Người bị... mập ra do thuốc

Trước khi dùng một loại thuốc nào đó, bạn cần hỏi ý kiến bác sĩ, dược sĩ xem thuốc này có gây tăng cân cho những bệnh nhân trước đó không.

Khi bắt đầu sử dụng những loại dược phẩm để điều trị một loại bệnh nào đó, một số bệnh nhân nhận thấy bỗng nhiên họ tăng cân và dược phẩm thường được cho là chịu trách nhiệm về sự tăng cân này. Nói như vậy có thể đúng mà cũng có thể sai.

Nguyên nhân

Tất cả các loại dược phẩm đều có tác dụng phụ mà giới y học gọi là “tần suất rủi ro” của thuốc. Một số bệnh nhân khi bị tăng cân đã quên rằng họ đang thay đổi lối sống hoặc giảm các hoạt động thể chất. Vì vậy, trước khi “đổ tội” cho thuốc, cần phải xem xét nhiều khía cạnh.

Để đưa sự tăng cân vào danh sách tác dụng phụ của thuốc, các bệnh nhân tham gia thí nghiệm được phân vào cùng một nhóm sử dụng thuốc. Một số nhóm thuốc đã được xác định là có tác dụng phụ gây tăng cân. Nhưng những nhóm thuốc khác, chẳng hạn như một vài loại thuốc trị trầm cảm, có một số kết quả pha trộn.

Những thuốc gây tăng cân cũng có thể làm tăng sự thèm ăn ở bệnh nhân, kích thích bệnh nhân ăn nhiều hơn hoặc làm giảm sự chuyển hóa. Tuy nhiên, nếu bệnh nhân tăng cân do những thuốc này gây ra, họ có thể giảm cân một cách dễ dàng. Nếu bạn vẫn tập thể dục đều đặn, không ăn nhiều nhưng vẫn tiếp tục tăng cân thì loại thuốc mà bạn đang sử dụng có thể là thủ phạm của sự tăng cân đó.


Tập thể dục có thể tiêu thụ những calorie dư thừa do tác dụng phụ của một số loại thuốc (Ảnh: Tấn Thạnh)

Tập thể dục có thể tiêu thụ những calorie dư thừa do tác dụng phụ của một số loại thuốc (Ảnh: Tấn Thạnh)

Những loại thuốc gây tăng cân

1. Thuốc kháng trầm cảm: Cách đây không lâu, một nghiên cứu đã chứng minh rằng các thuốc trầm cảm tricylic (Elavil và Toframil) gây giảm thiểu tốc độ chuyển hóa đến 10%. Điều này làm cho cơ thể tăng khoảng 450 g trong vòng 7-10 ngày (nếu vẫn giữ thói quen ăn uống như thường lệ). Những loại thuốc kháng trầm cảm thế hệ cũ này sẽ tác động các chất dẫn truyền thần kinh, gây ra một loạt tác dụng phụ mà nổi bật nhất là gây tăng cân. Những thuốc kháng trầm cảm mới hơn không có tác dụng phụ đó.

2. Thuốc trị tâm thần và ổn định trạng thái: Những bệnh nhân bị tâm thần phân liệt, rối loạn lưỡng cực (bipolar disorder), loạn thần kinh (schizophrene) hoặc những rối loạn tâm thần khác có thể được kê Zyprexa (olanzapine) hoặc Risperdal. Cả 2 loại thuốc trên có liên quan đến sự tăng cân nhưng chúng được xem là tốt hơn những loại thuốc cũ như Haldol.

Lithium thì khá “nổi đình nổi đám” trong việc gây tăng cân. Có từ 1/3 đến 2/3 bệnh nhân sử dụng Lithium được báo cáo là có tác dụng tăng cân.

Những bệnh nhân sử dụng Lithium có thể tăng 9-12,5 kg/năm.

3. Thuốc chống động kinh: Một thuốc trị động kinh phổ biến valproate có thể làm cho bệnh nhân tăng hơn 20 kg/năm.

4. Thuốc trị đau nửa đầu: Những loại thuốc này có thể gây tăng cân ngay khi vừa sử dụng.

5. Thuốc kháng dị ứng: Tăng cân chỉ xảy ra một cách hiếm hoi.

6. Thuốc chẹn beta (beta blocker): Những loại thuốc trị cao huyết áp như Atenolol có thể đôi lúc gây tăng cân.

7. Steroid: Những loại steroid như glucocorticoid và cortisone dùng trong điều trị những căn bệnh về viêm khớp, thấp khớp, viêm mãn tính... Bệnh nhân sử dụng steroid đã báo cáo rằng họ cảm thấy thèm ăn, mau đói...

8. Thuốc tránh thai: Những loại thuốc tránh thai có thể làm tăng cân vì hàm lượng estrogen làm cho cơ thể bị giữ nước.

Ngoài ra, insulin và những loại thuốc trị tiểu đường cũng có thể gây tăng cân.

Cách phòng tránh

Trước khi bạn sử dụng một loại thuốc nào đó, cần phải hỏi ý kiến bác sĩ để biết loại thuốc này có gây tăng cân cho những bệnh nhân trước đó hay không. Thậm chí, nếu tăng cân không được liệt kê trong những tác dụng phụ của thuốc thì nếu bạn tăng cân cũng phải báo cho bác sĩ biết, nhờ đó bác sĩ có thể biết dạng bệnh nhân nào có thể bị tăng cân.

Một điều đáng lưu ý là một số bệnh nhân khi đang dùng thuốc và bị tăng cân, họ lập tức ngưng sử dụng thuốc cho dù chưa được xác định rõ là do thuốc hay do một nguyên nhân khác. Vì thế, nếu bạn nghi ngờ mình đang bị tăng cân thì cũng không nên ngưng sử dụng thuốc.

Trong trường hợp gặp phải một dược phẩm kích thích sự thèm ăn, bạn cần phải tỏ ra là một người ăn uống “sành điệu”, hay nói cách khác, hãy suy nghĩ trước khi ăn. Chú trọng những loại thức ăn có calorie thấp vì chúng giúp bạn cảm thấy no nhưng sẽ không làm bạn béo phì. Nên ăn nhiều rau cải và trái cây thay vì bánh kẹo hoặc snack.

Có thể nhai một mẩu kẹo cao su không đường (sugarless gum) nếu bạn cảm thấy đói cồn cào. Thức uống cũng nên chọn những loại có calorie thấp.

Bên cạnh đó, cũng cần các hoạt động thể chất như đi bộ cầu thang thay vì sử dụng thang máy. Với những điểm đến tương đối gần, nên đi bộ thay vì sử dụng xe gắn máy, điều này giúp giải quyết lượng calorie dư thừa.

Nên tập thể dục đều đặn 3-4 lần trong ngày. Trong khi chưa có cách gì để can thiệp vào những tác dụng phụ gây tăng cân của thuốc, tập thể dục có thể tiêu thụ những calorie dư thừa và tạm thời hỗ trợ cho sự chuyển hóa.

Theo Dược sĩ Nguyễn Bá Huy Cường

Người lao động