Nhầm bột thông cống là đường, 4 bé cùng nhập viện

(Dân trí) - BV Nhi Trung ương vừa cấp cứu chùm ca ngộ độc với 4 học sinh mầm non bị ngộ độc bột thông cống do nhầm tưởng gói bột trắng là đường, bóc ra ăn.

Bệnh nhi đang được theo dõi, điều trị tại BV.
Bệnh nhi đang được theo dõi, điều trị tại BV.
 
Sự việc xảy ra hôm 17/7, tại một trường mầm non trên địa bàn huyện Văn Lâm, tỉnh Hưng Yên. Theo đó, khi đang chơi, nhóm họ sinh gồm 4 bé đã nhặt được một gói bột màu trắng và nhầm tưởng là đường nên rủ nhau bóc ra ăn.

Ngay sau ăn, các con có biểu hiện khó chịu, nôn, quấy khóc, chảy nhiều nước dãi nên đã được đưa đi cấp cứu tại bệnh viện tỉnh, sau đó chuyển lên bệnh viện Nhi Trung ương vào chiều cùng ngày.

Bác sĩ Nguyễn Văn Ngoan, Phó trưởng khoa Tiêu hóa, bệnh viện Nhi Trung ương, cho biết, trong 4 cháu nhập viện, trường hợp nặng nhất là bệnh nhi N.C.H (5 tuổi) với biểu hiện sốt cao, môi tím, loét sâu vùng miệng và hạ họng, kèm theo nhiễm trùng, đau bụng, không nuốt được. Ba trường hợp còn lại tổn thương nhẹ hơn, đã được ra viện, điều trị tại nhà.

Hiện tại các bác sĩ chỉ đánh giá được tổn thương ở miệng, họng của bệnh nhân, chứ chưa thể đánh giá được các tổn thương ở thực quản, dạ dày… do phải chờ bệnh nhân đỡ loét, đỡ nhiễm trùng ở miệng họng mới có thể gây mê tiến hành nội soi tìm các tổn thương sâu một cách chính xác.

BS Ngoan khuyến cáo, tình trạng ngộ độc các chất tẩy rửa, ăn mòn rất phổ biến vì người lớn bất cẩn để các chất này trong tầm với của trẻ. Như trường hợp này, trẻ tưởng gói bột trắng là đường nên bóc ra ăn. Hay có nhiều trường hợp ngộ độc hóa chất, thuốc trừ sâu, chất tẩy rửa… do gia đình để các dung dịch này trong các lọ đựng thực phẩm nước uống quen thuộc như vỏ chai C2, trà xanh…

Để phòng nguy cơ ngộ độc này, cần cất các hóa chất khỏi tầm với của trẻ.  Không để hóa chất trong các chai lọ đựng thực phẩm thông thường.

Khi không may trẻ ăn, nuốt, uống phải các hóa chất có tính ăn mòn thì việc đầu tiên là cần xử lý ban đầu sớm để tránh tổn thương sâu. Xử trí ban đầu tốt nhất là cho trẻ dùng nước muối loãng súc miệng, nếu trẻ nhỏ thì lau rửa miệng. Lau rửa nhiều làm nồng độ axit thấp đi tại chỗ, tránh tổn thương lan rộng và sâu hơn ở niêm mạc miệng. Sau sơ cứu, cần đưa trẻ đến cơ sở y tế để tiếp tục được cấp cứu, giải độc.

Tú Anh

Phạt 60 triệu đồng với 4 hộ nuôi heo sử dụng chất tạo nạc