Nhầm vòi nước nóng, bé 2 tháng tuổi bỏng nặng

(Dân trí) - Dùng vòi hoa sen tráng người cho con sau tắm, vừa xịt nước vào bé 2 tháng tuổi khóc thét lên, người mẹ nhìn xuống đã thấy con bị đỏ cả mảng ở ngực.

Bác sĩ Nguyễn Thống, Trưởng khoa Bỏng, Bệnh viện Xanh Pôn (Hà Nội) cho biết, bệnh nhi 2 tháng tuổi được gia đình đưa đến viện cách đây 3 hôm, trong tình trạng bỏng 25-30% từ ngực xuống 2 bên sườn, cả bộ phận sinh dục, một số chỗ bị bỏng sâu. Bác sĩ đánh giá đây là trường hợp rất hiếm gặp.

Theo lời kể của mẹ bé, chị vẫn có thói quen dùng vòi hoa sen tráng người cho bé khi tắm n.

“Bao giờ tôi cũng xịt vào tay mình, nước ở nhiệt độ vừa phải mới xịt lên người con. Không hiểu sao hôm ấy tôi lại nhầm lẫn gạt sang nước nóng rồi tráng người cho bé. Vừa cầm vòi xịt nhẹ từ ngực con trở xuống thì con khóc thét lên. Tôi nhìn xuống đã thấy da ngực con đỏ một mảng. Sợ quá, giờ trong đầu tôi vẫn văng vẳng tiếng khóc của con”, mẹ bệnh nhi cho biết.

Nhầm vòi nước nóng, bé 2 tháng tuổi bỏng nặng - 1

Dùng nước mát (nước tan giá vào mùa đông) ngâm tại vết bỏng sẽ làm giảm nhiệt bề mặt bỏng, giúp vết bỏng không bị tổn thương sâu.

Theo BS Thống, nếu chẳng may bị bỏng như trường hợp này, cần nhanh chóng làm mát vết bỏng bằng cách ngâm vào nước từ 16 – 20 độ C. Lưu ý là không ngâm trẻ trong nước quá lâu để tránh bị nhiễm lạnh.

Với các trường hợp bỏng ngã vào nồi canh, bỏng khi còn đang mặc quần áo thì cần bình tĩnh gỡ bỏ quần áo dính nước sôi, ngâm vùng bỏng vào nước mát từ 15 - 30 phút để làm giảm nhiệt bề mặt bỏng, nhờ vậy mà vết bỏng sẽ đỡ bị bỏng sâu.

Sau đó hãy băng ép nhẹ và đưa trẻ đến cơ sở y tế. Tuyệt đối không bôi trứng gà, kem đánh răng, nước tương… theo kinh nghiệm dân gian bởi có thể gây nhiễm trùng vết bỏng.

BS Thống cũng cho biết những tai nạn do nhầm vòi nóng, lạnh này khá hay gặp, ở cả người lớn. Vì thế, hãy ghi nhớ lấy nước lạnh trước, nước nóng sau; khi dùng vòi hoa sen phải chỉnh từ bên vòi lạnh sang ấm, thử vào tay thấy nhiệt độ vừa phải mới xịt vào người.

Ngoài ra, các bác sĩ cũng lưu ý phòng tránh nguy cơ bỏng do bục túi sưởi (như trường hợp trẻ phải nhập viện điều trị tại BV Sản - Nhi Nghệ An với tỉ lệ bỏng sâu, bỏng rộng khá lớn do nước túi sưởi tràn vào người) bằng cách tuyệt đối không vừa sạc điện vừa sưởi hay nằm đè lên túi sưởi. Trước khi sưởi cần kiểm tra xem túi sưởi có vết rạn, nguy cơ bục hay không.

Tú Anh