Người bệnh gặp sự cố y khoa, cơ sở y tế không thể vô can

(Dân trí) - Sau những sự cố y khoa, bác sĩ, nhân viên y tế đang là đối tượng bị quy trách nhiệm, buộc tội. Là đơn vị trực tiếp điều động, phân công và cung cấp cơ sở vật chất, dụng cụ… cho người hành nghề, cơ sở y tế không thể vô can khi có sự cố xảy ra.

Sự thay đổi mô hình bệnh tật, gia tăng nhanh các bệnh mạn tính không lây đang là thách thức đối với hoạt động chuyên môn của các y bác sĩ, gây áp lực quá tải người bệnh tại các cơ sở y tế đặc biệt là những bệnh viện tuyến cuối. Năng lực của bác sĩ có hạn nhưng đòi hỏi thực tế hành nghề luôn “thiên biến vạn hóa” trong khi đó cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế tại các cơ sở y tế (đặc biệt là bệnh viện tuyến dưới) không đủ để đáp ứng cho việc chẩn đoán, điều trị đang trực tiếp hoặc gián tiếp gây ra những vụ tai biến y khoa khiến người bệnh tử vong hoặc chịu thương tật suốt đời.

Người bệnh gặp sự cố y khoa, cơ sở y tế không thể vô can - 1

Bệnh nhân Trịnh Quang S. người gặp sự cố y khoa tại Bệnh viện Đại Học Y Dược, TPHCM từng là tâm điểm của vụ kiện đòi bồi thường hàng chục tỷ đồng

Rất nhiều sự cố y khoa nghiêm trọng đã xảy ra trên cả nước, vụ việc nghiêm trọng nhất thời gian gần đây khiến 8 người tử vong khi chạy thận nhân tạo tại Bệnh viện Đa khoa Hòa Bình đang là tâm điểm bộc lộ những vấn đề trong cách hành xử của cơ sở y tế; bác sĩ; người bệnh và pháp lý khi có tai biến xảy ra. Việc buộc tội cho bác sĩ Hoàng Công Lương bị cộng đồng và giới y khoa đánh giá là thiếu cơ sở, không thuyết phục, có dấu hiệu bỏ lọt tội hoặc xử lý quá nhẹ đối với những người liên quan trong vụ án. Đến nay, các chuyên gia Bộ Y tế đang nỗ lực tập hợp những chứng cứ để đánh giá lại toàn bộ vụ việc và xem xét yêu cầu giám đốc thẩm đối với bản án hình sự nói trên.

BS Hoàng Công Lương chỉ là nạn nhân hay là “tội đồ” trên thực tế vẫn còn nhiều tranh cãi, thách thức cả lĩnh vực chuyên môn lẫn tố tụng. Trên thực tế, Luật khám bệnh chữa bệnh đang tồn tại nhiều bất cập trong việc xử lý các vấn đề liên quan đến những sự cố, tai biến y khoa. Vụ Pháp chế, Bộ Y tế chỉ ra, nhân viên y tế đang bị xem là “bia đỡ đạn” trong hầu hết các vụ tai biến, nguyên nhân một phần là do những bất cập của Luật.

Người bệnh gặp sự cố y khoa, cơ sở y tế không thể vô can - 2

Quá tải bệnh viện là một trong những nguyên nhân dẫn đến sự cố y khoa

Dẫn chứng cho vấn đề trên, đại diện Bộ Y tế nêu: “Sự cố y khoa - sai sót chuyên môn kỹ thuật đã được định nghĩa tại chương 6 của Luật là một thuật ngữ nằm trong sự cố y khoa. Thực trạng tại nhiều địa phương, sự cố y khoa (không do lỗi chuyên môn của cán bộ y tế) vẫn bị gọi là sai sót chuyên môn và quy trách nhiệm là lỗi của nhân viên y tế”. Để tránh những hiểu lầm tất cả sự cố y khoa là sai sót chuyên môn, Bộ kiến nghị trong Luật ở phần giải thích từ ngữ chung nên đưa khái niệm sự cố y khoa, trong đó định danh ra 2 loại, một loại là sai sót không mong muốn và một loại là sai sót chuyên môn. 

Mặt khác “trong chương 7 Luật khám bệnh, chữa bệnh quy định về sai sót chuyên môn kỹ thuật, giải quyết khiếu nại, tố cáo và tranh chấp trong khám bệnh, chữa bệnh, chủ yếu quy trách nhiệm cho người hành nghề. Trên thực tế, khi sai sót chuyên môn cần phải xem xét cả trách nhiệm cơ sở khám chữa bệnh vì cơ sở khám chữa bệnh là người điều động, phân công và cung cấp cơ sở vật chất, dụng cụ… cho người hành nghề. Vì vậy, cần bổ sung thêm các quy định chi tiết về trách nhiệm của cơ sở khám chữa bệnh”.

Trong Luật của nhiều nước đã quy định các bước ứng xử sau khi có sai sót chuyên môn rất cụ thể về trách nhiệm cung cấp thông tin nhân viên y tế với các cơ quan chức năng, với người nhà người bệnh, về quá trình xin lỗi, về mức và cách thức bồi thường thiệt hại, về vai trò trách nhiệm của các bên liên quan. Luật khám bệnh chữa bệnh của Việt Nam chưa có quy định trên, thực tế những vụ tai biến đang xảy ra tình trạng đùn đẩy, né tránh trách nhiệm của người đứng đầu cơ sở y tế hoặc người có liên quan, thậm chí quy trách nhiệm cá nhân theo kiểu “cờ bí thí tốt”. 

Người bệnh gặp sự cố y khoa, cơ sở y tế không thể vô can - 3

Nhân viên y tế đang "thủ thân" khi hành nghề sau vụ án của BS Hoàng Công Lương

Trên thực tế chính nhân viên y tế cũng chưa ý thức được về quyền và nghĩa vụ của mình dẫn đến tình trạng thụ động trong việc phòng tránh những nguy cơ phải đối mặt với tai biến y khoa. Một khảo sát vừa được Bộ Y tế công bố trong Hội nghị tổng kết 9 năm triển khai Luật khám bệnh chữa bệnh (ngày 29/7 tại TPHCM) cho thấy: Có tới trên 90% số người hành nghề được hỏi về quyền và nghĩa vụ của mình khi hành nghề chỉ trả lời là có nghĩa vụ tuân thủ các quy định chuyên môn, tuân thủ quy chế hoạt động của đơn vị cũng như chỉ đạo của lãnh đạo khoa, phòng và thủ trưởng đơn vị mà không biết một cách đầy đủ về quyền và nghĩa vụ của mình khi thực hiện hoạt động khám bệnh, chữa bệnh”.

Để hỗ trợ người hành nghề khi có sai sót chuyên môn xảy ra, Luật đã quy định về bảo hiểm trách nhiệm trong khám bệnh, chữa bệnh, Chính phủ cũng ban hành Nghị định 102/2011/NĐ-CP hướng dẫn thi hành. Luật ra đời những chưa có chế tài bắt buộc thực hiện cũng như không quy định mức và gói quyền lợi cụ thể nên hiện nay tỷ lệ bao phủ bảo hiểm trách nhiệm rất thấp.

Vân Sơn