Nhiều chủng cúm nguy hiểm “bao vây” Việt Nam

(Dân trí) - Chưa lúc nào, nhiều chủng cúm nguy hiểm đe dọa xâm nhập Việt Nam như hiện nay. Vùng biên giới phía Bắc cúm A/H7N9, H9N2 đe dọa; phía Nam, cúm H5N1 nguy cơ bùng phát.

Nhiều chủng cúm song hành

Theo ông Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), hiện có quá nhiều chủng cúm đang song hành tồn tại, nguy cơ xâm nhập vào Việt Nam. Không chỉ có cúm mùa thông thường (cúm A/H1N1, cúm B, cúm A/H3N2) mà các chủng cúm nguy hiểm H5N1, cúm H7N9 tại Trung Quốc hiện bùng phát mạnh và có xu hướng lan rộng xuống các tỉnh phía Nam, giáp biên giới nước ta.

Đặc biệt, tại Trung Quốc cũng ghi nhận chủng cúm mới H9N2 cũng có nguồn gốc từ chim hoang dã. Dù bệnh cảnh nhẹ, chưa xuất hiện trên diện rộng, nhưng ông Phu cho biết rất lo ngại do gần đây các chủng cúm mới xuất hiện với tần suất dày đặc.

PGS.TS Nguyễn Ngọc Kính, Giám đốc BV Bệnh nhiệt đới Trung ương, các chủng vi rút cúm luôn phát triển và xuất hiện mới. Nguyên nhân là do sự thay đổi môi trường, thay đổi khí hậu, mọi thứ đều biến đổi theo để thích ứng với môi trường. Vi rút cúm bản chất là có độc lực, có tính đột biến cao, có hai kháng nguyên chính là kháng nguyên H và kháng nguyên (có 15H và 9N) nên có thể tái tổ hợp lại ra rất nhiều chủng khác nhau.

Không chỉ những chủng cúm song hành như hiện nay mà trong tương lai còn xuất hiện nhiều chủng khác, trong mỗi chủng lại biến chủng ra nhiều nhánh khác nhau, thay đổi vài loại gen là ra một loại mới.

Tại Trung Quốc, chỉ trong tuần đầu tiêu của năm 2014, nước này đã có thêm 14 ca mắc cúm A/H7N9, nâng số tử vong lên con số 51 trường hợp. Thêm một yếu tố nguy cơ, đó là dịch cúm A/H7N9 không chỉ xảy ra ở nội địa Trung Quốc mà xuất hiện ở cả Hong Kong, Đài Loan, bệnh nhân mắc do đi từ các ổ dịch từ lục địa về.

Các chủng cúm đều có nguy cơ gây tử vong

TS Nguyễn Văn Kính, Giám đốc BV Bệnh nhiệt đới Trung ương cho biết: “Bệnh cảnh lâm sàng của các vi rút này là cúm nên tương tự như nhau. Nhưng căn bản nhất là diễn biến tổn thương phổi rất là nhanh. Chúng ta đã từng chứng kiến diễn biến tổn thương phổi của cúm A/H5N1, bệnh nhân bị  tổn thương phổi nặng nề trong vòng vài ba ngày đến một tuần sau khi nhiễm bệnh. Với cúm A/H7N9, tình trạng viêm phổi tiến triển nhanh trong vòng một vài ngày và tử vong, đặc biệt tấn công đối tượng người già, do miễn dịch suy giảm nên dễ bị diễn biến nặng dẫn đến tử vong. Tỉ lệ tử vong của chủng cúm này lên tới gần 30%”.

TS Kính cũng cho rằng độc lực của vi rút này còn độc hơn cả H5N1. Tuy nhiên chủng cúm A/H5N1 lại gây bệnh cho phổ rộng hơn, vì thế nếu bùng phát cũng rất nguy hiểm. Hay các cúm mùa thông thường cũng có thể là nguyên nhân dẫn đến bội nhiễm viêm phổi, tử vong. Riêng cúm mùa một năm ở Mỹ có thể gây tử vong cho 300 - 500 nghìn người

“Nguy hiểm ở chỗ, dịch cúm H7N9 có bệnh cảnh khá nặng ở người, nhưng lại không biểu hiện rõ ràng trên gia cầm. Kết quả giám sát tại 60 chợ của 9 tỉnh, thành trọng điểm về buôn bán gia cầm, mới đây cho thấy có gần 600 trong số 9.000 mẫu dương tính với cúm A nhưng không có biểu hiện”, ông Phu nói.

Cùng quan điểm này, TS Kính cho biết, việc vi rút lưu hành trên đàn gia cầm nhưng không có biểu hiện là một mối nguy lớn do không kịp thời phát hiện nguồn bệnh để kiểm soát dịch bệnh trên gia cầm. “Nguy hiểm ở chỗ, trước đây khi xảy ra dịch phải có dịch trên đàn gia cầm mới lây sang người. Còn hiện tại qua giám sát gia cầm ở các chợ cho thấy nhiều thấy gia cầm không có triệu chứng, trở thành gia cầm lành mang mầm bệnh, vì thế người dân càng dễ chủ quan, nguy cơ mắc bệnh cao hơn”, TS Kính cho biết.

Theo Bộ Y tế, thời tiết mùa đông xuân hiện nay là thời điểm dịch cúm gia cầm bùng phát mạnh nhất trong năm. Đến giờ phút này vẫn lưu hành cúm A/H5N1 trên phạm vi cả nước. Để phòng lây nhiễm các loại cúm gia cầm nói chung, người dân tuyệt đối không sử dụng gia cầm không rõ nguồn gốc, thực hiện tốt vệ sinh cá nhân, thường xuyên rửa tay bằng xà phòng. Hạn chế tiếp xúc gần với người có biểu hiện mắc bệnh nhiễm trùng đường hô hấp cấp, tránh đưa tay lên mũi và miệng, làm thông thoáng nơi ở và nơi làm việc, thường xuyên lau chùi bề mặt, dụng cụ đồ vật quanh người bệnh bằng các chất tẩy rửa thông thường. Khi có các biểu hiện cúm không rõ lý do, sau khi tiếp xúc với gia cầm có các triệu chứng ho, sốt, khó thở… cần đến ngay cơ sở y tế khám và điều trị.

Riêng với những người có đi lại, buôn bán, giao thương tại 12 tỉnh vùng dịch cúm H7N9 ở Trung Quốc, vùng dịch cúm H5N1 ở Campuchia hoặc tiếp xúc với gia cầm bệnh, chết phải báo ngay cho cơ quan y tế khi có biểu hiện viêm phổi, viêm đường hô hấp để kịp thời được khám, xác định bệnh nhân mắc chủng cúm mới, có biện pháp cách ly, điều trị và phòng dịch kịp thời.

Hồng Hải