Nhiều chính sách ưu tiên phát triển thuốc sản xuất trong nước

(Dân trí) - Theo Cục Quản lý Dược, Bộ Y tế thuốc sản xuất trong nước ứng 50% nhu cầu thuốc cho phòng và điều trị bệnh. Thời gian tới sẽ phát triển ngành sản xuất, kinh doanh dược Việt Nam, đáp ứng nhu cầu trong nước, tiến tới xuất khẩu ra các nước trong khu vực và trên thế giới.

Trải qua hành trình 10 năm cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” và 7 năm triển khai Đề án “Người Việt Nam ưu tiên dùng thuốc Việt Nam” đã có những tín hiệu tích cực trong việc sử dụng thuốc nội.

Bộ Y tế đã ban hành các văn bản trong đó có đưa các nội dung, quy định theo hướng ưu tiên thuốc sản xuất trong nước như Luật Dược sửa đổi 2016, Chiến lược Quốc gia về phát triển Ngành Dược Việt Nam giai đoạn đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030, Quy hoạch tổng thể phát triển dược liệu đến năm 2020 và tầm nhìn 2030…

Nhiều chính sách ưu tiên phát triển thuốc sản xuất trong nước - 1

Nhằm tạo điều kiện cho thuốc sản xuất trong nước, Bộ có chính sách ưu tiên trong đấu thầu, cung ứng thuốc trong các cơ sở khám chữa bệnh công lập. Cụ thể, Bộ Y tế đã ban hành Danh mục 640 thuốc sản xuất trong nước đáp ứng yêu cầu điều trị, giá thuốc và khả năng cung ứng, không mua thuốc nhập khẩu.

Ngoài ra, thuốc sản xuất trong nước được phân nhóm để được đấu thầu riêng, đồng thời được tham gia tất cả các nhóm đấu thầu khác khi đáp ứng các tiêu chí kỹ thuật. Với chính sách này, trong tương lai gần thuốc sản xuất tại Việt Nam sẽ phát triển mạnh mẽ.

Nhiều địa phương, bệnh viện đạt kết quả ấn tượng về sử dụng thuốc sản xuất trong nước và đạt mục tiêu của Đề án. Theo báo cáo, năm 2018 tỷ lệ giá trị sử dụng thuốc trong nước tuyến huyện đã tăng lên 76,62%, tuyến tỉnh tăng lên 57%, nếu tính cả tuyến huyện và tuyến tỉnh thì tăng lên 63,53%. Trên 50% các tỉnh đạt tỷ lệ từ 50% trở lên về giá trị sử dụng thuốc trong nước.

Bộ Y tế luôn xác định chất lượng thuốc là một trong những yếu tố quyết định đến hiệu quả điều trị bệnh và là yếu tố đầu tiên và quan trọng nhất quyết định việc lựa chọn thuốc và kê đơn thuốc của thầy thuốc, tạo niềm tin của người tiêu dùng. Các doanh nghiệp sản xuất thuốc trong nước, trong thời gian qua đã áp dụng kỹ thuật - công nghệ cao sản xuất dược phẩm, nâng cao chất lượng để đưa ra thị trường các sản phẩm thuốc có hiệu quả điều trị cao, được chứng minh tương đương sinh học với các biệt dược gốc.

Số liệu báo cáo cho thấy, thuốc sản xuất trong nước đã đáp ứng khoảng 50% nhu cầu thuốc cho công tác phòng và chữa bệnh cho nhân dân. Đồng thời đáp ứng đầy đủ 27 nhóm tác dụng dược lý theo phân loại của Tổ chức Y tế thế giới. Có 652 thuốc trong nước đã được công bố chứng minh tương đương sinh học so với thuốc biệt dược gốc, thuốc phát minh.

Bên cạnh đó, Bộ Y tế đã tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra các cơ sở sản xuất/kinh doanh thuốc, tiến hành các hình thức xử lý vi phạm và các hình thức xử phạt bổ sung như tước giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh thuốc có thời hạn, tạm ngừng đăng ký, nhập khẩu thuốc có thời hạn… đối với các cơ sở vi phạm.

Đến nay, người dân, cán bộ y tế đã tin tưởng hơn vào thuốc do các doanh nghiệp trong nước sản xuất. Tỷ lệ giá trị và số lượng thuốc sản xuất trong nước sử dụng tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh đã tăng dần qua từng năm. Việc đưa thuốc sản xuất tại Việt Nam vào danh mục thuốc theo yêu cầu điều trị của đơn vị hoặc danh mục thuốc đấu thầu tại các cơ sở y tế đều tăng qua các năm và ngày càng được ưu tiên sử dụng.

Trong thời gian tới, Bộ Y tế tập trung triển khai có hiệu quả Đề án Người Việt Nam ưu tiên dùng thuốc Việt Nam. Trong đó, nâng cao nhận thức của người dân và cán bộ y tế trong việc sử dụng thuốc sản xuất tại Việt Nam qua đó góp phần tăng tỷ lệ sử dụng thuốc sản xuất tại Việt Nam có chất lượng tại các cơ sở y tế và trong cộng đồng.

Đồng thời thúc đẩy ngành sản xuất, kinh doanh dược Việt Nam phát triển, tăng cả về số lượng, chất lượng, đáp ứng nhu cầu thuốc phòng bệnh, chữa bệnh trong nước, tiến tới xuất khẩu ra các nước trong khu vực và trên thế giới.

Hà An