Nhiễm tụ cầu vàng kháng thuốc sau khám bệnh

(Dân trí) - Một nghiên cứu tại Thụy Sĩ cho thấy trong quá trình khám bệnh, bệnh nhân có thể bị lây bệnh tật do ống nghe và đầu ngón tay bác sĩ nhiễm khuẩn.

Nhiễm tụ cầu vàng kháng thuốc sau khám bệnh

Nghiên cứu được tiến hành trên 71 bệnh nhân tại một bệnh viện thuộc trường đại học của Thụy Sỹ. Các bác sỹ được yêu cầu thực hiện quy trình khám bệnh thường quy trên những bệnh nhân này. Không bệnh nhân nào trong số này bị nhiễm trùng da, song gần một nửa số bệnh nhân có tụ cầu vàng kháng thuốc (MRSA) cư trú trên người trước khi việc khám bệnh diễn ra.

Sau khi khám, bốn vị trí trên tay thuận (hoặc trên găng) của bác sỹ và ống nghe của họ được lấy mẫu nuôi cấy trong phòng thí nghiệm để xem có bao nhiêu vi khuẩn mọc. Bàn tay (hoặc găng) và ống nghe được tiệt trùng trước mỗi lần khám, vì thế sẽ chỉ tìm thấy vi khuẩn nhiễm vào những chỗ này sau từng lần khám bệnh.

Nhìn chung, nghiên cứu thấy rằng sau khi khám bệnh, nhưng vùng dễ bị “nhiễm bẩn” nhất là đầu ngón tay, tiếp theo là phần màng chắn của ống nghe (phần hình tròn áp lên da của bệnh nhân khi bác sĩ nghe tim phổi). Phần màng chắn này dễ bị nhiễm khuẩn hơn những chỗ khác của bàn tay, như da quanh vùng gốc ngón tay cái, ngón tay út hoặc mu bàn tay.

Nghiên cứu là lời nhắc nhở quan trọng đối với các bác sĩ và những nhân viên y tế khác về mỗi nguy hiểm của lây nhiễm chéo. Những thiết bị và dụng cụ y tế được dùng lần lượt từ bệnh nhân này sang bệnh nhân khác mà không khử trùng giữa mỗi lần dùng có thể gây nguy cơ ngang với ta không được rửa sạch. Nghiên cứu mới chỉ khảo sát về ống nghe của các bác sĩ, nhưng kết quả có thể dễ dàng áp dụng cho những thiết bị y tế khác dùng ở bệnh viện, như máy đo huyết áp và cặp nhiệt độ.

Cẩm Tú

Theo NHS