Những u não dễ tái phát nhất sau mổ

(Dân trí) - PGS.TS Đồng Văn Hệ, Giám đốc Trung tâm Phẫu thuật thần kinh, Bệnh viện Việt Đức, cho biết, mỗi năm có hơn 6.000 ca mổ các loại u nằm trong sọ tại bệnh viện nhằm cứu sống người bệnh, giảm tỷ lệ biến chứng, di chứng và tỷ lệ tái phát của khối u. Tuy nhiên, đây là công việc rất khó khăn, đỏi hỏi phải có nhiều trang thiết bị trợ giúp.


PGS.TS Đồng Văn Hệ cho biết trang thiết bị trợ giúp đóng vai trò quan trọng trong phẫu thuật thần kinh

PGS.TS Đồng Văn Hệ cho biết trang thiết bị trợ giúp đóng vai trò quan trọng trong phẫu thuật thần kinh

Chia sẻ tại Hội Thảo Cập nhật ứng dụng cộng hưởng từ trong phòng mổ cho phẫu thuật thần kinh ngày 26/6, PGS. Đồng Văn Hệ cho biết: Hiện nước ta chưa có số liệu thống kê về các trường hợp u não nhưng nếu tính theo tỉ lệ u não của Mỹ, ước tính Việt Nam có khoảng 12 000-15.000 ca u não mỗi năm.

Riêng tại Việt Đức, mỗi năm bệnh viện nhận khám, điều trị và phẫu thuật gần 4.000 ca u não, trong đó khoảng 2.000 ca u tế bào thần kinh đệm.

Tuy nhiên, tỉ lệ khối u tái phát khá cao, nhất là khối u u tế bào thần kinh đệm, u tuyến yên.

PGS. TS Đồng Văn Hệ chỉ ra, một trong những nguyên nhân của tình trạng trên là: một số loại u não rất giống với tổ chức não lành (như u tế bào thần kinh đệm) nên khó xác định ranh giới khối u. Hay sau khi cắt một phần khối u, sự di lệch các cấu trúc não sẽ làm thay đổi vị trí phần u còn lại. Điều này khiến việc cắt bỏ hoàn toàn khối u không đơn giản.

Riêng đối với khối u tuyến yên, phân biệt giữa khối u và tuyến yên lành rất khó khăn, nhất là với khối u tuyến yên lớn. Nếu bỏ sót 0,5mm khối u tuyến yên, người bệnh không khỏi bệnh, mọi triệu chứng có thể như cũ (nhất là với khối u tuyến yên tăng tiết) và khối u có thể tái phát rất nhanh.

Chụp cộng hưởng từ sọ não ngay trong khi mổ sẽ giúp bác sỹ xác định rõ khối u não và ranh giới khối u, giúp cắt bỏ hoàn toàn khối u và giúp giảm tỷ lệ biến chứng, di chứng sau phẫu thuật.

Lặp đặt máy cộng hưởng từ trong mổ với phòng mổ tích hợp, phòng mổ hiện đại là một bước tiến quan trọng trong phẫu thuật thần kinh. Do đó, Bệnh viện Việt Đức đang nghiên cứu triển khai kỹ thuật này trong thời gian tới nhằm giúp điều trị cho hàng ngàn bệnh nhân u não nói riêng và bệnh lý thần kinh nói chung.

Trần Phương