Những điều cần biết về chứng đau cơ “phát triển” ở trẻ

(Dân trí) - Đau cơ phát triển là một trong những nguyên nhân gây đau tái phát phổ biến nhất ở trẻ em từ 3 đến 12 tuổi. Gần 40% trẻ 4-5 tuổi mắc chứng đau cơ này.

Cơn đau thường xuất hiện ở bắp chân hoặc cơ đùi cả hai chân vào ban đêm và dừng lại khi trời hừng sáng. May mắn, đây là chứng đau cơ năng và thường hết hẳn khi trẻ trưởng thành.

Những điều cần biết về chứng đau cơ “phát triển” ở trẻ - 1
Tổng quan

Theo Wikipedia, thuật ngữ "đau cơ phát triển" được bác sĩ Marcel Duchamp, Pháp, mô tả lần đầu tiên vào năm 1823 (gần 200 năm) để chỉ những cơn đau về đêm ở hai bên chân trẻ em trong thời thơ ấu. Vì thế, một số tác giả đề xuất các thuật ngữ thay thế khác để mô tả chính xác hơn, như đau chi tái phát thời thơ ấu, đau kịch phát ban đêm, đau kịch phát vô căn lành tính thời thơ ấu…

Thống kê cho thấy, đau cơ phát triển có tần suất mắc bệnh khoảng 10 đến 20% trẻ em và tỷ lệ này tăng cao nhất đến 40% ở trẻ em 4 đến 6 tuổi.

Đau cơ phát triển thường là cơn đau hoặc nhói ở phía trước đùi, bắp chân hoặc sau đầu gối. Cơn đau thường xảy ra ban đêm, tăng dần và có xu hướng lan cả hai chân làm đứa trẻ bị đánh thức khỏi giấc ngủ. Trong cơn đau, một số trẻ có thể kèm đau bụng hoặc đau đầu. Cơn đau xảy ra bất chợt, không xảy ra hàng ngày.

Các biểu hiện

Vị trí đau thường ở cả hai chân, đặc biệt là cơ bắp chân ở chân dưới hoặc các cơ ở phía trước đùi. Ít phổ biến hơn, đau ở cơ cánh tay, và tại các khớp.

Thời gian đau thường bắt đầu vào chiều tối hoặc ban đêm. Vì cơn đau cơ thường xuất hiện khi trẻ đang ngủ, khiến chúng phải thức giấc giữa đêm.

Mức độ đau có thể từ nhẹ đến nặng, thường kéo dài trong 30 phút đến 2 giờ, và thường chấm dứt vào buổi sáng. Các cơn đau xuất hiện một hoặc hai lần mỗi tuần, nhưng có thể bất chợt “đến rồi đi”.

Nguyên nhân, cơ chế và nguy cơ

Các chuyên gia chưa tìm thấy rõ nguyên nhân và cơ chế sinh bệnh của hộ chứng đau cơ phát triển. Nhiều giả thuyết về sinh lý bệnh được đưa ra gồm: (1) Tư thế xấu, khuyết tật cơ học hay giải phẫu khác như khớp tăng động (joint hypermobility), bàn chân bẹt (flat feet); (2) Rối loạn vận mạch và tưới máu; (3) Ngưỡng đau thấp (low pain threshold) hoặc hội chứng khuếch đại cơn đau (pain amplification syndrome); (4) Mệt mỏi do vận động quá mức, như chạy, nhảy, leo trèo quá mức sẽ ảnh hưởng lên hệ thống cơ xương khớp của trẻ; và (5) Các yếu tố tâm thần kinh, như stress tâm lý gia đình.

Đau cơ phát triển phổ biến ở trẻ tuổi mẫu giáo và tuổi đi học. Bé gái có tỷ lệ mắc bệnh nhiều hơn trẻ trai. Trẻ hiếu động, chạy, nhảy, leo trèo nhiều vào ban ngày có khả năng đau chân vào ban đêm nhiều hơn.

Những căn bệnh có đau cơ tương tự

  Các bệnh lý có thể gây đau tương tự gồm:

 * Chấn thương: đau khu trú, xảy ra sau tai nạn, bị đánh đập, xâm hại...

