Người phụ nữ đầu tiên trên thế giới sinh con sau khi được ghép tử cung nhờ robot phẫu thuật

(Dân trí) - Một phụ nữ Thụy Điển đã trở thành người đầu tiên trên thế giới mang thai sau khi được ghép tử cung nhờ robot phẫu thuật đã sinh ra một bé trai khỏe mạnh.

Người phụ nữ chưa rõ danh tính đã sinh một bé trai nặng 2,9kg nhờ sinh mổ sau 36 tuần. Cũng chưa rõ tên của em bé.

Ca phẫu thuật đầu tiên trên thế giới này đã được thực hiện vào năm 2017 và người mẹ đã được báo chí trên khắp thế giới nhắc đến khi các bác sĩ tuyên bố cô đã mang thai.

Ghép tử cung bao gồm phẫu thuật cắt tử cung của một người này và ghép nó sang cho người khác không thể có con một cách tự nhiên.

Người phụ nữ đầu tiên trên thế giới sinh con sau khi được ghép tử cung nhờ robot phẫu thuật - 1

Một phụ nữ Thụy Điển chưa rõ danh tính đã sinh một bé trai nặng 2,9kg sau khi được ghép tử cung nhờ robot phẫu thuật.

Người phụ nữ, chưa rõ bao nhiều tuổi, đã được ghép tử cung tại Bệnh viện Đại học Sahlgrenska vào tháng 10/2017.

Hiện cũng chưa rõ người mẹ không có tử cung bẩm sinh hay tử cung đã bị cắt bỏ do ung thư hoặc một căn bệnh khác. Tuy nhiên, người mẹ vẫn có trứng mà các bác sĩ đã sử dụng để làm IVF.

Mười tháng sau, một phôi, được tạo ra qua điều trị vô sinh sinh trước khi người mẹ trải qua ca phẫu thuật, được đưa vào tử cung mới.

Các bác sĩ đã xác nhận bệnh nhân mang thai một vài tuần sau đó.

Nhân viên y tế cho biết người phụ nữ và em bé không bị biến chứng, và việc mổ đẻ đã được lên kế hoạch từ trước chứ không phải là mổ cấp cứu.

Bác sĩ Pernilla Dahm-Kähler, người đã giúp thực hiện ca ghép tử cung, nói: “Thật là một cảm giác tuyệt vời khi đỡ đẻ một em bé đặc biệt được mong mỏi từ lâu như vậy.”

Giáo sư Mats Brännström, người chỉ đạo ca mổ, nói: 'Đây là một bước cực kỳ quan trọng để phát triển phẫu thuật liên quan đến ghép tử cung và độ an toàn của nó.

“Lần đầu tiên, chúng tôi chứng minh rằng kỹ thuật mổ với sự trợ giúp của robot ít xâm lấn là có thể thực hiện được.”

Mới chỉ có 15 em bé trên toàn thế giới được sinh ra từ tử cung cấy ghép, trong đó 9 em bé đã được sinh tại Thụy Điển.

Người phụ nữ đầu tiên trên thế giới sinh con sau khi được ghép tử cung nhờ robot phẫu thuật - 2

Robot có thể lấy tử cung của người cho nhờ phẫu thuật nội soi qua năm lỗ chỉ rộng 1cm, giảm lượng máu mất và tăng tốc độ phục hồi sau đó.

Tuy nhiên, trường hợp mới nhất này là em bé đầu tiên được sinh ra nhờ ghép tử cung có sử dụng robot.

Năm phụ nữ khác đã được ghép tử cung qua phẫu thuật robot tại Đại học Gothenburg. Tuy nhiên, chưa ai trong số này mang thai.

Các bác sĩ cho biết sử dụng robot cho một phẫu thuật thay đổi cuộc sống như thế này đang có “một tương lai tuyệt vời” và làm cho phẫu thuật ít gây tổn hại hơn đối với người cho.

Robot được điều khiển bởi hai bác sĩ phẫu thuật sử dụng cần điều khiển biến chuyển động của họ thành chuyển động chính xác đến từng milimet ở cánh tay robot.

