Nhiều trường hợp sởi diễn biến bất thường

(Dân trí) - Hội nghị tập huấn tăng cường công tác điều trị sởi lần đầu tiên diễn ra sau 4 tháng dịch sởi hoành hành với hơn 100 trẻ chết, diễn ra trọng ngày 22/4 vẫn không giải tỏa được hết những câu hỏi liên quan đến việc điều trị.

Theo dõi chặt, bệnh nhân vẫn tử vong?

Trong phần thuyết trình của mình, PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng, trưởng khoa Nhi BV Bạch Mai đưa ra những đánh giá về đặc điểm bệnh nhân nặng cũng như chia sẻ nhiều kinh nghiệm hữu ích trong điều trị sởi.
Con số bệnh nhân sởivào khoa Nhi tuy mới hơn 100 ca, nhưng phần lớn là những ca rất nặng được chuyển đến từ các BV Thanh Nhàn, BV Bệnh Nhiệt đới Trung ương nên sức ép điều trị bệnh nhân nặng là rất lớn. Hầu hết bệnh nhi khi được chuyển đến đều trong tình trạng nặng, thở máy. Tính nến nay, khoa đã  ghi nhận 8 trường hợp tử vong và nặng xin về có liên quan đến sởi từ đầu mùa dịch đến nay.


Nhiều ca sởi diễn biến bất bất thường, nguy kịch. Ảnh: T.A
Nhiều ca sởi diễn biến bất bất thường, nguy kịch. Ảnh: T.A

“Đặc điểm bất thường của dịch sởi năm nay tôi nhận thấy là ví rút sởi tấn công thẳng và mạnh vào phổi. Nó thể làm suy giảm miễn dịch trầm trọng. Nó có thể tấn công ngay từ những ngày đầu hoặc sau 2-3 tuần phát bệnh. Miễn dịch của trẻ bị suy giảm tới mức có trẻ đã chữa xong bệnh sởi, được về nhà nhưng sau 1-2 tuần đã phải quay nhập viện trở lại vì viêm phổi. Nhất là trên nền thời tiết hiện nay, trong khi miễn dịch của trẻ đang giảm, nên dễ bị mắc các bệnh đường hô hấp. Đây là một trong những đặc điểm chúng tôi luôn lưu ý bác sĩ điều trị để kịp thời theo dõi những diễn biến bất thường của trẻ, kịp thời vào thở máy đúng thời điểm”, TS Dũng cho biết.

Một điều đặc biệt mà TS Dũng ghi nhận trong vụ dịch sởi này là có những ca bệnh diễn biến rất bất thường, bác sĩ theo dõi sát nhưng bệnh nặng lên trông thấy, bệnh nhân chết dù đã được các bác sĩ nỗ lực cứu chữa. “Có trường hợp, sáng nhập viện vẫn còn tỉnh táo, chơi tốt nhưng chiều đã thở gấp và tối đã phải vào thở máy. Rồi đến 4 trường hợp tử vong chỉ sau vài hôm có các biểu hiện lâm sàng. 4 trường hợp còn lại diễn biến cũng rất lạ, khi mà tình trạng bệnh đỡ nguy kịch, được cai thở máy nhưng chỉ một vài hôm sau lại diễn biến nặng lên, lại phải quay lại thở máy và rồi tử vong dù đã can thiệp tốt nhất có thể. Các ca bệnh sởi điều trị cũng rất dai dẳng là vấn đề cần được tập trung xem xét, tìm hiểu nguyên nhân”, TS Dũng băn khoăn.

Tại BV Nhi Trung ương, con số tử vong liên quan đến sởi lên tới hơn 100 trường hợp, chiếm phần lớn trong số bệnh nhi tử vong trong cả nước khiến nhiều người phân vân. Trước “chất vấn” BV Nhi Trung ương có phản ứng chậm trễ trong điều trị, tiếp nhận, thu dung bệnh nhân sởi, khi số bệnh nhân đổ về đông, tử vong cao BV Nhi Trung ương mới có phản ứng, PGS.TS Phạm Nhật An, Phó Giám đốc BV Nhi Trung ương cho rằng, do Luật khám chữa bệnh không phân tuyến, bệnh nhân muốn đến đâu thì đến và đến 80% số bệnh nhân đến BV Nhi Trung ương khám là tự đến. Ngay từ đầu BV Nhi có phản ứng là báo cáo với cơ quan chức năng về tình hình quá tải. Bệnh nhân thì tự đến, tình trạng bệnh thì nặng nên BV cũng không thể cho về.