 * Bệnh Osgood-Schlatter và Runner’s knee: Osgood-Schlatter là một bệnh viêm với vết sưng đau ngay dưới đầu gối nơi gân từ xương bánh chè bám vào xương chày. Bệnh thường gặp ở các vận động viên nam thanh thiếu niên. Tương tự, Runner’s knee thường gặp ở vận động viên nữ.

* Viêm khớp tự phát vị thành niên với các triệu chứng như đau, sưng khớp; khớp ấm; sốt; phát ban; căng cứng; sưng hạch bạch huyết.

* Sốt thấp (rheumatic fever): bệnh viêm khớp tự miễn sau nhiễm liên cầu tan máu nhóm A, với viêm khớp, không đối xứng, di chuyển, có xét nghiệm ASLO dương tính, có PQ trên điện tâm đồ kéo dài…

* Hội chứng đau cơ xơ hóa (fibromyalgia syndrome) là một rối loạn mãn tính, liên quan đến đau lan rộng ở các cơ, xương và mệt mỏi nói chung.

* Ung thư xương (osteosarcoma)

* Hội chứng chân không yên (restless leg syndrome RLS) tình trạng thôi thúc di chuyển chân không kiểm soát, thường do cảm giác khó chịu. Bệnh thường xảy ra vào chiều tối hoặc ban đêm, khi ngồi hoặc nằm, và có thể dịu tạm thời bằng cách di chuyển.

* Tăng động (hypermobility), các khớp xương di chuyển vượt ra ngoài phạm vi bình thường, “khớp đôi” (double-jointed), khiến cơ co cứng và khớp rất đau.

* Thiếu vitamin D có thể làm co rút cân cơ gây đau đứa trẻ.

Chẩn đoán và điều trị

Thông thường, để chẩn đoán, bác sĩ điều trị chỉ cần hỏi kỹ tiền sử bệnh nhân và khám thực thể toàn diện, mà không cần thêm các thủ thuật, thăm dò hay xét nghiệm. Tuy nhiên, để có một chẩn đoán thật chính xác và an toàn, cần phải có chẩn đoán phân biệt để loại trừ các bệnh lý có dấu hiệu đau cơ tương tự như nêu trên trước khi điều trị.

Đau cơ phát triển không có cách điều trị cụ thể, và thường ổn định trong khoảng một hoặc hai năm.

Có thể giúp trẻ dễ chịu, giảm đau nhanh hơn bằng các cách: (1) Thuốc giảm đau thông dụng như acetaminophen, ibuprofen; (2) Chà, xoa, masage chân nhẹ nhàng; (3) Chườm nóng (heating pad), nhiệt giúp dịu cơn đau cơ; (4) Bài tập kéo dãn (stretching exercise) kéo căng các cơ ở chân vào ban ngày có thể giúp ngăn ngừa đau vào ban đêm.

Thay lời kết

Như tên gọi, đau cơ phát triển là hội chứng đau cơ không viêm nhiễm xảy ra ở trẻ đang phát triển, từ 2 đến 12 tuổi, nhiều nhất là 5 tuổi.

Đau cơ phát triển là hội chứng cơ năng, không lây nhiễm, gần như vô hại, và sẽ tự lành khi trẻ trưởng thành. Tuy nhiên, đau cơ cũng có thể là dấu hiệu của một tình trạng bệnh lý khác. Do đó, hội chứng chỉ được xác định sau khi loại trừ các bệnh lý gây đau khác, đặc biệt là các tổn thương tại chỗ, và bệnh thấp tim.

Một khi chẩn đoán đã được thiết lập, quản lý bảo tồn, sử dụng thuốc giảm đau có triệu chứng, xoa bóp và các biện pháp hỗ trợ khác để trẻ dễ chịu, trước khi chờ hội chứng đau tự khỏi theo thời gian.

Tóm lại, dù không có phương pháp, thuốc điều trị đặc hiệu, và đau cơ phát triển thường không gây ra biến chứng nghiêm trọng gì, cũng như không ảnh hưởng đến sự phát triển, trưởng thành của đứa trẻ; nhưng với những cơn đau nặng, tái diễn nhiều lần cần cho thuốc giảm đau và vật lý trị liệu.

TS.BS Trần Bá Thoại

Uỷ viên BCH Hội Nội tiết Việt Nam