Điều này cho phép thực hiện phẫu thuật qua năm lỗ rộng 1cm trên cơ thể người cho - không giống như các vết mổ lớn hơn nhiều của bác sĩ phẫu thuật.

Ghép tử cung mới chỉ cho kết quả mang thai thành công ở 14 trường hợp, tính cả trường hợp phẫu thuật robot này, và một trường hợp đầu tiên khác trong đó một phụ nữ đã được ghép tử cung từ một người hiến đã chết

Những em bé khác được sinh ra sau khi người mẹ được ghép tử cung là ở Thụy Điển, cùng với Mỹ, Brazil, Serbia và Ấn Độ.

Các bác sĩ đã cảnh báo và tình trạng thiếu người cho tạng còn sống và hầu hết phụ nữ cho tử cung để ghép đều là người nhà hoặc bạn thân của bệnh nhân.

Một bước đột phá khác trong ghép tử cung là vào năm ngoài khi em bé đầu tiên trên thế giới được sinh ra từ tử cung ghép lấy từ người cho đã chết.

Quá trình mang thai thành công của Fabiana Amorim de Lima, 32 tuổi, đến từ Brazil, đánh dấu một bước đột phá trong điều trị vô sinh.

Trứng của cô đã được đông lạnh trước khi phẫu thuật, và sau khi cô bắt đầu có kinh nguyệt đều đặn sau khi ghép tử cung, cô đã được thụ tinh bằng IVF.

Bé Luisa Santos chào đời nhờ sinh mổ tháng 12 năm 2017, sau khi được 35 tuần thai.

Các bác sĩ cho biết việc sử dụng tử cung từ phụ nữ đã chết mang lại hy vọng cho những bà mẹ tương lai bởi vì điều đó có nghĩa là sẽ dễ dàng hơn để tìm được người hiến tặng sẵn sàng và phù hợp.

Mười nỗ lực trước đó, tại Mỹ, Cộng hòa Séc và Thổ Nhĩ Kỳ, để ghép tử cung từ người hiến đã chết đều kết thúc thất bại.

Sự chào đời của bé Luisa vào tháng 12 năm ngoái – với cân nặng 2,5kg - đã chứng minh rằng phẫu thuật có thể được thực hiện an toàn với tử cung của người hiến đã chết.

Được thúc đẩy bởi đột phá, các bác sĩ phẫu thuật ở Anh đang lên kế hoạch tiến hành ca ghép tử cung đầu tiên ở nước này trong năm nay.

Sự khác nhau giữa ca mổ này với một ca ghép tử cung bình thường?

Phẫu thuật ghép tử cung còn rất hiếm hỏi và mới chỉ có 13 em bé chào đời trên toàn thế giới.

Quy trình thường bao gồm phẫu thuật cắt tử cung của người cho - thường là người thân hoặc thậm chí là bạn của người phụ nữ muốn mang thai - ghép nó vào bệnh nhân, sau đó sử dụng IVF.

Các nhà nghiên cứu tại Đại học Gothenburg đã đi tiên phong trong một loại hình phẫu thuật mới bằng cách sử dụng robot để thực hiện một phần của quy trình.

Robot có thể lấy tử cung từ người hiến bằng cách mổ nội soi qua 5 lỗ rộng 1cm ở bụng, thay vì vết mổ kích thước đầy đủ.

Robot được điều khiển bởi hai bác sĩ phẫu thuật có trình độ sử dụng cần điều khiển để điều khiển các dụng cụ bên trong cơ thể bệnh nhân.

Robot sẽ biến chuyển động tay của bác sĩ thành chuyển động cụ thể chính xác đến từng milimet và giảm nguy cơ tổn thương do tai nạn hoặc không cần thiết.

Điều này có nghĩa là bệnh nhân mất ít máu hơn, ít bị sẹo hơn và ít phải nằm viện để phục hồi hơn, theo GS. Mats Brännström.

Tử cung vẫn phải được ghép trong một ca mổ được thực hiện bởi các bác sĩ phẫu thuật. 

Cẩm Tú

Theo DM