn lợn nơi phát hiện ổ dịch.

Trước khi xuất hiện ổ dịch trên, thực hiện chỉ đạo, UBND tỉnh Ninh Bình đã triển khai các giải pháp theo hướng dẫn của Trung ương và chỉ đạo của Chính phủ. Hiện nay, toàn tỉnh có 18 chốt kiểm dịch động vật hoạt động 24/24 giờ tất cả các ngày trong tuần, trong đó có 3 chốt do UBND tỉnh thành lập, 11 chốt do UBND huyện thành lập và 4 chốt kiểm dịch cấp xã.

Sau khi lắng nghe báo cáo, Thứ trưởng Bộ Công thương đánh giá cao công tác phòng và chống dịch tả lợn châu Phi của tỉnh Ninh Bình. Vì thế, đến nay sau 10 ngày phát hiện một ổ dịch, tại Ninh Bình không xuất hiện ổ dịch mới. Đây là những kết quả rõ ràng nhất trong các biện pháp phòng, chống, khoanh vùng dập dịch trên địa bàn.

nuôi lợn.jpg

Dịch tả lợn châu Phi đã làm ảnh hưởng lớn đến người chăn nuôi tại Ninh Bình nói riêng và cả nước nói chung (ảnh: MĐ)

Thứ trưởng Đặng Hoàng An lưu ý tỉnh Ninh Bình, không được chủ quan, lơ là trong công tác phòng, chống dịch; kiểm soát chặt chẽ việc giết mổ lợn, các sản phẩm từ lợn; đồng thời tiếp tục thông tin tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng để bà con hiểu đúng, hiểu rõ về bệnh dịch tả lợn châu Phi, từ cơ chế nhiễm bệnh, cơ chế lây truyền...

Ninh Bình phải kiểm soát chặt chẽ khâu vận chuyển lợn và các sản phẩm từ lợn, bởi địa phương có hệ thống giao thông tương đối đa dạng với nhiều tuyến quốc lộ, tỉnh lộ, còn có cả hệ thống giao thông đường thủy phong phú; tăng cường các biện pháp kiểm tra, xử lý mạnh tay các trường hợp vi phạm về tiêu thụ lợn ốm, lợn chết, nhất là trong thời điểm này để có sức răn đe.

Tại buổi làm việc, Thứ trưởng Bộ Công thương giao các đơn vị trực thuộc Bộ, đặc biệt là Tổng cục Quản lý thị trường tiếp tục chỉ đạo lực lượng Quản lý thị trường các địa phương tham gia ban chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh tả lợn châu Phi tại các địa phương; tăng cường phối hợp giữa lực lượng quản lý thị trường các tỉnh lân cận với nhau; tăng cường nắm bắt thông tin từ cơ sở về những thông tin lợn ốm, lợn chết... Mặt khác theo dõi, nắm bắt cung cầu thị trường thịt lợn để có các giải pháp đẩy mạnh sức tiêu thụ thịt lợn trên địa bàn.

Được biết, hiện nay tỉnh Ninh Bình có 347.000 con lợn, trong đó 30% được nuôi trong các trang trại lớn, số còn lại được nuôi nhỏ lẻ tại các gia trại và hộ chăn nuôi. Giá thịt lợn hơi trên thị trường Ninh Bình đã bị giảm đáng kể từ khi xuất hiện ổ dịch, ảnh hưởng lớn đến người chăn nuôi trên địa bàn.

Thái Bá