TPHCM:

Nhiều loại bệnh truyền nhiễm “oanh tạc” cộng đồng

(Dân trí) - Bệnh tay chân miệng đang tăng nhanh, sốt xuất huyết diễn biến bất thường giữa mùa khô, sởi và thủy đậu tiếp tục hoành hành đe dọa nghiêm trọng đến sức khỏe cộng đồng. Nguy cơ bị nhiều loại bệnh đánh úp đã hiện hữu khiến ngành y tế rơi vào thế bị động.

Sởi, thủy đậu “leo thang”

Tại cuộc họp giao ban Y tế Dự phòng các quận huyện trong tháng 3, TS.BS Lê Trường Giang, Chủ tịch Hội Y tế công cộng, đã cảnh báo nếu không khẩn trương bao vây và đẩy lùi bệnh sởi, thành phố có nguy cơ phải cùng lúc đương đầu với nhiều loại bệnh truyền nhiễm khác nhau. Một tháng sau nhận định trên, những cảnh báo của TS Trường Giang đang dần hiện hữu.

Tỷ lệ bệnh đang tăng theo con số hàng trăm so với năm trước
Tỷ lệ bệnh đang tăng theo con số "hàng trăm" so với năm trước

Thống kê của Trung tâm Y tế Dự phòng thành phố trong cuộc họp giao ban tháng 4 cho thấy nhiều loại bệnh đang đồng loạt gia tăng. Cụ thể, từ sau Tết Nguyên Đán số bệnh nhân sốt phát ban nghi sởi tăng với tốc độ “chóng mặt”. Số bệnh nhân sởi nhập viện mỗi tuần đã tăng hơn 3 lần chỉ từ giữa tháng 2 đến cuối tháng 3 (hơn 100 ca mỗi tuần). Tính tổng từ đầu năm đến nay, số ca mắc bệnh đã lên tới hơn 603 ca, tăng 602% so với cùng kỳ năm ngoái.

Nguy hiểm hơn là bệnh thủy đậu, rục rịch gia tăng từ đầu năm, đến tháng 3 bắt đầu tăng tốc, đạt ngưỡng từ 40-47 ca mỗi tuần. Số ca thủy đậu phải nhập viện điều trị từ đầu năm đến nay đã tăng 220% so với cùng kỳ năm ngoái (369 ca).

Sốt xuất huyết bất thường “liên minh” với tay chân miệng

Cùng với bệnh sởi và thủy đậu sốt xuất huyết đang là loại bệnh diễn biến bất thường. Theo tính chất chu kỳ của bệnh, giảm vào mùa khô và tăng vào mùa mưa nhưng thực tế, chỉ tính riêng tuần cuối cùng của tháng 3, “bệnh tăng đột biến ở mức cảnh báo” với khoảng 120 trường hợp phải nhập viện. Tính từ đầu năm, số ca SXH đã tăng 26,5% so với cùng kỳ (lên tới 2.185 ca).

Trẻ em là đối tượng dễ bị bệnh truyền nhiễm tấn công
Trẻ em là đối tượng dễ bị bệnh truyền nhiễm tấn công

Trong khi đó, bệnh tay chân miệng đang vào mùa với khoảng 150-160 ca nhập viện điều trị mỗi tuần. Tổng số ca tay chân miệng tính từ đầu năm đến nay là 1.876 ca, đã tăng 29,2% so với cùng kỳ năm ngoái. Trung tâm Y tế Dự phòng dự báo, bệnh sẽ tiếp tục tăng theo chu kỳ trong tháng 4. Bên cạnh các loại bệnh nêu trên thì một số bệnh khác như sốt phát ban, cúm, quai bị cũng tăng cao so với cùng kỳ năm trước.

Tuyến “phòng thủ” của ngành Y đang “chới với”

Dù Trung tâm Y tế Dự phòng thành phố đã tổ chức các chiến dịch tiêm vét vắc-xin ngừa bệnh sởi cho trẻ nhưng sau 4 tuần triển khai, bệnh vẫn chưa có dấu hiệu chững lại và có chiều hướng tấn công vào trẻ lớn tuổi. Nếu năm 2013 khoảng 90% trẻ mắc bệnh dưới 5 tuổi thì sang năm 2014, số trẻ dưới 10 tuổi mắc bệnh lại chiếm 90%. Thực tế trên cho thấy, mầm bệnh đang lưu hành và nhân rộng đối tượng truyền bệnh.

Chiến dịch tiêm bù vắc xin sởi chỉ giới hạn ở trẻ từ 9 tháng đến 3 tuổi sẽ “bỏ ngỏ” một số lượng không nhỏ đối tượng có nguy cơ từ 3-10 tuổi, khiến vắc-xin ngừa sởi khó có thể vươn tới mức độ bao phủ (trên 90% đối tượng nguy cơ) để đạt hiệu quả phòng bệnh.

Khâu dự phòng chới với khiến khâu điều trị quá tải
Khâu dự phòng "chới với" khiến khâu điều trị quá tải

Cùng với bệnh sởi, thủy đậu đang là nỗi ám ảnh của cộng đồng, số ca bệnh mỗi ngày không ngừng tăng lên. BS Nguyễn Trí Dũng, Giám đốc Trung tâm Y tế Dự phòng nhận định, việc kiểm soát bệnh thủy đậu đang gặp nhiều trở ngại do không có vắc-xin phòng bệnh.

Phải căng mình đối phó với sởi và thủy đậu thời gian qua khiến việc phòng ngừa các loại bệnh khác như tay chân miệng, sốt xuất huyết của ngành Y tế gặp nhiều khó khăn. Trong lúc nhân sự “mỏng” lại đương đầu với nhiều dịch bệnh khiến các kế hoạch vạch ra khó có thể hoàn thành. Tình hình trên buộc ngành Y tế phải thay đổi “chiến thuật”. Ông Nguyễn Trí Dũng cho biết, thời gian tới Trung tâm Y tế Dự phòng sẽ yêu cầu các cơ sở tiêm dịch vụ báo cáo số liệu trẻ đã đến chích ngừa, trên cơ sở đó Trung tâm sẽ điều chỉnh giảm khoảng 15% chỉ tiêu trong số 95 nghìn mũi tiêm vét vắc-xin sởi đã đề ra.

Bên cạnh việc yêu cầu các quận huyện rốt ráo triển khai giải pháp phòng chống bệnh truyền nhiễm, BS Nguyễn Trí Dũng kêu gọi ngành Giáo dục chia sẻ gánh nặng trong tình thế khó khăn. “Nhà trường nên chủ động vệ sinh khử khuẩn để hạn chế đến mức thấp nhất nguy cơ lây lan của dịch bệnh. Nếu phát hiện ca bệnh nhà trường phải kịp thời thông báo để kết hợp cùng ngành Y tế bao vây và dập dịch, hạn chế tối thiểu các ổ bệnh hình thành trong trường học”.

Vân Sơn