Người phụ nữ kiên cường chống chọi với bệnh ung thư gần 4 thập kỷ

(Dân trí) - Phát hiện mắc ung thư tuyến giáp từ thời mới đôi mươi, đến nay cô Dư Thị Kim Dung (Hà Nội) đã có gần 36 năm sống chung với bệnh. Chính sức mạnh tinh thần đã quyết định đến 50% sự hồi phục kỳ diệu mà cô có được ngày hôm nay.

“Bản thân tôi đã phải trải qua những nốt thăng trầm và từng nghĩ sẽ không thể tiếp tục sống”, cô Dung nhớ lại quãng thời gian đầy khó khăn đó. Thế nhưng, ở người phụ nữ này luôn toát ra một nguồn năng lượng tích cực với nụ cười thường trực trên môi.

Người phụ nữ kiên cường chống chọi với bệnh ung thư gần 4 thập kỷ - 1

Tinh thần lạc quan giúp cô Dung vững vàng trong cuộc chiến với ung thư suốt gần 4 thập kỷ qua. Ảnh: SCI.

Những ai từng tiếp xúc với cô Dư Thị Kim Dung đều không thể tin được rằng người phụ nữ này đã có gần 36 năm chung sống với ung thư.

Lần đầu tiên cô được chẩn đoán mắc ung thư tuyến giáp là vào năm 1984, lúc đó cô mới khoảng 20 tuổi. Hiểu biết về bệnh ung thư khi đó còn ít, cô đi khám vì thấy nuốt vướng song bác sĩ cũng chỉ nói u lành tính.

Sau đó thấy hàng xóm có người chết vì khối u, cô gái trẻ mới thấy lo. Được người quen làm bác sĩ khuyên nên mổ song cô cứ nấn ná mãi. Đến khi thấy khó thở, nuối khó cô mới vào viện. Không ngờ kết quả sinh thiết khẳng định cô bị ung thư tuyến giáp.

Ca mổ khó với nhiều vấn đề trong thời gian hậu phẫu khiến nhiều lúc cô đã nghĩ mình có thể không thể sống được, thậm chí có khoảng thời gian phải ăn qua xông, mất giọng nói. Song cô đã có thể sống, về nhà đi học và đi làm.

Cuộc chiến sinh tử lần thứ hai

9 năm sau cô lập gia đình và có được hai cậu con trai. Cô cũng dần dần quên đi rằng mình từng bị ung thư tuyến giáp cho đến khi bệnh tái phát vào năm 2009. Cô lại tiếp tục bước vào cuộc đấu tranh sinh tử lần thứ 2.

Khi đó cô chỉ thấy ho nhiều, uống thuốc mãi không khỏi. Đi khám thì bác sĩ chẩn đoán bệnh ung thư tái phát. Song những ám ảnh của ca mổ trước đó nên lần thứ hai cô không mổ mà tiêm thuốc đặc trị. Bệnh của cô tạm ổn nhưng đến năm 2014 lại chuyển biến xấu.

Đi khám, các bác sĩ khuyên cô Dung nên mổ để cắt bỏ khối u. Chần chừ mãi cô mới quyết định mổ, sau đó điều trị tiếp bằng iốt 131.  

Nói về hành trình gần 4 thập kỷ chống chọi với ung thư, cô Dung cho rằng chính sức mạnh tinh thần đã quyết định đến 50% sự hồi phục kỳ diệu mà cô có được ngày hôm nay. Từng ngày trong sốt gần 4 thập kỷ qua, cô vẫn kiên cường chiến đấu với bệnh ung thư mỗi ngày.

Bên cạnh việc tuân thủ phác đồ điều trị, việc duy trì một thái độ tích cực để chung sống với ung thư là điều hết sức cần thiết. “Có những người thân, người bạn ở cạnh để truyền thêm sức mạnh tinh thần khiến tôi thấy mình mạnh mẽ hơn để vượt qua những giai đoạn khó khăn nhất", cô Dung chia sẻ.

“Cho đến thời điểm này tôi chỉ nghĩ ung thư cũng như một căn bệnh mãn tính mà thôi. Đã là bệnh thì phải chữa đến khi còn có thể”, cô Dung lạc quan nói về chặng đường 36 năm đối mặt với biết bao những thử thách tưởng chừng không thể vượt qua.

Ung thư tuyến giáp là một trong 10 loại ung thư phổ biến nhất trên thế giới ở cả hai giới, khoảng 6,7 triệu ca mắc mới. Tại Việt Nam, mỗi năm cũng ghi nhận khoảng 5.000 ca mắc mới. Phụ nữ bị ung thư tuyến giáp nhiều gấp 3 lần nam giới.

Ung thư tuyến giáp là một trong những loại ung thư có tiên lượng tốt nhất (ung thư biểu mô loại biệt hóa) vì tiến triển chậm. Tỷ lệ sống thêm sau 10 năm từ 80 đến 90%. Thậm chí khi đã có di căn hạch cổ hoặc di căn xa vẫn có khả năng cứu chữa.

Song với loại ung thư tuyến giáp thể không biệt hóa thì tỷ lệ sống thêm sau khoảng 5 năm chỉ dưới 50%. Rất may loại ung thư này hiếm gặp, chỉ chiếm khoảng 15% tổng số các loại ung thư tuyến giáp.

Để phòng bệnh, người dân nên duy trì lối sống lành mạnh, không dùng chất kích thích như rượu, bia, thuốc lá. Đồng thời ăn nhiều rau xanh, hạn chế dùng các thực phẩm chứa nhiều chất béo, tăng cường vận động để giúp cơ thể chuyển hóa tốt. Ngoài ra, sử dụng iốt có thể giảm được tỷ lệ mắc ung thư tuyến giáp thể nang.

Hà An