Nhiều bệnh do ngủ nướng vào ngày nghỉ

(Dân trí) - Giờ ngủ bị xáo trộn có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh tiểu đường và bệnh tim mạch, một nghiên cứu mới đây tiết lộ.

 

t
t

Nhiều người trong chúng ta luôn “vật vã” khi phải dậy sớm vào ngày làm việc. Vậy là vào ngày nghỉ cuối tuần, chúng ta có xu hướng tự thưởng cho bản thân một hai giờ “ngủ nướng”.

Trong khi việc nằm thêm này mang lại cảm giác thật “xa xỉ”, thì các chuyên gia lại cảnh báo nó có thể ảnh hưởng xấu tới sức khỏe. Bởi nếu giờ ngủ vào ngày đi làm khác với giờ ngủ vào ngày nghỉ được gọi là “lệch múi giờ xã hội”.

Giống như những chuyến bay xuyên lục địa có thể phá vỡ nhịp sinh học do hành khách phải đột ngột đi qua nhiều múi giờ, “lệch múi giờ” xã hội cũng gây hại cho đồng hồ sinh học của cơ thể.

Thức dậy sớm vào ngày làm việc – rồi ngủ bù trong ngày nghỉ - được gọi là "lệch múi giờ xã hội" vì nó hủy hoại đồng hồ sinh học của cơ thể, làm tăng nguy cơ bệnh tiểu đường và bệnh tim.

TS Patricia Wong của Đại học Pittsburgh, tác giả chính của nghiên cứu, nói: "Lệch múi giờ xã hội là một kiểu thói quen lệch nhịp với đồng hồ sinh học, khi các cá nhân về cơ bản phải ngủ và thức vào những thời điểm không đồng bộ với đồng hồ sinh học bên trong và phải thay đổi giờ ngủ do những nghĩa vụ về xã hội.”

TS Wong và các đồng nghiệp đã xem xét một nhóm khoảng 450 người độ tuổi trung niên. Họ thấy rằng những người có sự thay đổi lớn nhất trong nếp ngủ giữa ngày đi làm và ngày nghỉ dễ có những vấn đề sức khỏe như nguy cơ cho bệnh tiểu đường và bệnh tim.

Các triệu chứng bao gồm tăng vòng hai và lượng đường và mỡ trong máu cao hơn. Những người tham gia bị “lệch múi giờ xã hội” cũng có lượng cholesterol HDL - loại cholesterol “tốt” có tác dụng ngăn ngừa tổn thương mạch máu - thấp hơn.

Các kết quả không khẳng định rằng “lệch múi giờ xã hội” gây ra bệnh tiểu đường hoặc bệnh tim. Tuy nhiên, nó cho thấy mối liên quan này cần được nghiên cứu thêm, TS Wong cho biết.

Theo TS Till Ronneberg, chuyên gia tâm lý học tại Đại học Munich, Đức, nghiên cứu là bằng chứng mới nhất cho thấy đi lệch múi giờ xã hội thậm chí còn có hại hơn lệch múi giờ do đi máy bay.

Đó là vì “lệch múi giờ xã hội” bao gồm việc chúng ta phải thay đổi thói quen sinh hoạt khác nhau dựa trên lịch làm việc, trong khi lệch múi giờ do đi máy bay cho phép chúng ta điều chỉnh để hình thành thói quen mới.

Nghiên cứu được công bố trên tờ Journal of Clinical Endocrinology and Metabolism.

Cẩm Tú

Theo DM