Người trầm cảm có nguy cơ tự tử cao gấp 25 lần người khác

(Dân trí) - Tại Việt Nam hiện có hơn 3,5 triệu người bị rối loạn trầm cảm, với khoảng gần 5.000 người tử vong do tự tử mỗi năm.

Tại lễ Míttinh hưởng ứng Ngày sức khỏe thế giới (7/4), với chủ đề “Hãy cùng trò chuyện để phòng chống trầm cảm,” diễn ra sáng 7/4 tại Hà Nội, GS.TS Nguyễn Thanh Long, Thứ trưởng Bộ Y tế đánh giá, trầm cảm hiện đang là vấn đề sức khỏe nghiêm trọng trên toàn cầu cũng như Việt Nam.

Hãy trò chuyện, giao lưu để phòng, chống nguy cơ mắc bệnh trầm cảm. Ảnh: G.T
Hãy trò chuyện, giao lưu để phòng, chống nguy cơ mắc bệnh trầm cảm. Ảnh: G.T

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến trầm cảm, trầm cảm thường xảy ra ở những người bị căng thẳng, bị sang chấn tâm lý trong cuộc sống, học tập, trong quan hệ gia đình, xã hội hoặc sau khi mắc bệnh khác. Hậu quả của trầm cảm gây ảnh hưởng lớn đến sức khỏe, khả năng học tập, lao động của người bệnh và dễ dẫn đến những hành động khó kiểm soát và có thể là tự tử.

Tổ chức Y tế Thế giới ước tính năm 2015 Việt Nam có khoảng 3.564.000 người bị rối loạn trầm cảm, chiếm 4% dân số.

Trong khi đó, người trầm cảm có nguy cơ tự tử cao gấp 25 lần so với người khác. Trên thế giới, mỗi năm có gần 800.000 người chết vì tự tử và đây là nguyên nhân thứ 2 gây tử vong ở độ tuổi 15-29. Còn tại Việt Nam, ước tính mỗi năm có 5.000 người tử vong do tự tử.

Vì thế, Bộ Y tế coi trầm cảm là một vấn đề ưu tiên trong chương trình chăm sóc sức khỏe tâm thần.

Theo các chuyên gia, để dự phòng và kiểm soát trầm cảm hiệu quả, ngành y tế cần tiếp tục tăng cường năng lực hệ thống y tế tuyến cơ sở để cung cấp các dịch vụ dự phòng, phát hiện sớm, quản lý, tư vấn, chăm sóc cùng với phối hợp để phát triển các dịch vụ tâm lý trị liệu, phục hồi chức năng và hỗ trợ xã hội cho người mắc bệnh ở cộng đồng.

Bộ Y tế cũng đề nghị Tổ chức Y tế thế giới, các cơ quan, tổ chức quốc tế và trong nước tiếp tục hợp tác chặt chẽ với Bộ Y tế và các Bộ, ngành liên quan để phối hợp, hỗ trợ, cùng chung tay phòng, chống trầm cảm nói riêng và chăm sóc sức khỏe tâm thần nói chung.

Trong cộng đồng, Bộ Y tế cũng nhấn mạnh trầm cảm không phải là dấu hiệu của sự yếu đuối. Bất kỳ ai cũng có thể mắc trầm cảm.

Bất cứ ai nghĩ mình có dấu hiệu hoặc bị trầm cảm thì hãy trò chuyện với mọi người, hãy nói với ai đó mà bạn tin cậy về cảm giác và suy nghĩ của mình bởi vì trò chuyện là một trong những biện pháp đơn giản nhất để phòng và chữa trị trầm cảm. Mọi người hãy tích cực tập luyện thể dục thể thao, đồng thời tránh sử dụng đồ uống có cồn và các chất gây nghiện.

Hồng Hải