“Nhật ký chống dịch” của nữ sinh viên trong đội truy tìm dấu vết Covid-19

(Dân trí) - "Yêu cầu đặt ra là bằng mọi cách truy tìm, liên lạc bằng được với các hành khách thuộc diện có nguy cơ cao đã đáp chuyến bay đến Việt Nam”, nữ sinh Vũ Thị Lan Anh chia sẻ trải nghiệm đặc biệt của cô.

Là một trong những sinh viên y khoa của Trường Đại học Y tế Công cộng tình nguyện tham gia vào tổ công tác phòng, chống dịch Covid-19 của Bộ Y tế, nữ sinh trẻ Vũ Thị Lan Anh đã có những trải nghiệm đặc biệt, mà cô cho rằng đó sẽ là những trang nhật ký đẹp nhất viết về thời sinh viên của mình.

Buổi sáng thứ 7 đặc biệt của cô sinh viên năm 2

14/3 là một ngày đặc biệt đối với cô sinh viên năm 2, Trường Đại học y tế Công cộng Vũ Thị Lan Anh. Thay vì tranh thủ ngủ nướng sau cả tuần học tập vất vả như những buổi sáng thứ 7 khác, Lan Anh lại thức dậy từ sớm, điều mà cô sinh viên này mô tả là hoàn toàn tình cờ. Nhưng cũng chính sự tình cờ này đã giúp cô đọc được thông báo ban cán sự, đăng trên trang Facebook của lớp, về việc Bộ Y tế cần huy động gấp lực lượng sinh viên của trường, để hỗ trợ cho công tác kiểm soát dịch Covid-19.

“Nhật ký chống dịch” của nữ sinh viên trong đội truy tìm dấu vết Covid-19 - 1

Lan Anh (giữa) trong quá trình thực hiện nhiệm vụ liên hệ với các hành khách trên chuyến bay có người dương tính SARS-CoV-2.

Lan Anh nhớ lại: “Vì đây là điều động gấp nên các sinh viên tình nguyện tham gia được yêu cầu có mặt tại trường lúc 9h, trong khi đó 8h30 mới có thông báo từ nhà trường và 10 phút sau ban cán sự lớp mới đăng thông tin lên Facebook”.

Từ nơi ở của Lan Anh tại Bắc Từ Liêm đến trường mất khoảng 15 phút, cũng có nghĩa cô sinh viên năm 2 này chỉ có 5 phút để quyết định có tham gia hay không. Tuy nhiên, cũng chưa cần đến từng ấy thời gian để Lan Anh có được sự lựa chọn cho mình.

Từ đây, cô gái tuổi vừa đôi mươi chính thức bước vào một hành trình đầy mới mẻ và cũng lắm chông gai, để chung tay cùng cả nước chống lại đại dịch Covid-19.

Bằng mọi cách phải truy tìm, liên lạc được với các hành khách có nguy cơ

Đoàn sinh viên Trường Đại học Y tế Công cộng tình nguyện tham gia hỗ trợ công tác chống dịch trong lần huy động này bao gồm 23 người, trong đó có 5-6 sinh viên năm 2 như Lan Anh, còn lại là những sinh viên khóa trên.

“Ngay sau khi tập trung, chúng tôi được đưa đến Bộ Y tế và được tập huấn về công tác liên hệ, truy tìm những hành khách trên chuyến bay có ghi nhận trường hợp dương tính với virus SARS-CoV-2 và hỗ trợ xử lý, nhập thông tin của những hành khách này vào hệ thống dữ liệu. Đây cũng chính là nhiệm vụ mà chúng tôi được giao sau này”, Lan Anh kể.

“Nhật ký chống dịch” của nữ sinh viên trong đội truy tìm dấu vết Covid-19 - 2

Lực lượng các sinh viên y khoa tham gia chống dịch chụp ảnh cùng Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam.

Bên cạnh kiến thức chuyên môn, nhiệm vụ dành cho nhóm sinh viên còn đòi hỏi kỹ năng ngoại ngữ (những người cần liên hệ chủ yếu là người nước ngoài) và một chút kiến thức về xử lý dữ liệu. Sau buổi sáng đào tạo và tập huấn, nhóm sinh viên được chọn lọc lại còn 10 người. Sang ngày thứ hai, có thêm 4 sinh viên nữa được bổ sung, như vậy quân số của lực lượng chống dịch đặc biệt này được chốt lại ở con số 14 người.

Kể từ giai đoạn 2 của cuộc chiến chống dịch Covid-19 (sau khi Việt Nam ghi nhận ca bệnh thứ 17), hầu hết ca bệnh mới được ghi nhận là các ca xâm nhập. Vì vậy, thời điểm đó, truy tìm, kiểm soát hành khách từ các chuyến bay nước ngoài đến Việt Nam là một nhiệm vụ hết sức cấp bách, đặc biệt là với những chuyến bay đã ghi nhận trường hợp dương tính với SARS-CoV-2.

