Nguy cơ bùng phát dịch tại các cơ sở kinh doanh dịch vụ

(Dân trí) - Các trung tâm thương mại, siêu thị, nhà hàng… đã mở cửa trở lại, dần trở về với nhịp điệu cuộc sống thường ngày. Tuy nhiên, chỉ một chút lơ là, chủ quan, những khu vực này có thể trở thành ổ dịch phức tạp, lây lan trong cộng đồng…

Tự bảo vệ mình khi đi mua sắm, ăn uống

Hướng tới mục tiêu chung sống an toàn cùng đại dịch COVID-19, tại các địa phương, cuộc sống đang dần trở lại với nhịp điệu thường ngày. Các cơ sở kinh doanh dịch vụ như trung tâm thương mại, siêu thị, nhà hàng… đã quay lại hoạt động, phục vụ nhu cầu sinh hoạt của người dân.

Tuy nhiên, là nơi tập trung đông người, khu vực này được đánh giá tiềm ẩn nhiều nguy cơ lây nhiễm, bùng phát bệnh dịch nếu lơ là, chủ quan…

Tất cả khách hàng cần được đo thân nhiệt, yêu cầu đeo khẩu trang và sử dụng dung dịch sát khuẩn tay trước khi vào khu mua sắm, khu thương mại, cơ sở kinh doanh nhà hàng, dịch vụ…

Nguy cơ bùng phát dịch tại các cơ sở kinh doanh dịch vụ - 1

Cơ sở kinh doanh dịch vụ mở cửa trở lại trong mùa COVID-19, yêu cầu sự tự giác cao của mồi người dân khi đi mua sắm

Để bảo vệ sức khỏe bản thân và cộng đồng, Bộ Y tế khuyến cáo, mỗi người dân cần phải tự giác nâng cao ý thức của mình khi đi mua sắm, ăn uống. Theo đó, không vào khu dịch vụ nếu có một trong các biểu hiện sốt, ho, đau rát họng, khó thở, mệt mỏi hoặc nếu đang trong thời gian cách ly tại nhà theo yêu cầu của cơ quan y tế.

Khách hàng tới khu dịch vụ luôn sử dụng khẩu trang đúng cách và bỏ khẩu trang sau khi sử dụng (nếu là loại khẩu trang dùng một lần) vào thùng rác đúng nơi quy định. Đặc biệt, cần thường xuyên rửa tay với xà phòng và nước sạch theo quy trình rửa tay của Bộ Y tế trong thời gian có mặt ở khu dịch vụ vào các thời điểm: trước và sau khi ăn, sau khi đi vệ sinh, sau khi ho, hắt hơi, khi tay bẩn…

Tránh đưa tay lên mắt, mũi, miệng để tránh lây nhiễm bệnh và thông báo ngay cho người làm việc tại khu dịch vụ để được hướng dẫn và hỗ trợ khi bản thân thấy có một trong các biểu hiện sốt, ho, đau rát họng, khó thở…

Cơ sở kinh doanh chủ động tuân thủ nghiêm túc các biện pháp đảm bảo an toàn cho khách

Bên cạnh việc tự nâng cao ý thức của người dân, Bộ Y tế nhấn mạnh công tác bảo đảm vệ sinh môi trường và trách nhiệm của ban quản lý, chủ quản lý cơ sở kinh doanh dịch vụ.

Các siêu thị, trung tâm thương mại, nhà hàng… phải thường xuyên lau rửa, khử khuẩn bằng các chất tẩy rửa thông thường như dung dịch tẩy rửa đa năng, hoặc các dung dịch khử khuẩn có chứa 0,05% clo hoạt tính (đảm bảo thời gian tiếp xúc trên bề mặt là 10 phút) hoặc 0,1% Clo hoạt tính (đảm bảo thời gian tiếp xúc trên bề mặt là 01 phút) hoặc cồn 70 độ. Khi vệ sinh các thiết bị điện, điện tử và công tắc đèn cần phải tắt nguồn để tránh gây giật, hỏng hóc. Đối với các thiết bị không chịu được nước thì ưu tiên dùng cồn để khử khuẩn. Ưu tiên khử khuẩn bằng cách lau rửa theo nguyên tắc từ chỗ sạch tới chỗ bẩn, từ trong ra ngoài, từ trên xuống dưới. Sử dụng găng tay cao su khi thực hiện khử khuẩn.

