Nhiều loại bệnh truyền nhiễm "đánh úp", cần làm gì để phòng tránh?

Vân Sơn

(Dân trí) - Sốt xuất huyết, tay chân miệng, hô hấp đang gia tăng nhanh tại khu vực các tỉnh phía Nam. Nếu không có giải pháp phòng ngừa hiệu quả, bệnh sẽ tiếp tục lây lan trên diện rộng từ nay đến cuối năm.

Cộng đồng bị bệnh truyền nhiễm “đánh úp”

Từ đầu tháng 10 đến nay, bệnh tay chân miệng đang tăng nhanh tại các tỉnh phía Nam khiến nhóm trẻ nhỏ đến khám và điều trị liên tục tăng cao. BS Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa Nhiễm – Thần kinh, Bệnh viện Nhi Đồng 1, TPHCM cho biết, ở thời điểm giãn cách xã hội để phòng chống dịch Covid-19 bệnh viện không ghi nhận trường hợp nào mắc tay chân miệng phải nhập viện điều trị.

Nhiều loại bệnh truyền nhiễm đánh úp, cần làm gì để phòng tránh? - 1

Bệnh tay chân miệng đang tăng nhanh, nhóm trẻ dưới 5 tuổi là đối tượng dễ bị nhiễm

Tuy nhiên, từ khi trẻ nhập học, bệnh tay chân miệng bắt đầu xuất hiện, đến nay đang gia tăng nhanh. Mỗi ngày khoa Nhiễm – Thần kinh đang điều trị cho khoảng 40 trẻ nhiễm bệnh, trong đó đa phần là nhóm bệnh 2B. Bệnh nhi đến khám và nhập viện khi có các biểu hiện giật mình khi ngủ, nhịp tim nhanh, sốt cao, đi đứng loạng choạng, yếu tay chân…

Bên cạnh bệnh tay chân miệng, số ca mắc sốt xuất huyết cũng đang gia tăng. Theo thống kê sơ bộ của Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TPHCM, số ca bệnh trong 9 tháng đầu năm đã hơn 13.000 trường hợp được ghi nhận. Dù sốt xuất huyết đang ở mức thấp hơn so với cùng kỳ năm trước nhưng tình hình mưa bão diễn biến phức tạp vào dịp cuối năm sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho dịch bệnh gia tăng, hình thành các ổ dịch trong cộng đồng dân cư.

Nhiều loại bệnh truyền nhiễm đánh úp, cần làm gì để phòng tránh? - 2

Môi trường ô nhiễm và thời tiết mưa nhiều tạo điều kiện thuận lợi cho muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết gia tăng

Một trong những loại bệnh nguy hiểm đang có tốc độ lây lan nhanh hiện nay là bệnh hô hấp. Cả người lớn và trẻ em là đối tượng bị bệnh tấn công. Tại các bệnh viện có chuyên khoa hô hấp tại TPHCM, số ca bệnh trên địa bàn và các tỉnh khu vực phía Nam chuyển đến điều trị đã tăng từ 30 đến 40% so với cùng kỳ năm trước. Viêm phế quản, viêm hô hấp trên, viêm phổi là tình trạng bệnh thường gặp ở cả trẻ em và người lớn.

Bệnh hô hấp trở nên rất nguy hiểm đối với những người mắc các bệnh lý nền đặc biệt là bệnh viêm phổi tắc nghẽn mạn tính, hen suyễn… khi mắc bệnh hô hấp, người bệnh rất dễ rơi vào bội nhiễm khiến việc điều trị trở nên khó khăn. Bệnh diễn tiến nặng sẽ khiến người bệnh bị suy hô hấp, phải thở máy, sử dụng kháng sinh kéo dài, nguy cơ tử vong cao.

Cần làm gì để phòng bệnh?

Dịch Covid-19 vẫn đang là mối nguy hiểm hàng đầu đối với cộng đồng. Trên thực tế, sự gia tăng của các bệnh truyền nhiễm cho thấy, các hướng dẫn phòng chống dịch Covid-19 nói riêng và bệnh truyền nhiễm nói chung của ngành y tế chưa được cộng đồng thực hiện triệt để hoặc có yếu tố chủ quan, lơ là với dịch bệnh.

Nhiều loại bệnh truyền nhiễm đánh úp, cần làm gì để phòng tránh? - 3
Chích ngừa là giải pháp hiệu quả giúp phòng bệnh hô hấp ở cả người lớn và trẻ em

Ở nhóm bệnh tay chân miệng đang tấn công trẻ nhỏ, BS Trương Hữu Khanh cho biết xét nghiệm cho thấy trẻ mắc tay chân miệng đã bị chủng EV71 tấn công. Đây là chủng virus có độc lực mạnh, gây ra các biến chứng nguy hiểm cho trẻ khi mắc tay chân miệng, cộng đồng cần nâng cao cảnh giác. Rửa tay thường xuyên cho trẻ và người chăm sóc trẻ, vệ sinh cơ thể sạch sẽ, cho trẻ ăn chín, uống sôi, thường xuyên vệ sinh sàn nhà, đồ chơi, cách ly sớm trẻ có biểu hiện mắc bệnh… là giải pháp đơn giản nhưng hiệu quả để phòng bệnh.

Về bệnh hô hấp, BS Hữu Khanh cho biết, dịch cúm theo mùa và virus hợp bào hô hấp đang là nguyên nhân gây bệnh. Nhóm người lớn mắc bệnh nhưng không thực hiện tốt các khuyến cáo về mặt y tế, vẫn tiếp xúc với trẻ nhỏ mà không vệ sinh sạch sẽ, không mang khẩu trang khi tiếp xúc đã khiến trẻ nhiễm bệnh. Dự báo, bệnh hô hấp và tay chân miệng sẽ tiếp tục tăng cao trong 1 đến 2 tháng tới. Bệnh tay chân miệng hiện chưa có vắc xin nhưng bệnh hô hấp đã có vắc xin chủng ngừa, cộng đồng nên chủ động đi chích vắc xin để tránh nguy cơ nhiễm bệnh.

Nhiều loại bệnh truyền nhiễm đánh úp, cần làm gì để phòng tránh? - 4
Cần phát hiện sớm nguy cơ mắc sốt xuất huyết, điều trị kịp thời, tránh biến chứng nguy hiểm tính mạng

Đối với bệnh sốt xuất huyết, nguyên nhân chính là do muỗi trung gian lây truyền từ người bệnh sang người lành. Trung tâm kiểm soát Bệnh tật TPHCM khuyến cáo cộng đồng, muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết thường sống trong môi trường nước sạch, người dân nên vệ sinh môi trường sống, lật úp các vận dụng chứa nước không dùng tới hoặc đậy kín bể, lu chứa nước sạch, không để muỗi có môi trường sinh sản phát triển. Thực hiện các biện pháp diệt lăng quăng, diệt muỗi, thường xuyên ngủ mùng… Khi có biểu hiện mắc bệnh, cần đến bệnh viện để được thăm khám, điều trị, tránh biến chứng vào sốc đe dọa tính mạng.