“Buổi sáng vừa được tập huấn xong, ngay đầu giờ chiều chúng tôi được đưa đến một phòng làm việc ở Trung tâm Hội nghị Quốc tế, để bắt tay ngay vào công việc. Tinh thần làm việc là hết sức khẩn trương. Yêu cầu được đặt ra là bằng mọi cách truy tìm, liên lạc bằng được với các hành khách thuộc diện có nguy cơ cao đã đáp chuyến bay đến Việt Nam” – Lan Anh cho biết.

Theo lời kể của cô sinh viên Đại học Y tế Công cộng, tuần tự công việc sẽ được tiến hành như sau: Vào đầu ca làm việc, bộ phận IT sẽ cung cấp danh sách các hành khách cần liên lạc. Trong số này sẽ có những hành khách đã có đủ thông tin và có thể liên lạc trực tiếp, cũng có nhiều hành khách thông tin thu thập được chỉ vỏn vẹn những gì trên vé máy bay, đây là những trường hợp yêu cầu phải sử dụng đến các công tác nghiệp vụ để truy tìm, liên lạc bằng được với mục đích cuối cùng là xác định vị trí, phổ biến thông tin về chuyến bay đã có người mắc Covid-19, đồng thời yêu cầu hành khách này tự cách ly và hướng dẫn cách liên lạc với lực lượng y tế địa phương, để được theo dõi, tư vấn về tình trạng sức khỏe.

“Xin chào! Tôi là Lan Anh đến từ tổ công tác phòng, chống dịch Covid-19 của Bộ Y tế"

“Xin chào! Tôi là Lan Anh đến từ tổ công tác phòng chống dịch Covid-19 của Bộ Y tế”, đó là lời chào mở đầu cho mỗi cuộc gọi thực thi nhiệm vụ được giao của cô sinh viên năm 2 này.

Trong trường hợp đã liên lạc trực tiếp được với hành khách, nội dung cuộc gọi sẽ tiếp diễn theo một kịch bản đã được dựng sẵn: “Trên chuyến bay… có ghi nhận ca dương tính với SARS-CoV-2, ông/bà có từng ở trên chuyến bay này hay không?”; “Ông/bà hiện đang ở đâu?”; “Ông/bà đã được cách ly hay chưa? Nếu chưa thì liên hệ với cơ sở y tế gần nhất để được cách ly và hướng dẫn các biện pháp an toàn!”. Mỗi cuộc gọi “tiêu chuẩn” sẽ chỉ mất 3-4 phút.

Tuy nhiên, theo Lan Anh chỉ có 50-60% các trường hợp diễn ra theo kịch bản. Số còn lại sẽ rơi vào trường hợp mù mờ thông tin hành khách và phải lần theo từng manh mối nhỏ. Thậm chí, có trường hợp đã liên lạc được nhưng phía hành khách đó lại không hợp tác. Những trường hợp như thế này sẽ tốn rất nhiều thời gian.

“Nhật ký chống dịch” của nữ sinh viên trong đội truy tìm dấu vết Covid-19 - 3

Đội sinh viên tình nguyện đang truy vết các F1 của bệnh nhân Covid-19

 Trong thời gian hơn 2 tuần thực hiện nhiệm vụ được giao (từ 14/3 – 31/3), những ca khó nhất mà tân binh này từng gặp phải thường đến từ việc thiếu thông tin liên lạc của hành khách, hoặc cơ sở khách sạn mà hành khách đó lưu trú không hợp tác.

“Nhật ký chống dịch” của nữ sinh viên trong đội truy tìm dấu vết Covid-19 - 4

Nữ sinh Vũ Thị Lan Anh chia sẻ trải nghiệm đặc biệt của cô.

Cô nhớ lại: “Chúng tôi từng gặp một trường hợp nhờ người khác đặt hộ tour du lịch sang Việt Nam. Khi liên hệ với người đặt hộ này thì người đó cũng không biết rõ thông tin của vị khách nhờ đặt tour. Chúng tôi buộc phải nhờ cơ quan chức năng trích xuất camera sân bay, sau đó dùng hình ảnh chụp được của vị khách này để tìm kiếm trên các trang mạng xã hội".

"May mắn là sau đó chúng tôi đã tìm ra được tài khoản của họ. Cũng có trường hợp khách sạn một mực không xác nhận là có hành khách cần tìm lưu trú, buộc chúng tôi phải liên hệ với cơ quan chức năng trên địa bàn đó xuống làm việc, xác minh”.

“Nhật ký chống dịch” của nữ sinh viên trong đội truy tìm dấu vết Covid-19 - 5

Đội sinh viên y khoa của Trường Đại học Y tế Công cộng

Tuy nhiên, trường hợp để lại nhiều ấn tượng nhất với Lan Anh lại là một vị khách nước ngoài đã có đầy đủ thông tin liên lạc, đã chấp hành rất tốt yêu cầu tự cách ly, nhưng lại gặp một vấn đề phát sinh mà ít ai ngờ đến.

“Lúc đó đã là hơn 9 giờ tối, tôi nhận cuộc gọi từ một vị khách nước ngoài, đang tự cách ly tại khách sạn phàn nàn rằng, ông ấy đang rất đói nhưng không ai mang đồ ăn lên cả. Liên lạc phía khách sạn, thì nhân viên ở đấy giải thích lý do họ không mang đồ ăn lên là vì sợ lây bệnh".

