Nhật Bản: Phát hiện bệnh nhân nhiễm Zika đến từ Việt Nam

(Dân trí) - Trước thông tin một bệnh nhân nhiễm vi rút Zika vừa được Nhật Bản phát hiện khi đến Tokyo, PGS.TS Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng cho biết đang liên hệ với cơ quan đầu mối y tế của phía Nhật để có thêm thông tin cụ thể và địa chỉ ở Việt Nam của bệnh nhân này.

Trước đó báo chí Nhật Bản đưa tin, hôm 12/9, giới chức y tế Nhật Bản xác nhận một người phụ nữ Việt Nam 40 tuổi nhiễm vi rút Zika tại Tokyo. Đây là trường hợp nhiễm vi rút Zika thứ 11 ở Nhật Bản được phát hiện kể từ ca nhiễm đầu tiên ghi nhận vào năm 2013 và là trường hợp đầu tiên tính từ tháng 2/2016 trở lại đây. Đây cũng là thời điểm chính phủ Nhật Bản nâng mức cảnh báo vi rút Zika lên mức 4.

Giới chức y tế Nhật Bản cũng xác nhận trong 11 ca nhiễm vi rút Zika đều là các ca xâm nhập. Chưa có ca bệnh nào là công dân sinh sống ở Nhật Bản mà đều là người nước ngoài đến Nhật Bản để học tập, làm việc hay du lịch.

TS Phu cho biết, về thông tin người Việt phát hiện nhiễm vi rút Zika khi sang Nhật, ông chỉ mới nắm được thông tin trên báo chí, là trường hợp phụ nữ 40 tuổi khi ở tại Việt Nam đã bị muỗi đốt, sau đó xuất hiện tình trạng đau đầu, sốt phát ban trước khi đến Nhật hôm 8/9.

Sau khi đến Nhật Bản, bệnh nhân này xuất hiện thêm triệu chứng mắt đỏ và đau các khớp nên đã đến khám tại một bệnh viện ở Tokyo hôm 9/9. Bệnh nhân sau đó được xác định nhiễm vi rút Zika.

TS Phu cho biết thêm, trước diễn biến của dịch bệnh do vi rút Zika gây ra, đến nay Việt Nam không hạn chế việc đi lại của người dân giữa các khu vực và địa phương. Tuy nhiên, người đi, đến, về từ vùng có dịch bệnh do vi rút Zika cần chủ động theo dõi sức khỏe trong vòng 14 ngày, nếu có biểu hiện bệnh hãy đến cơ sở y tế để chủ động khai báo về tiền sử đi lại và được khám, tư vấn, điều trị.

Đồng thời khuyến cáo người dân áp dụng các biện pháp chống muỗi đốt, chủ động diệt muỗi và bọ gậy (loăng quăng). Riêng với phụ nữ đang mang thai hoặc dự định có thai không nên đi đến vùng dịch khi không thực sự cần thiết. Trong trường hợp phải đi đến các vùng có dịch, cần tìm hiểu kỹ các thông tin về dịch bệnh và các điều kiện chăm sóc y tế, đồng thời áp dụng các biện pháp phòng chống muỗi đốt để tránh lây truyền vi rút Zika.

Đối với phụ nữ có thai tại vùng dịch và đi về từ vùng có dịch nếu có các triệu chứng như sốt, phát ban hoặc các dấu hiệu khác của bệnh cần đến cơ sở y tế để chủ động khai báo về tiền sử đi lại và được khám, tư vấn, khám thai định kỳ.

Phụ nữ mang thai trong 3 tháng đầu, đang sinh sống hoặc đã từng đến vùng có dịch mà có sốt hoặc phát ban và có ít nhất một trong số các triệu chứng đau mỏi cơ/khớp, viêm kết mạc mắt cần được xét nghiệm phát hiện vi rút Zika.

Các cặp vợ chồng, bạn tình đang sống tại vùng có dịch hoặc trở về từ vùng dịch nếu có ý định mang thai cần đến cơ sở y tế để khám và tư vấn trước khi quyết định mang thai.

Người từ vùng dịch trở về, cần sử dụng bao cao su khi quan hệ tình dục hoặc không quan hệ tình dục với vợ (bạn tình) đang trong suốt quá trình mang thai hoặc trong ít nhất 6 tháng để tránh lây truyền vi rút zika.

Hồng Hải