Các khu vực nền nhà, tường, bàn ghế, đồ vật trong phòng, gian bán hàng, khu chơi của trẻ em, khu vệ sinh chung khử khuẩn ít nhất 1 lần/ngày. Các vị trí tiếp xúc thường xuyên như tay nắm cửa, tay vịn cầu thang, nút bấm thang máy, tay vịn lan can các khu vực nền nhà sảnh chờ, sảnh đón tiếp, cửa ra vào khu vực nhà vệ sinh khử khuẩn ít nhất 2 lần/ngày.

Đặc biệt, các cơ sở kinh doanh dịch vụ phải bố trí đầy đủ dung dịch rửa tay khô tại sảnh đón tiếp, cửa ra vào, sảnh chờ. Đảm bảo đủ nước sạch và xà phòng rửa tay hoặc dung dịch rửa tay hô, giấy vệ sinh tại nhà vệ sinh.

Ban quản lý, chủ cơ sở kinh doanh dịch vụ phải cung cấp dung dịch sát khuẩn tay có chứa cồn cho người lao động, làm việc tại khu dịch vụ không thể rời khỏi vị trí trong ca làm việc, cung cấp đầy đủ khẩu trang cho người làm việc có tiếp xúc với khách hàng, và nhắc nhở nhân viên luôn đeo khẩu trang khi cung cấp dịch vụ.

Khi có trường hợp nhân viên, khách hàng nghi ngờ mắc bệnh, các cơ sở dịch vụ cần thực hiện cách ly ngay đồng thời thông báo cho cơ quan y tế địa phương thông qua đường dây nóng 1900 3228 hoặc 1900 9095.

Nguy cơ bùng phát dịch tại các cơ sở kinh doanh dịch vụ - 2

Các siêu thị, trung tâm thương mại, nhà hàng… phải thường xuyên lau rửa, khử khuẩn bằng các chất tẩy rửa theo quy định để phòng, chống dịch bệnh.

Người lao động, làm việc, người bán hàng tại các khu dịch vụ cũng được xem một trong những nhóm có nguy cơ lây nhiễm cao. Do đó, Bộ Y tế khuyến cáo, những người làm việc tại khu vực này cần tự theo dõi sức khỏe trước khi đến chỗ làm. Nếu có một trong các biểu hiện sốt, ho, đau rát họng, khó thở thì báo cho người sử dụng lao động, ban quản lý khu dịch vụ và nghỉ ở nhà để theo dõi sức khỏe, nếu cần thì đến cơ sở y tế gần nhất để được khám, tư vấn, điều trị.

Khi đi làm, người lao động luôn lưu ý các nguyên tắc phòng tránh lây nhiễm bệnh như hạn chế bắt tay, hạn chế tiếp xúc với khách hàng, thường xuyên rửa tay với xà phòng và nước sạch tại các thời điểm: trước khi vào làm việc, sau giờ nghỉ giải lao, trước và sau khi ăn, trước và sau khi chế biến thức ăn, sau khi đi vệ sinh, sau khi ho, hắt hơi, khi tay bẩn, sau khi tiếp xúc trực tiếp với khách hàng…

Vững Vàng Việt Nam” – chung tay đẩy lùi COVID-19

"Vững vàng Việt Nam”" là chương trình do Bộ Y tế phối hợp thực hiện cùng quỹ Unilever Việt Nam nhằm nâng cao ý thức phòng chống dịch bệnh, tăng cường điều kiện vệ sinh thông qua việc duy trì thói quen vệ sinh của người Việt, từng bước thích nghi để sẵn sàng chung sống an toàn với COVID-19. Đặt mục tiêu tiếp cận 25 triệu người, “Vững vàng Việt Nam” sẽ tiếp tục cổ vũ và biểu dương quyết tâm, tinh thần đoàn kết, lạc quan của người dân đồng lòng cùng Chính phủ, Bộ Y tế, các bộ ngành và chính quyền địa phương chiến thắng dịch bệnh

Trường Thịnh