Người đàn ông sưng phù tay, hoại tử sau khi bị con rắn “tưởng đã chết” cắn

(Dân trí) - Mang con rắn hổ mang về nhà sau khi đinh ninh rằng đã đập chết, 1 người đàn ông ở Bắc Ninh đã bất ngờ bị cắn vào ngón tay trái khiến một phần thịt bị hoại tử phải cắt bỏ.

Trong một lần đi làm đồng, ông N.T.H, sống ở Quế Võ, Bắc Ninh bắt gặp 1 con rắn hổ mang nặng khoảng 1 kg. Theo phản xạ, ông H. dùng cây lớn đánh vào đầu rắn. Khi thấy con rắn nằm bất động, ông H. tin chắc rằng, nó đã chết nên cho vào rọ. Tuy nhiên, đến khi về nhà mở nắp rọ, thì con rắn bất ngờ tỉnh lại cắn vào ngón tay trái của người đàn ông này. Sau đó, ông H. nhanh chóng đến bệnh viện địa phương để sơ cứu rồi chuyển thẳng đến Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai.

Người đàn ông sưng phù tay, hoại tử sau khi bị con rắn “tưởng đã chết” cắn - 1

Cánh tay bị rắn cắn của ông H. sưng phù

“Lúc bị cắn thì không quá đau nhưng sau đó ngón tay tôi dần chuyển màu thâm đen, cả cánh tay sưng dần lên và bắt đầu có hiện tượng đau nhức” – Ông H. cho biết.

Chia sẻ về trường hợp của ông H., TS.BS Nguyễn Trung Nguyên, Giám đốc Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai cho biết: “Bệnh nhân nhập viện trong trạng thái ngón tay bị cắn có hiện tượng sưng, đau, hoại tử. Qua quá trình điều trị, hiện tình trạng bệnh nhân đã ổn định. Tuy nhiên, vì buộc phải cắt bỏ phần thịt bị hoại tử, nên sẽ để lại sẹo”.

Người đàn ông sưng phù tay, hoại tử sau khi bị con rắn “tưởng đã chết” cắn - 2

TS.BS Nguyễn Trung Nguyên, Giám đốc Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai

Cũng theo chuyên gia này, điều may mắn là ông H. nhập viện sớm, nên việc điều trị không khó khăn. Một số trường hợp khác bị rắn hổ mang cắn tự ý chữa tại nhà bằng phương pháp truyền miệng hoặc bằng thuốc nam, đến khi tình trạng nhiễm độc diễn tiến nặng mới nhập viện thì hậu quả để lại sẽ rất lớn.

Người đàn ông sưng phù tay, hoại tử sau khi bị con rắn “tưởng đã chết” cắn - 3

Phần ngón tay bị cắn của ông H. chuyển màu thâm đen

“Đặc trưng của các trường hợp bị rắn hổ mang tấn công là gây tổn thương hoại tử. Nếu đến bệnh viện sớm, vùng hoại tử còn nhỏ thì sau khi cắt bỏ chỉ để lại sẹo. Trong trường hợp tổn thương hoại tử đã lan rộng, buộc phải cắt cụt 1 phần cơ thể như ngón tay, 1 phần góc bàn tay, bàn chân thì sẽ dẫn đến tàn phế” – TS.BS Nguyên nhấn mạnh.

Mùa rắn sinh sôi mạnh, cần cảnh giác cao độ

Giám đốc Trung tâm Chống độc cảnh báo, mùa nóng là thời kì các loài rắn sinh sôi, vì vậy cứ vào giai đoạn này hàng năm, số lượng bệnh nhân nhập viện do rắn độc cắn lại tăng vọt. Do đó, người dân cần đặc biệt cảnh giác khi đến những khu vực có nguy cơ cao như: đồng ruộng, vùng có cây cối rậm rạp, rừng núi…

Người đàn ông sưng phù tay, hoại tử sau khi bị con rắn “tưởng đã chết” cắn - 4

Rắn cạp nong có màu sắc đặc trưng

“Việt Nam là nước có rất nhiều loại rắn độc, mỗi loại lại có 1 cơ chế gây độc riêng. Trong các trường hợp mà chúng tôi tiếp nhận, phổ biến nhất vẫn là bị nhiễm độc rắn hổ mang. Tuy nhiên, loại rắn nguy hiểm hàng đầu lại là rắn cạp nong. Khi bị tấn công bởi loại rắn này, nạn nhân sẽ tê liệt toàn thân và nguy cơ tử vong cao”.

Chuyên gia này cũng nhấn mạnh rằng, một trong những sai lầm lớn nhất của bệnh nhân bị rắn cắn là tự áp dụng các kinh nghiệm dân gian để sơ cứu, trong khi với mỗi loại nọc độc lại cần có biện pháp sơ cứu cũng như hướng điều trị riêng. 

Trong trường hợp bị rắn độc cắn cần nhớ rõ những nguyên tắc sau:

- Không tự đi lại. Bất động chân, tay bị cắn bằng nẹp (vì vận động làm cho nọc độc xâm nhập vào trong cơ thể nhanh hơn). Cởi bỏ đồ trang sức ở chân, tay bị cắn vì có thể gây chèn ép khi vùng đó bị sưng nề.

- Áp dụng biện pháp băng ép bất động với một số loại rắn hổ (rắn cạp nong, cạp nia, hổ mang chúa, rắn biển và một số giống rắn hổ mang thường): băng ép bất động để làm chậm sự xuất hiện triệu chứng liệt. Không băng ép khi rắn lục cắn vì có thể làm vết thương nặng thêm.

-Vận chuyển bệnh nhân bằng phương tiện đến cơ sở y tế đồng thời duy trì băng ép, bất động. Nếu bệnh nhân khó thở thì hô hấp nhân tạo (hà hơi thổi ngạt hoặc bằng phương tiện y tế có tại chỗ như bóp bóng, máy thở xách tay,..).

Minh Nhật