Những bí quyết đơn giản để tránh bị ngộ độc thực phẩm

(Dân trí) - Khi mở cửa tủ lạnh, ai trong chúng ta cũng có lúc phân vân tự hỏi: "Liệu món này còn ăn được không?". Và sau khi cân nhắc vài giây, ta thường đi đến kết luận "Có vẻ vẫn ăn được”. Để rồi chỉ vài giờ sau đó – khi phải vội vàng chạy vào nhà vệ sinh – ta mới biết có lẽ kết luận này là không đúng.

Những bí quyết đơn giản để tránh bị ngộ độc thực phẩm - 1

Theo Trung tâm Phòng chống Bệnh dịch Mỹ (CDC), mỗi năm có 48 triệu người Mỹ - chiếm 1/6 dân số nước này - bị ốm do các bệnh truyền qua đường ăn uống, với 128.000 người phải nhập viện và 3.000 người chết vì tiêu thụ thực phẩm “bẩn”.

Dưới đây là những bí quyết đơn giản để tránh tình trạng này:

1.Thịt gia cầm nấu chưa chín là nguồn chủ yếu gây ngộ độc thực phẩm vi các vi khuẩn – như campylobacter – sẽ sinh sôi nảy nở nếu không bị tiêu diệt bởi nhiệt độ cao khi nấu chín toàn bộ miếng thịt.

2. Cách tốt nhất để tránh bệnh là thường xuyên rửa tay và bề mặt bếp, và nấu chín kỹ mọi gia cầm.

3. Tốt nhất là không bày sẵn các món ăn ra ngoài quá lâu vì vi khuẩn có hại sinh sôi nảy nở ở nhiệt độ phòng.

4. Gà ở Anh hiện được tiêm vắc xin phòng salmonella, một vi khuẩn nguy hiểm được tìm thấy trong gia cầm sống.

5. Thịt xay cũng có thể là môi trường nuôi dưỡng vi khuẩn. Khi thịt được trộn vào nhau, mọi mầm bệnh trên bề mặt miếng thịt có thể xâm nhập vào sâu trong sản phẩm.

6. Nhiệt độ và lửa khó điều chỉnh khi làm món nướng có thể khiến cho món ăn không chín - hãy luôn đảm bảo thức ăn được chín để tránh bị đau bụng.

7. Ngoài ra, bít tết có thể bị nhiễm bẩn chủ yếu ở bề mặt – mặt ngoài miếng thịt càng được đun nấu lâu thì sẽ càng an toàn.

8. Thịt không phải là thủ phạm duy nhất của các bệnh do thực phẩm. Rau, trái cây và hạt có vỏ cứng cũng có thể mang vi khuẩn có hại.

9. Mầm bệnh nằm trên vỏ trái cây và rau có thể nhiễm vào trong khi bạn cắt gọt. Cách tốt nhất là rửa kỹ thực phẩm trước khi chế biến.

10. Ngũ cốc, như gạo, cũng có thể là nguyên nhân gây ngộ độc thực phẩm. Vi khuẩn bacillus hay gặp trên các ruộng lúa và có thể gây hại cho người nếu gạo không được nấu chín.

11. “Vùng nguy hiểm” là từ khoảng 4,5 – 60oC vì đây là khoảng nhiệt độ lý tưởng để vi khuẩn sinh sôi. Trong ảnh là vi khuẩn salmonella mọc trên đĩa nuôi cấy.

12. Nói chung, đồ ăn cần được hâm lại cho đến khi bốc hơi nóng vì nó sẽ tiêu diệt những vi khuẩn xuất hiện trở lại sau khi thức ăn đã nguội.

Cẩm Tú

Theo Bluewaterhealthyliving