Những hệ luỵ từ việc gần 60% gia đình Việt dùng rượu bia thường xuyên

(Dân trí) - Với con số 57,72% gia đình Việt Nam thường dùng rượu bia, tỷ lệ tiêu thụ bia rượu tại Việt Nam ngày càng tăng lên. Nếu như năm 2005 mức tiêu thụ cồn bình quân đầu người của người trưởng thành Việt Nam ở mức 3,8 lít/người thì con số này tăng lên gần gấp đôi, 6,6 lít/người chỉ năm sau.

Thêm tiền bia rượu, cắt giảm tiền sữa!

Tại buổi tạo đàm “Tác hại của rượu, bia và giải pháp” do Hội Nhà báo Việt Nam phối hợp với HealthBridge Canada tổ chức chiều 19/10, bà Hoàng Anh, Giám đốc HealthBridge Canada cho biết, theo thống kê mỗi năm người Việt Nam tiêu thụ hơn 3 tỉ lít bia và gần 68 triệu lít rượu. Chi phí cho việc uống rượu, bia của người Việt Nam khoảng 3 tỉ USD/năm. Trong khi mức tiêu thu rượu bia trên phạm vi toàn cầu suốt cả thập kỷ qua hầu như không thay đổi thì tại Việt Nam con số này liên tục gia tăng, đặc biệt ở nhóm trẻ vị thành niên, thanh niên.

Trên một nửa gia đình Việt thường xuyên sử dụng rượu bia. Ảnh minh họa.
Trên một nửa gia đình Việt thường xuyên sử dụng rượu bia. Ảnh minh họa.

Bà Hoàng Anh cũng công bố nghiên cứu ảnh hưởng của rượu bia đến đói nghèo và đặc điểm của các gia đình sử dụng rượu bia thường xuyên tại Việt Nam, dựa trên nghiên cứu phân tích số liệu điều tra mức sống hộ gia đình Việt Nam năm 2010. Theo đó, đến 57,72% hộ  gia đình Việt thường xuyên dùng rượu bia và càng những hộ gia đình giàu có, có học vấn cao tiêu dùng rượu bia càng nhiều hơn. Họ coi rượu bia là danh sách chi cho thực phẩm thường xuyên chứ không chỉ trong các dịp lễ, tết.

Ở các gia đình sống dưới ngưỡng nghèo, số tiền chi cho rượu bia tương đương 146 cốc bia rượu/năm, trong khi số tiền mua sữa cho trẻ em ở các gia đình này chưa đủ mua một cốc sữa tươi/năm.

“Trong khi đó, số tiền mua rượu bia của các gia đình này nếu được dùng mua sữa thì trẻ em sẽ được uống khoảng 122 cốc sữa/năm thay vì chưa đầy 1 cốc/năm như hiện nay”, bà Hoàng Anh nói.

Theo Viện chiến lược và chính sách y tế, rượu bia là yếu tố nguy cơ thứ 4 trong 8 yếu tố nguy cơ lớn nhất đối với gánh nặng bệnh tật ở Việt Nam.

Một nghiên cứu của Tổ chức Y tế thế giới tại Việt Nam giai đoạn 2010 cho thấy, đến gần 67% người lái xe ô tô và 36% người đi xe máy nhập viện vì chấn thương giao thông có nồng độ cồn cao hơn mức cho phép. 1/5 các trường hợp tử vong do tai nạn giao thông ở Việt Nam có nguyên nhân từ rượi bia.

Ngoài ra, rượu bia cũng là nguyên nhân lớn nhất gây ra trên 33% các vụ bạo lực gia đình ở Việt Nam. Người say rượu bia cũng dễ dàng xúc phạm, lăng mạ, mắng chửi trẻ em; bỏ mặc chăm sóc trẻ, thậm chí đánh đập, gây đau đớn về thể xác...

WHO cũng cho biết rượu bia là 1 trong 10 nguyên nhân gây tử vong hàng đầu trên thế giới, trong đó gây ra 20% ca tai nạn giao thông, 50% ca tử vong do xơ gan... Nguyên nhân là do rượu bia tác động độc hại lên tế bào và các cơ quan của cơ thể, gây bệnh về tâm thần, xơ gan, ung thư, tim mạch, đái tháo đường...

Tăng mạnh thuế để giảm tiêu dùng

Để giảm tiêu dùng rượu bia tại Việt Nam, TS Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương đề xuất tăng mạnh thuế của mặt hàng này để giảm tiêu dùng.

Ông Doanh cho rằng Chính phủ cần quy định chặt chẽ việc dùng tiền ngân sách cho chiêu đãi, rượu bia, nghiêm cấm dùng rượu mạnh trong chi ngân sách. Đồng thời, tăng mạnh thuế tiêu thụ đặc biệt vào rượu, bia, tăng giá bán và cấm quảng cáo các sản phẩm này trên truyền hình.

Theo bà Trần Thị Trang, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Y tế), tại Việt Nam vẫn có những khoảng trống pháp luật về phóng, chống tác hại của rượu bia; khoảng trống pháp luật trong quản lý sản xuất, kinh doanh rượu bia, trong quảng cáo, khuyến mại, tài trợ... Trong khi đó, những khoảng trống này khiến việc quản lý rượu bia còn rất nhiều khó khăn. Vì thế, Bộ Y tế đề xuất xây dựng Luật phòng, chống tác hại của rượu bia nhằm khắc phục những tồn tại, hạn chế của hệ thống pháp luật có liên quan, tạo cơ sở pháp lý quan trọng cho các hoạt động phòng, chống tác hại của rượu bia.

Thông qua buổi tọa đàm, Hội Nhà báo Việt Nam đã phát động cuộc thi viết báo về phòng chống tác hại của rượu, bia nhằm mục đích tăng cường công tác truyền thông về lĩnh vực này, từ đó nâng cao nhận thức của nhân dân, các cấp chính quyền về phòng chống tác hại rượu bia.

Hồng Hải