Nhìn mặt để bắt... bệnh

(Dân trí) - Từ những đám màu vàng quanh mắt, tới nổi gân xanh và nếp hằn sâu, dưới đây là 7 dấu hiệu trên mặt cho thấy bạn có vấn đề về sức khỏe.

Nhìn mặt để bắt... bệnh - 1

Ảnh: Ngọc Diệp

1.Những đám màu vàng quanh mắt, mũi hoặc miệng

Bắt bệnh: Cholesterol cao

Cholesterol cao được định nghĩa là nồng độ cholesterol trong máu vượt quá 5,5mmol/L. Cholesterol cao có thể khiến các động mạch bị tắc, thể hiện trên da là những lắng đọng mỡ hình thành quanh mắt, mũi và miệng - một tình trạng được gọi là ban vàng mi mắt (xanthelasma). Tình trạng này không chỉ liên quan với cholesterol cao mà còn với những bất thường trong cơ chế chuyển hóa mỡ máu của cơ thể, và có thể mang tính gia đình.

 

Nhìn mặt để bắt... bệnh - 2

Cần làm gì?

Lột da bằng a xít trichloroacetic để  bóc đi lớp da ngoài cùng được thực hiện bởi người có chuyên môn có thể giúp xóa đi những đám màu vàng này, và thường chỉ cần điều trị một lần là đủ. Nhưng tình trạng này có thể tái phát và cần điều trị duy trì một vài năm một lần

Cũng cần hỏi ý kiến bác sĩ và kiểm tra cholesterol vì bạn có thể cần dùng thuốc để giảm cholesterol cũng như lời khuyên về lối sống.

2. Da xanh

Bắt bệnh: Ăn quá ít thịt đỏ

Thiếu máu thiếu sắt ảnh hưởng tới 1,6 tỷ người trên thế giới, và đặc biệt cao ở phụ nữ.

Bệnh có triệu chứng chính là da xanh tái và đôi khi kèm theo quầng thâm xung quanh mắt. Các triệu chứng khác có thể gồm mệt mỏi, bơ phờ vì thiếu sắt khiến cơ không nhận được đủ ô xi

 

Nhìn mặt để bắt... bệnh - 3

Cần làm gì?

Nguyên nhân hay gặp nhất của thiếu máu thiếu sắt là ăn không đủ thịt đỏ. Thịt đỏ có chứa sắt hem, là loại sắt có trong cơ thể người và cũng có trong các loại thịt, nhất là thịt bò nạc.

Các loại thực phẩm chứa sắt khác là đậu lăng, đậu ván, đậu Hà Lan và rau có lá xanh thẫm. Tuy nhiên những thực phẩm này chứa sắt không hem cơ thể khó hấp thu hơn.

Cách tốt nhất để tăng hấp thu sắt nếu bạn ăn chay là ăn cùng với thực phẩm giàu vitamin C.

Một số thực phẩm có thể ghép đôi với nhau như ớt (giàu vitamin C) với cải bó xôi (giàu sắt), cà chua (giàu vitamin C) với đậu lăng (giàu sắt) hoặc ăn những loại trái cây như kiwi hay cam sau bữa ăn có thực phẩm chứa sắt.

3. Chốc mép

Bắt bệnh: Không uống sữa

Chốc mép - còn gọi là chứng viêm da góc miệng - có thể xảy ra ở những người thiếu vitamin B, nhất là itamin B2 (riboflavin) và B3.

Những vitamin này có các đặc tính chống viêm và nếu thiếu có thể dẫn đến đỏ da và nứt nẻ ở hai bên khóe môi. Những triệu chứng khác có thể gồm lưỡi dày.

 

Nhìn mặt để bắt... bệnh - 4

Cần làm gì?

Thiếu vitamin B có thể hay gặp ở người ăn chay và những người kiêng ăn một số nhóm thực phẩm vì vitamin B chủ yếu có trong các thực phẩm từ sữa, trứng, thịt nạc và cá.

Các loại rau lá xanh thẫm cũng là nguồn vitamin B dồi dào, nhất là đậu đỗ và cải bó xôi, vì thế những người ăn chay cần đảm bảo ăn đủ những thực phẩm này và có thể cần uống thêm vitamin bổ sung.

4. Mụn ở cằm

Bắt bệnh: Hội chứng buồng trứng đa nang

Nhiều phụ nữ sẽ mọc mụn ở cằm và hàm và vùng da này đặc biệt nhạy cảm với những dao động của các hoóc môn progesterone và testosterone, đặc biệt là quanh kì kinh nguyệt.

Nhưng nếu tình trạng mụn khá nghiêm trọng thì cần nói với bác sĩ vì có thể bạn bị hội chứng buồng trứng đa nang (PCOS), căn bệnh ảnh hưởng đến khoảng 5 – 10% số phụ nữ trong độ tuổi sinh sản ở Anh.

