Nhiều bệnh nhân thích kháng sinh mạnh, chê kháng sinh rẻ tiền

(Dân trí) - Theo PGS.TS Đoàn Mai Phương, Nguyên trưởng khoa Vi sinh (Bệnh viện Bạch Mai), nhiều bệnh nhân có tâm lý bác sĩ kê đơn kháng sinh mạnh mới là điều trị tốt. Thực tế, bệnh nhân nên sử dụng kháng sinh phổ hẹp, rẻ tiền, điều trị vài ba ngày mới mang lại hiệu quả thay vì sử dụng kháng sinh mạnh 1 liều đã ngăn chặn vi khuẩn.

Theo PGS.TS Đoàn Mai Phương, vi khuẩn kháng kháng sinh là mối quan tâm cả thế giới. Ở Việt Nam, mức độ kháng kháng sinh tăng lên nhanh chóng. Việt Nam đều đã ghi nhận vi khuẩn đa kháng (kháng 2 nhóm kháng sinh trở lên), kháng mở rộng (kháng với toàn bộ kháng sinh thông dụng mà bác sĩ hay sử dụng trong phác đồ), toàn kháng (là kháng nốt cả loại kháng sinh cuối cùng để điều trị con vi khuẩn này).

Có nhiều nguyên nhân gây nên tình trạng kháng kháng sinh, từ trong bệnh viện, trong nuôi trồng thuỷ sản, và kháng thuốc từ cộng đồng.

Trong đó, PGS Mai Phương cảnh báo mạnh mẽ nhiều thói quen sử dụng kháng sinh trong cộng đồng rất nguy hiểm, làm gia tăng nguy cơ kháng thuốc. Dưới đây là lời khuyên sử dụng kháng sinh hợp lý của các chuyên gia.

Không tự ý sử dụng, tự ý dừng liều điều trị

Theo đó, chuyên gia khuyến cáo người dân tuyệt đối không mua kháng sinh rộng rãi mà không có đơn. Tuyệt đối không sử dụng kháng sinh theo kiểu truyền khẩu, kiểu thấy người kia dùng tốt, tôi cũng có thể dùng.

Nhiều bệnh nhân thích kháng sinh mạnh, chê kháng sinh rẻ tiền - 1

Việc sử dụng kháng sinh phải tuân thủ theo chỉ định của bác sĩ để hiệu quả điều trị tốt nhất, phòng nguy cơ kháng thuốc. Ảnh: H.Hải

"Rất nhiều người chỉ ho, cảm sốt, cảm lạnh là tự ý ra hiệu thuốc "kể bệnh" để mua kháng sinh. Trong đó, các bệnh lý này do vi rút không cần dùng kháng sinh. Vì tự ý mua uống, có người 2 - 3 ngày thấy đỡ liền dừng thuốc rất nguy hiểm", PGS Phương cho biết.

Cùng quan điểm này, PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng, nguyên trưởng khoa Nhi (BV Bạch Mai) phải “kêu trời” vì thói quen này của các bà mẹ.

“Bác sĩ kê kháng sinh là 5 ngày, có trường hợp là 7 ngày. Thế nhưng không ít bà mẹ, sau khi con dùng được 3 ngày, hết sốt, hết triệu chứng thì dừng lại luôn, không uống tiếp kẻo “hại người”. Điều này là vô cùng nguy hiểm, là một trong những nguyên nhân chủ yếu gây kháng kháng sinh”, PGS Dũng nói.

PGS Dũng giải thích, nguyên tắc là chỉ dùng kháng sinh khi xác định nhiễm khuẩn. Khi đã xác định nhiễm khuẩn thì phải dùng ngay kháng sinh và phải diệt sạch vi khuẩn.

“Nếu một bệnh nhân bị nhiễm khuẩn, điều trị thích hợp là làm sạch vi khuẩn (khỏi lâm sàng tối đa, giảm tối thiểu nguy cơ vi khuẩn kháng thuốc). Còn nếu điều trị không thích hợp, thất bại khiến bệnh nhân có thể nhiễm tái phát, có thể gây kháng thuốc. Vì vậy, liệu trình dùng kháng sinh là phải đảm bảo, dùng đủ liều để tiêu diệt vi khuẩn. Chứ không thể uống nửa chừng, thấy đỡ triệu chứng thì dừng lại. Chỉ có thể tiêu diệt vi khuẩn tốt thì bệnh mới khỏi, đỡ kháng thuốc”, TS Dũng khuyến cáo.

Cũng theo chuyên gia này, việc dùng kháng sinh tiêu diệt sạch vi khuẩn càng cao thì tỉ lệ thất bại lâm sàng càng ít. Nếu thất bại lâm sàng càng nhiều, thất bại vi khuẩn cũng càng nhiều.

Kháng sinh mạnh không có nghĩa tốt hơn kháng sinh rẻ tiền

PGS Phương cũng cho rằng nhiều người có tâm lý, bác sĩ sử dụng kháng sinh mạnh mới là điều trị tốt. Trong khi thực tế nên sử dụng kháng sinh phổ hẹp, rẻ tiền, điều trị có thể vài ba ngày mới khỏi. Người dân không nên  sử dụng kháng sinh mạnh 1 liều đã ngăn chặn vi sinh vật, vì sau này nếu không may mắc các vi sinh vật mạnh hơn sẽ không có kháng sinh để điều trị.

Kháng sinh nhẹ, kháng sinh mạnh không phải là mục tiêu sử dụng, bác sĩ là người khám, chỉ định kháng sinh phù hợp với từng loại bệnh, trên quan điểm phải nhiễm khuẩn mới dùng kháng sinh.

Không tùy tiện đổi thuốc

Theo PGS Dũng, cũng chính vì thói quen tùy tiện dùng thuốc, tự mua thuốc uống mà không ít người đang uống kháng sinh A được 2 – 3 ngày không đỡ liền đi mua kháng sinh khác về uống.

Với thuốc kháng sinh, không chỉ cứ thích là uống. Bởi khi đi vào cơ thể, kháng sinh tồn tại trong huyết thanh, đi đến vị trí nhiễm khuẩn như vào phổi, vào não… Chính nồng độ kháng sinh tại vị trí nhiễm khuẩn này sẽ cho chúng ta hiệu quả điều trị. Tuy nhiên, kháng sinh không chỉ đi như vậy, nó còn vào các cơ quan khác. Như chỉ viêm phổi, kháng sinh không chỉ vào phổi mà vẫn đi vào các cơ quan khác như thận, gan… và gây độc.

“Vì thế, mục đích là làm thế nào để kháng sinh vào cơ quan đích nhiều hơn, vào các cơ quan khác ít hơn. Nghiên cứu vấn đề này giúp chúng ta chọn liều lượng thích hợp, đặc biệt là chế độ liều, để trả lời khi nào dùng liều cao, khi nào rút ngắn khoảng liều, khi nào đổi kháng sinh khác, khi nào phối hợp kháng sinh. Và để làm được điều này, chỉ có thể là bác sĩ để ra chỉ định hợp lý, vì thế, người dân không nên tùy tiện dùng thuốc”, PGS Dũng cảnh báo.

Hồng Hải