Nhiệt miệng có lây?

Gần đây cháu bị mỏi hai bên hàm (cảm giác như khi thổi bong bóng), rất khó chịu kèm theo nhiệt miệng, thường xuyên có các nốt loét chỉ 2-3 ngày là lặn nhưng hết nốt này đến nốt khác và ở dưới hàm có nổi hạch bằng hạt lạc. Cháu rất lo không biết do nguyên nhân gì và có lây không? Hoàng Minh Châu (Quảng Trị)

Nhiệt miệng hay loét miệng, viêm niêm mạc miệng cấp, y học gọi bệnh áp-tơ.

Biểu hiện niêm mạc miệng viêm nhiễm, sưng nóng đỏ đau, lở loét rất khó chịu nhất là khi nhai nuốt, ăn uống; có thể là những áp-xe ở dưới lưỡi, dưới niêm mạc; nhẹ hơn là những vết loét ở lưỡi và niêm mạc miệng, khi viêm cấp thường tấy đỏ và rất đau, thậm chí sốt cao, nổi hạch góc hàm.

Đặc biệt, các vết loét cấp ở niêm mạc miệng lưỡi thường tái phát, gây đau đớn và làm giảm chất lượng cuộc sống của người bệnh. Trong đó viêm loét miệng lưỡi do áp-tơ tái phát xảy ra cho khoảng 20% dân số, thường gặp ở phái nữ và ở trẻ em.

Đa số các trường hợp bệnh giới hạn ở niêm mạc miệng - lưỡi và thường do nhiều yếu tố kết hợp: stress, ảnh hưởng nội tiết (hành kinh, có thai, mãn kinh), thiếu vitamin C, PP, B6, B12, thiếu sắt.

Người ta đã quan sát hàng trăm gia đình và nhận thấy bệnh này dường như cũng có yếu tố di truyền. Cha mẹ bị loét miệng thì trẻ nhỏ và con gái trong nhà cũng dễ bị bệnh. Ngoài ra, khoảng 15 - 25% bệnh nhân bị áp-tơ phức tạp có thiếu máu gồm: thiếu máu thiếu sắt, folate, kẽm, vitamin B12.

Để xác định nguyên nhân, cháu nên đi khám tại chuyên khoa nội hoặc da liễu, từ đó bác sĩ sẽ kê đơn dùng thuốc thích hợp.

Theo BS. Vũ Lan Anh

Sức khỏe & Đời sống