"Chúng tôi phải mất rất nhiều thời gian động viên, phân tích, bàn bạc với phía khách sạn để thống nhất được giải pháp cuối cùng: Nhân viên sẽ mang đồ ăn lên trước cửa phòng, gõ cửa báo hiệu rồi rời đi, một lúc sau vị khách đang cách ly sẽ chủ động ra lấy đồ ăn”, Lan Anh kể.

Lửa thử vàng gian nan thử sức, và những trang nhật ký đẹp nhất thời sinh viên

Mặc dù các kỹ năng kể trên đều đã được dạy tại trường, nhưng với một sinh viên năm 2 như Lan Anh, khi tham gia trực tiếp vào một nhiệm vụ đòi hỏi nhiều kinh nghiệm thực tế như vậy, thì những khó khăn, bỡ ngỡ là điều không thể tránh khỏi.

“Nhật ký chống dịch” của nữ sinh viên trong đội truy tìm dấu vết Covid-19 - 6

Nhóm sinh viên tham gia chống dịch ghi lại kỷ niệm sau khi hoàn thành nhiệm vụ lúc 12 giờ đêm.

Các chuyến bay từ nước ngoài về Việt Nam ngày càng nhiều hơn khiến khối lượng công việc đặt lên vai lực lượng liên lạc, tìm kiếm thông tin hành khách là rất lớn. Chỉ có duy nhất hôm đầu tiên, buổi làm việc bắt đầu từ 9 giờ sáng và kết thúc lúc 8 giờ tối. Còn những ngày tiếp theo, từ 7 rưỡi sáng là Lan Anh cùng mọi người đã vào việc và thường phải rất khuya, có khi đến 12 giờ đêm thì nhiệm vụ trong ngày mới được hoàn thành.

Là con gái, ở cái tuổi “ăn chưa no, lo chưa tới” không ít lần cô sinh viên năm 2 rơi vào trạng thái tiêu cực. Đó là cảm giác bất lực trước những hành khách đã hơn chục cuộc gọi vẫn chưa đem lại kết quả; mệt mỏi khi trời đã về khuya nhưng danh sách liên lạc thì cứ nối dài thêm; ấm ức, tủi thân đến ứa nước mắt khi những cá nhân không hợp tác còn quay lại dùng những lời lẽ vô văn hóa để xúc phạm, đe dọa mình.

Trong những thời khắc khó khăn này, chính sự động viên, hướng dẫn của người đi trước, cùng với đó là tâm thế của một thành viên trong lực lượng đang trực tiếp tham gia vào công tác chống dịch Covid-19 đã xốc lại tinh thần cho “chiến binh” trẻ tuổi.

“Lửa thử vàng, gian nan thử sức”, mỗi khó khăn gặp phải trong quá trình thực hiện nhiệm vụ lại chính là “ngọn lửa” tôi rèn nên bản lĩnh và kinh nghiệm của lực lượng sinh viên y khoa tham gia chống dịch. “Những ca quá khó, chúng tôi được các cán bộ lâu năm hướng dẫn cách giải quyết. Từ đó, chúng tôi đã đúc rút được nhiều kinh nghiệm, từ những điều đơn giản như thay đổi tông giọng để người nghe tin tưởng hơn, đến cách đặt câu hỏi để tháo gỡ vấn đề.

Bài học lớn nhất là chúng tôi ý thức được rằng, mình đang ở cương vị lực lượng của Bộ Y tế có trách nhiệm liên lạc với các hành khách, do đó phải thật bình tĩnh trước những phản ứng thái quá, đồng thời giữ thái độ cứng rắn với trường hợp không hợp tác”.

Những ngày tham gia vào tổ công tác chống dịch Covid-19 của Bộ Y tế mang đến cho Lan Anh những kỷ niệm đẹp khó quên. Thậm chí, trong cuộc trò chuyện với chúng tôi, vào thời điểm đã tạm kết thúc nhiệm vụ gần 1 tuần, sự hào hứng vẫn còn vẹn nguyên trong lời kể của cô, như chuyện chỉ vừa xảy ra ngày hôm qua: “Tuổi trẻ rất muốn chinh phục, trải nghiệm, nên lần đầu tiên được tham gia vào một nhiệm vụ quy mô và học được nhiều kỹ năng năng mới như vậy khiến chúng tôi đều rất hứng thú. Đã bắt tay vào việc là quên luôn cả giờ giấc. Tôi cũng quen được nhiều bạn mới, có những trải nghiệm mới, cùng hợp sức giải quyết những vấn đề khó".

"Đáng nhớ hơn cả là những lần được gặp bác Phó Thủ Tướng Vũ Đức Đam và bác Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long. Nếu có một cuốn nhật ký viết riêng cho thời sinh viên, tôi sẽ dành những trang đẹp nhất cho khoảng thời gian đặc biệt này”.

 

Minh Nhật

Ảnh: Nhân vật cung cấp