Mụn do nội tiểu kiểu này là do phụ nữ bị PCOS thường có lượng testosterone cao, thúc đẩy tiết chất bã nhờn và tạo thành mụn.

Các triệu chứng khác gồm tăng cân và kinh nguyệt không đều.

 

Nhìn mặt để bắt... bệnh - 5

Cần làm gì?

Nói với bác sĩ nếu bạn có những triệu chứng này, bác sĩ có thể cho bạn làm siêu âm để phát hiện các bất thường ở buồng trứng, cũng như xét nghiệm máu để kiểm tra nồng độ hoóc môn.

Phần lớn các bác sĩ sẽ kê đơn thuốc tránh thai uống chỉ có progesterone để điều trị PCOS.

5. Nổi gân xanh

Bắt bệnh: Uống quá nhiều rượu

Khi uống rượu, các mạch máu trên mặt sẽ giãn ra, khiến mặt đỏ và nóng. Thường thì sau đó các mạch máu sẽ trở lại bình thường.

Nhưng nếu bạn nhậu nhẹt triền miên hết ngày này sang ngày khác thì chỉ độ 2 năm là các mạch máu sẽ mất trương lực, hậu quả là mặt lúc nào cũng đỏ và xuất hiện những đường gân xanh – là các tĩnh mạch nhỏ bị giãn.

Tình trạng giãn mạch này cũng có thể xảy ra khi dùng nhiều caffeine và các thực phẩm cay nóng.

 

Nhìn mặt để bắt... bệnh - 6

Cần làm gì?

Rượu vang đỏ có chứa các tannin khiến mặt đỏ bừng nhiều hơn, vì thế chuyển sang rượu vang trắng có thể giúp ích, tuy nhiên cách tốt nhất để tình trạng này không nặng thêm là tránh mọi thức ăn và đồ uống khiến mặt bốc hỏa, và cũng nên cẩn thận với ánh nắng mặt trời.

Cần bôi kem chống nắng với SPF 30 hàng ngày và quanh năm vì ánh nắng khiến tình trạng giãn mạch càng nặng thêm và có thể dẫn đến những tổn thương lâu dài do vỡ mạch máu.

Một liệu trình laser được thực hiện bởi bác sĩ da liễu cũng có thể giúp giảm tình trạng đỏ mặt.

6. Nếp nhăn sâu hoặc da chảy xệ

Bắt bệnh: Hút thuốc lá

Hút thuốc lá khiến da nhăn nheo do collagen và elastin trong da bị hủy hoại. Cùng với tuổi tác thì cơ, mỡ và xương dưới da teo đi và khiến da bị chảy xệ.

Khói thuốc lá lấy mất o xi trong máu, khiến da nhận được ít dưỡng chất hơn, khiến quá trình chảy xệ và hình thành nếp nhăn diễn ra nhanh hơn đáng kể.

Mặc dù hút càng nhiều thì hậu quả càng nặng, song chỉ một điếu thuốc mỗi ngày cũng có thể gây tổn thương da do da bị đói chất dinh dưỡng.

 

Nhìn mặt để bắt... bệnh - 7

Cần làm gì?

Bỏ thuốc lá

Vitamin C sẽ giúp tái tạo collagen.

7.Ngấn đen ở cổ

Bắt bệnh: Chế độ ăn nhiều đường

Những vòng hoặc đám màu nâu ở cổ có thể là dấu hiệu đáng ngạc nhiên cho thấy bạn bị tăng nguy cơ bệnh tiểu đường týp 2.

Có tên là chứng gai đen, những mảng da màu đen này cho thấy cơ thể bắt đầu kháng với insulin và đây là tiền triệu hay gặp của bệnh tiểu đường, thường là do béo phì hoặc chế độ ăn nhiều đường và carbohydrate tinh chế.

Những đám da sẫm màu này cũng có thể xuất hiện ở nách và ở cổ.

Nhìn mặt để bắt... bệnh - 8

Cần làm gì?

Bạn cần tới bác sĩ để được kiểm tra những mảng da xạm này cũng như kiểm tra lượng đường huyết.

Tin tốt là kháng insulin không có nghĩa là chắc chắn bạn sẽ bị bệnh tiểu đường týp 2, và chuyển sang một chế độ ăn cân đối, ít đường, ít carbohydrate tinh chế, cùng với giảm cân nếu cần sẽ đẩy lùi hoặc ngăn chặn tình trạng này.

Không có cách điều trị đặc hiệu cho chứng gai đen, nhưng nếu “bệnh nền” – như béo phì hoặc kháng insulin - được điều trị, thì những đám da sẫm màu này sẽ mờ dần.

Cẩm Tú

Theo Daily Mail