Trước đó, lý giải con số tử vong tập trung tại tuyến đầu nhi của cả nước, Bộ trưởng Bộ Y tế cho rằng do tập trung số lượng bệnh nhân cao, nặng nên tử vong ở đây cũng cao nhất.

Vẫn quá tải bệnh nhân sởi

Theo báo cáo của Cục Y tế dự phòng, trong ngày cả nước ghi nhận thêm 51 trường hợp mắc sởi xác định trong số 230 trường hợp sốt phát ban dạng sởi tại 25 tỉnh, thành phố. Có 03 trường hợp bệnh nhân nặng xin về tại Bệnh viện Nhi Trung ương (01) và Bệnh viện Bạch Mai (02). Tích lũy từ đầu năm 2014 đến nay cả nước ghi nhận 3.481  trường hợp mắc sởi xác định trong số 9.473 trường hợp sốt phát ban dạng sởi tại 61/63 tỉnh, thành phố, trong đó có 25 trường hợp tử vong do sởi trong số 119 trường hợp nặng xin về và tử vong có liên quan đến sởi.

Tại cộng đồng số mắc giảm nhưng tại các bệnh viện, số bệnh nhân nặng phải điều trị, thở máy vẫn duy trì ở mức cao. Tại Bệnh viện Nhi Trung ương hiện có 254 bệnh nhân sởi đang điều trị, trong đó số bệnh nhân phải thở máy là 17 trường hợp. Khoa Nhi (BV Bạch Mai) có 67 bệnh nhân đang điều trị sởi, trong đó số bệnh nhân nặng là 9, thở máy 3 trường hợp.

Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương số bệnh nhân đang điều trị sởi là 71 trường hợp trong đó có 3 trường hợp thở máy.

BV Nhi Trung ương trước đó kêu trời về tình trạng quá tải dẫn đến lây chéo, bệnh nhân không mắc sởi, vào viện điều trị bệnh lý khác rồi cũng lây sởi. Bộ Y tế đã phải vào cuộc để “giãn” số bệnh nhân sởi, hô hấp tại BV để giảm tình trạng lây chéo.

Tuy nhiên, có những ngày cao điểm, như ngày 17/4, trong tổng số 38 bệnh nhân sởi mới thì có đến 33 ca nhiễm sởi khi đang điều trị tại các khoa khác trong viện. Sau khi can thiệp giãn bệnh nhân, số lây chéo này giảm xuống, ghi nhận 2 ca lây chéo trong ngày 23/4.

Nói về tình trạng nhiễm chéo trong bệnh viện, PGS Dũng cho biết, tại khoa chưa ghi nhận ca nào nhiễm chéo sởi vì chúng tôi rất quan trọng khâu chống nhiễm khuẩn. Tất cả các phòng đều phải mở tung cửa, không được đóng kín. Máy thở hút qua đường kín hết, sau 2-3 ngày vứt đi, dù rất tốn kém nhưng nếu không rất dễ làm lây lan vi rút gây nhiễm chéo cho bệnh nhân.

Chia sẻ tại hội nghị, bác sĩ Trương Hữu Khanh, BV Nhi đồng I cho biết, thời điểm cuối năm 2013 khi BV cùng lúc tiếp nhận 5 bệnh nhi sởi tôi đã nhận thấy là bất thường nên đã yêu cầu thực hiện phân luồng bệnh nhân và phân tuyến điều trị để tránh hiện tương lây chém và đồng nhiễm các vi rút, vi khuẩn khác trong BV. “Để chữa cho một đứa trẻ bị sởi lại nhiễm khuẩn BV chi phí cứu chữa tốn kém gấp 20 lần so với điều trị một bệnh nhân sởi thông thường. Do vậy phải phân tuyến điều trị tốt để tránh quá tải, giải thích bệnh nhân và thực hiện các biện pháp phòng bệnh”.

PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh lo ngại  phác đồ điều trị cũ vẫn có hiệu quả trong điều trị bệnh nhân sởi năng. Nhưng những buổi tập huấn về điều trị này sẽ giúp các bệnh viện chia sẻ kinh nghiệm thực tế điều trị bệnh nhân sởi, mục đích để giảm thiểu nguy cơ tử vong do sởi.

Bộ Y tế cũng hi vọng, thời gian tới, khi mà chiến dịch tiêm vét vắc xin sởi chung trên toàn quốc hoàn thành, tỉ lệ tiêm chủng tăng lên, số bệnh nhi sẽ giảm.

Hồng Hải