Nhiều người lo sợ vì thất bại với phương pháp thách thức đo đột quỵ

Vân Sơn

(Dân trí) - Nhiều người lo lắng tìm đến bác sĩ vì không thể đứng được 1 chân khi nhắm mắt, chắp 2 tay trên đầu. Bác sĩ cho rằng phương pháp này không đủ bằng chứng khoa học xác định nguy cơ đột quỵ.

Sự ra đi của nghệ sĩ Chí Tài sau cơn đột quỵ đang khiến cộng đồng mạng quan tâm đến căn bệnh này. Những thông tin trên trang cá nhân của người nghệ sĩ tài danh được cộng đồng yêu mến cho thấy, trước khi qua đời, ông đã thất bại chỉ sau vài giây vì mất thăng bằng khi thực hiện phương pháp kiểm tra nguy cơ đột quỵ với hình thức nhắm mắt, đứng 1 chân và chắp 2 tay trên đầu.

Nhiều người lo sợ vì thất bại với phương pháp thách thức đo đột quỵ - 1
Phương pháp kiểm tra đột quỵ bùng nổ nơi công sở sau sự ra đi của nghệ sĩ Chí Tài

Sau khi nghệ sĩ Chí Tài qua đời, phương pháp trên được cộng đồng đặc biệt quan tâm. Trên các trang mạng xã hội lan truyền rất nhanh phương pháp kiểm tra nguy cơ đột quỵ nêu trên. Theo đó, những người giữ thăng bằng được 20 giây trở lên sẽ tránh được nguy cơ đột quỵ, những không giữ thăng bằng được 20 giây sẽ có nguy cơ bị đột quỵ, nguy cơ càng cao ở nhóm những người chỉ giữ thăng bằng được trong thời gian càng ngắn.

Đề cập đến vấn đề trên, tại buổi tọa đàm "Đột quỵ gia tăng ở người trẻ, giải pháp nào để phòng ngừa" do báo Tiền Phong phối hợp với Đại học Nguyễn Tất Thành tổ chức (ngày 17/12), bác sĩ Chuyên khoa 2 Huỳnh Thanh Ân, Viện Y dược học Dân tộc, TPHCM cho biết cộng đồng mạng đang có thao tác rất nóng là đứng một chân, giơ 2 tay nhắm mắt lại để kiểm tra nguy cơ đột quỵ. Đây là một nghiên cứu của trường Đại học Y khoa Kyoto Nhật Bản được công bố trên báo chí năm 2014.

Thực tế, nghiên cứu được thực hiện trên 1.387 trường hợp, độ tuổi trung bình là 67. Kết quả công bố cho rằng, những người không giữ thăng bằng được 20 giây khi thực hiện phương pháp trên có nguy cơ đột quỵ cao. Khi chụp CT và MR ở một số người không giữ được thăng bằng ở thời gian cần thì ghi nhận trên não có tổn thương mạch máu nhỏ, tổn thương lỗ khuyết - nhồi máu não lỗ khuyết. Tuy nhiên tình trạng này không gây ra triệu chứng trên cơ thể người, không gây ảnh hưởng đến chất lượng sống.

Nhiều người lo sợ vì thất bại với phương pháp thách thức đo đột quỵ - 2
Đột quỵ là căn bệnh đặc biệt nguy hiểm xuất phát từ dị dạng mạch máu não ở người trẻ và tình trạng xơ vữa động mạch ở người lớn tuổi

Nghiên cứu đưa ra từ năm 2014 đến nay, tuy nhiên xét ở góc độ khoa học, nếu nói tổn thương mạch máu nhỏ chưa nói được người bệnh có nguy cơ đột quỵ hay không đột quỵ mà chỉ đánh giá tình trạng xơ vữa mạch máu ở não. Sau công bố, nghiên cứu trên đã thu hút được sự chú ý của giới y khoa cũng như cộng đồng. Trên thực tế, phương pháp trên chưa xác định được tính đúng sai nhưng không có đủ căn cứ khoa học vì vậy từ năm 2014 đến nay, các trung tâm đột quỵ chưa đưa phương pháp trên áp dụng vào thực tế để đánh giá nguy cơ đột quỵ.

Sau khi nghệ sĩ Chí Tài mất, phương pháp kiểm tra đột quỵ (nêu trên) một lần nữa lại "bùng nổ" tại Việt Nam. BS Thanh Ân cho biết: "Nhiều ngày qua chúng tôi đã nhận được rất nhiều câu hỏi của người bệnh và cộng đồng cho thấy sự hoang mang. Có người lớn tuổi lo lắng nói, tôi không thể giữ được thăng bằng được 20 giây khi nhắm mắt đứng một chân chắc tôi sắp đột quỵ rồi bác sĩ ơi. Ngay cả những người trẻ tuổi cũng sợ vì không giữ được thăng bằng theo thời gian tối thiểu nên hoảng sợ".

Nhiều người lo sợ vì thất bại với phương pháp thách thức đo đột quỵ - 3
Phương pháp giữ thăng bằng khi đứng 1 chân, nhắm mắt, chắp 2 tay lên đầu chưa có đủ căn cứ khoa học để kiểm tra nguy cơ đột quỵ

Phân tích của BS Thanh Ân chỉ ra việc giữa thăng bằng của cơ thể ngoài vấn đề sức khỏe còn phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố khác nhau như sự phối hợp của não bộ, hệ thống tiền đình, ốc tai, thính giác, thị giác, sức cơ, bệnh lý cơ xương khớp, bệnh lý nền… Một người bệnh đang bị thoái hóa khớp gối hoặc thoái hóa cột sống thắt lưng nếu yêu cầu họ thực hiện phương pháp trên chắc chắn không thể thực hiện được. Do đó, khi đánh giá một vấn đề cụ thể liên quan đến sức khỏe cần phải có sự bao quát tình trạng của các hệ trong cơ thể, không thể lấy một hiện tượng là thăng bằng được để khẳng định bản chất của vấn đề cơ thể có nguy cơ đối mặt là đột quỵ.

BS Thanh Ân khuyến cáo, cộng đồng không vì phương pháp chưa có đủ căn cứ khoa học mà hoang mang lo lắng. Nếu tin tưởng vào phương pháp trên có thể sẽ "tự mang rét vào người mà run" người bệnh không có nguy cơ đột quỵ nhưng vì hoang mang lo lắng quá sẽ gây ảnh hưởng xấu đến tâm lý, sức khỏe. Để xác định bản thân của mỗi người có nguy cơ đột quỵ hay không, người dân cần đến các bệnh viện chuyên khoa để được bác sĩ thăm khám, kiểm tra, chẩn đoán bằng các thiết bị hỗ trợ chuyên môn. Giải pháp hữu hiệu để phòng đột quỵ không tốn tiền là chế độ sinh hoạt, ăn uống, vận động hợp lý khoa học, hạn chế tối đa chất kích thích thúc đẩy quá trình tàn phá cơ thể đặc biệt là rượu - bia, thuốc lá.