Những quan điểm sai lầm trong tầm soát bệnh ung bướu

(Dân trí) - Tầm soát ung thư có vai trò quan trọng trong việc phát hiện bệnh sớm để kịp thời điều trị. Tuy nhiên, một số phương pháp tầm soát ung thư hiện nay không có vai trò tầm soát.

Theo thống kê của Viện Nghiên cứu ung thư quốc gia, năm 2018, Việt Nam có thêm trên 164.000 người mắc ung thư và trên 114.000 người tử vong do ung thư. Phần lớn bệnh ung thư đều có thể chữa khỏi nếu phát hiện sớm, điều trị kịp thời và đúng phương pháp. Tuy nhiên, hầu hết người bệnh ung thư ở Việt Nam khám và điều trị ở giai đoạn muộn, tỷ lệ sống thấp. Do đó, việc phát hiện sớm bệnh là điều rất quan trọng. Đó chính là vai trò của tầm soát ung thư.

Những quan điểm sai lầm trong tầm soát bệnh ung bướu - 1

Mỗi loại ung thư có phương pháp tầm soát riêng biệt

BS.CK2. Nguyễn Hữu Hòa cho biết, tầm soát ung thư là phát hiện ung thư ở giai đoạn rất sớm, khi chưa có biểu hiện của bệnh. Còn đợi có dấu hiệu mới tầm soát là sai lầm. Và không phải bệnh ung thư nào cũng cần đi tầm soát mà chủ yếu là tầm soát những bệnh phổ biến và giảm tỉ lệ tử vong nhờ tầm soát.

BS.CK2. Nguyễn Hữu Hòa đã chỉ ra những phương pháp tầm soát ung thư sai lầm hiện nay:

Xét nghiệm máu đơn thuần không tầm soát ung thư

Theo Viện Sinh hóa Lâm sàng Mỹ, Hội Dấu hiệu sinh học bướu châu Âu và nhiều tổ chức ung thư trên thế giới, hiện nay, hầu như không có một xét nghiệm dấu ấn bướu đơn độc nào trong máu có giá trị trong tầm soát ung thư cho mọi đối tượng.

Các xét nghiệm máu (dấu ấn bướu) có vai trò hỗ trợ chẩn đoán, tiên lượng và theo dõi điều trị. Chỉ có 2 xét nghiệm máu được dùng để tầm soát ung thư: Alphafetoprotein (AFP) trong tầm soát ung thư gan nhưng phải kết hợp với siêu âm gan, PSA đơn thuần trong tầm soát ung thư tiền liệt tuyến hoặc kết hợp với siêu âm tiền liệt tuyến. Đến nay, hầu như không có xét nghiệm máu đơn thuần nào được dùng để tầm soát ung thư.

“Trong khám sức khỏe tổng quát, chúng ta thường làm các xét nghiệm máu như CA15-3 tầm soát ung thư vú, CA125 tầm soát ung thư buồng trứng, CEA tầm soát ung thư đại tràng - trực tràng, AFP tầm soát ung thư gan… cho mọi đối tượng là không chính xác. Thật sự các xét nghiệm này không có vai trò tầm soát như vậy”, bác sĩ chuyên khoa 2 Nguyễn Hữu Hòa nói.

Xét nghiệm gene

Xét nghiệm gene ung thư di truyền không có vai trò trong tầm soát ung thư. Xét nghiệm gene đột biến di truyền chỉ phát hiện nguyên nhân gây ung thư di truyền, chứ không cho biết bạn có đang mắc ung thư ở giai đoạn sớm hay không.

Xét nghiệm gene dương tính không có nghĩa là bạn đang hay chắc chắn sẽ bị ung thư, mà là khả năng bạn mắc bệnh ung thư cao hơn người khác. Khi đó, bạn cần tầm soát chặt chẽ và cần tuân thủ nghiêm ngặt các biện pháp giảm nguy cơ ung thư.

“Tóm lại, mỗi loại ung thư có phương pháp tầm soát riêng biệt, xét nghiệm dấu ấn bướu đơn độc và xét nghiệm gen di truyền không có giá trị tầm soát ung thư”, BS.CK2. Nguyễn Hữu Hòa nhấn mạnh.

Để phòng ngừa ung thư, mỗi người cần có chế độ sinh hoạt, ăn uống lành lạnh. Không nên uống rượu bia, hút thuốc, ăn nhiều thịt đỏ. Người dân nên ăn nhiều rau xanh, trái cây và duy trì chế độ vận động, thể dục thể thao phù hợp.

Bên cạnh đó, cần đi khám sức khoẻ định kỳ để kịp thời phát hiện sớm các dấu hiệu nguy cơ bệnh lý thông thường cũng như ung thư.

Khánh Hồng